Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu cùng độc giả tác phẩm “Báo Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)” của Đại tá – PGS. TS. Hồ Sơn Đài.
Báo Quân giải phóng ra số đầu tiên vào ngày 1-11-1963, ngẫu nhiên trùng với ngày giới tướng lĩnh Sài Gòn, được Mỹ hậu thuẫn, làm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, báo dừng lại ở số 338, ra ngày 15-10-1975. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, việc viết được một bài báo và chuyển tay bài báo ấy (xé từ cuốn sổ học trò 100 trang) về tòa soạn đã khó, việc in ấn ra tờ báo để phát hành đến từng trung đội Quân giải phóng trên toàn Miền càng khó hơn. Vậy mà chỉ trong mười hai năm, những người làm báo Quân giải phóng đã cho ra đời được 338 số. Đó là một kỳ tích. Báo có đủ tất cả các chuyên mục: xã luận, bình luận, thông cáo báo chí, tin tức thời sự, phóng sự, ghi chép, tường thuật, tổ tiên ta đánh giặc, gương người tốt việc tốt, tùy bút, thơ, tranh, biếm họa…
Có thể nói rằng, cũng như những phương tiện truyền thông khác lúc bấy giờ như báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, nội dung của báo Quân giải phóng phản ánh, quy chiếu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam từ hướng tiếp cận của những người lính cách mạng. Geoffrey Ward, nhà văn, nhà sử học người Mỹ (sinh năm 1940, cùng thời với đa số các phóng viên báo Quân giải phóng) nói: “Báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử”.
Trong gần 12 năm hoạt động, báo Quân giải phóng đã xuất bản được 338 số. Trong 338 số ấy, các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo đã công bố hàng nghìn tin bài (chưa kể hàng trăm bài khác được đăng trên các báo Giải phóng, Quân đội nhân dân, Nhân dân, Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam…) phản ánh mọi hoạt động của quân và dân miền Nam từ năm 1963 đến năm 1975. Đó là những bài báo quán triệt chủ trương, nhiệm vụ đấu tranh trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể; phổ biến các tấm gương tập thể và cá nhân điển hình, những thông tin tri thức và bài học kinh nghiệm về xây dựng lực lượng và nghệ thuật quân sự của lực lượng vũ trang; là những bài báo tố cáo bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn, khích lệ nhân dân và lực lượng vũ trang vượt qua mọi gian nan thử thách, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Hoạt động của báo Quân giải phóng đã thực sự trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành mũi đấu tranh chính trị trong phương châm hai chân ba mũi ba vùng; một thứ vũ khí tin cậy và sắc bén của Quân ủy, Bộ Tư lệnh, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa.
Với lòng ngưỡng mộ và tha thiết giữ lại, giới thiệu một di sản chính trị tinh thần đang mai một trong sự biết của nhiều người, tác giả Hồ Sơn Đài đã dành hai năm để sưu tầm, chú giải các tờ báo Quân giải phóng, phần để góp tư liệu cho nỗ lực phục dựng lịch sử Việt Nam thời hiện đại, phần để tri ân các cựu cán bộ, phóng viên, nhân viên, những người giờ đây dù tuổi đã trên, dưới tám mươi, vẫn vẹn nguyên niềm tự hào lung linh cảm xúc một thời làm báo Quân giải phóng.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra mắt Báo Quân giải phóng (1/11/1963 – 1/11/2023), vào 8 giờ 30 phút sáng thứ Tư ngày 01/11/2023, tác giả Hồ Sơn Đài cùng các nhân chứng lịch sử sẽ có buổi giao lưu, trò chuyện cùng quý độc giả về tác phẩm tại Sân khấu chính – Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1). Rất mong nhận được sự tham dự và hỗ trợ thông tin của Quý phóng viên Báo, Đài.
Về Đại tá, PGS. TS. Hồ Sơn Đài:
– Sinh năm 1955 tại Nghệ An.
– Giảng viên trường Sĩ quan Chính trị (1978 – 1981)
– Trưởng ban Lịch sử Quân sự Quân khu 7 (1994 – 1999)
– Phó Chủ tịch Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh (1997 – 2002)
– Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 (2005 – 2015)
– Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ – TDMU (2019 – 2023)
P.V / Thị Trường Giao Dịch