Theo dự kiến của Bộ NN&PTNT kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD.
Kết nối để đưa các sản phẩm làng nghề ra thế giới
Thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho thấy Việt Nam có 5.400 làng nghề; trong đó có trên 2.200 làng nghề được công nhận là làng nghề. Có khoảng 3 triệu lao động nông thôn làm việc ở các làng nghề. Các làng nghề không chỉ chứa đựng giá trị kinh tế mà còn nhiều giá trị văn hóa, tâm linh…
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhìn nhận, mặc dù các sản phẩm làng nghề của Việt Nam rất tinh tế, các nghệ nhân có tay nghề cao, song vẫn còn yếu về thiết kế. Do đó, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã làm việc với các hội đồng thủ công thế giới, châu Âu… và đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam sang Milan, Italia giới thiệu sản phẩm và giao lưu giữa các nghệ nhân, song số lượng sản phẩm được tham gia còn hạn chế.
Đặc biệt, Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023, Hà Nội đã có sự hợp tác với Đại học Lund (Thụy Điển) để đưa nghệ nhân sang để giao lưu, cập nhật về thiết kế. Cùng với đó là sự hợp tác về xây dựng hình mẫu về làng nghề và du lịch sinh thái tại Bát Tràng và Đường Lâm, ông Lê Đức Thịnh thông tin.
Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich tổ chức Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam” năm 2024.
Thông qua hội thi giúp quảng bá các làng nghề, phố nghề truyền thống trên cả nước, góp phần vào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Những tác giả đạt giải hội thi sẽ là một trong những điều kiện để đề xuất công nhận nghệ nhân các cấp.
Theo Ban tổ chức, tất cả các tổ chức, cá nhân có khả năng sáng tác, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp quy chế đều được tham gia dự thi. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được chia thành 5 nhóm: gốm sứ và thủy tinh; dệt, thêu đan, móc; mây, tre, lá tự nhiên; đá, gỗ mỹ nghệ, sơn mài, khảm trai và nhóm khác (sừng, kim khí, hoa, tranh…).
Ban Tổ chức tiếp nhận sản phẩm dự thi bắt đầu từ ngày 28/10 đến hết ngày 1/11/2024 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đại dịch COVID-19 và đặc biệt là cơn bão số 3 đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng nguyên liệu của làng nghề thủ công mỹ nghệ. Nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ bị phá sản, nhiều nghệ nhân gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa.
Tuy nhiên, sức sáng tạo của nghệ nhân, của doanh nghiệp rất dồi dào; nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam rất đa dạng và có thể tiếp tục mở rộng thị trường ra các nước.
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như thị hiếu của người tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi yêu cầu về thẩm mỹ, về tính sáng tạo trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất lớn. Sản phẩm làm ra phải phục vụ cuộc sống.
“Bản chất cuối cùng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết tinh giá trị văn hóa của Việt Nam trong mỗi sản phẩm và được tạo ra bởi tay nghề và tư duy của các nghệ nhân”, Thứ trưởng Nam nói và khẳng định, vấn đề chính của sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết nối thị trường và thổi hồn sức sống cuộc sống vào từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mới đem lại giá trị cao và tồn tại lâu dài.
Làng nghề là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, ba vấn đề trong chuỗi giá trị ngành hàng thủ công mỹ nghệ phải kết nối, hỗ trợ nhau, đó là “vùng nguyên liệu – nghệ nhân – doanh nghiệp”. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước với những cơ chế, chính sách sẽ mang lại hiệu quả trong phát triển ngành hàng này trong thời gian tới.
Do đó, rất cần sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia nước ngoài về thị trường, các kỹ thuật mới, công nghệ mới để các nghệ nhân nâng cao tay nghề, nắm bắt được nhu cầu thị trường quốc tế để thổi hồn vào sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đặt hàng các trường đào tạo nghề thuộc Bộ NN&PTNT để đào tạo công nhân có tay nghề.
“Chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp hợp sức lại với nhau thông qua các hiệp hội ngành hàng để có tiếng nói chung. Khi đó, mới có thể đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP giới thiệu với quốc tế”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói và đề nghị, các Hiệp hội cần tập hợp các doanh nghiệp, xây dựng các catalogue giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để có thể gửi cho các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để giúp quảng bá, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
“Tôi sẵn sàng có văn bản gửi đến các Tham tán, Đại sứ quán Việt Nam ở tất cả các nước để mình gửi catalogue qua đó. Có thể là ba tháng 1 quyển. Ngoài thương mại điện tử, đây là con đường ngoại giao thuận lợi”, Thứ trưởng nói.
Đối với thị trường trong nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các Chi cục Phát triển nông thôn các tỉnh thành, các doanh nghiệp, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức các chuyên đề quảng bá, trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP hằng tháng, hằng quý theo từng chủ đề.
“Bộ mong muốn khôi phục lại ngành nghề nông thôn, đó là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc. Nếu chúng ta đồng lòng, cùng nhau hành động thì ngành hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói và cho biết, với tình hình khó khăn hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD.
“Nếu chúng ta cố gắng, năm sau vẫn có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ 4 tỷ USD như mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Đỗ Hương / Báo Chính Phủ
https://baochinhphu.vn/can-ket-noi-vung-nguyen-lieu-nghe-nhandoanh-nghiep-de-phat-trien-lang-nghe-102241019091740613.htm