Sau khi thoát khỏi quán phở Lý Quốc Sư ở TP. HCM, bé trai hoảng sợ kể lại, ở đó còn 3 bé trai khác và 1 người đàn ông đang bị giam lỏng. Nếu ai làm việc không tốt đều bị những kẻ mặt bặm trợn lôi ra đằng sau đánh bằng roi điện…
Sập bẫy gã xe ôm man trá
Nạn nhân là em Nguyễn Hà Xuân Lộc (SN 2001, quê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau khi trốn thoát, Lộc đã được công an phường Tân Phú (quận 9, TP. HCM) thông báo cho người nhà đến đón về. Nạn nhân vô cùng hoản loạn, không dám ra ngoài đường vì sợ bị bắt trở lại.
Lộc run run kể lại: “Ngày 21/1/2016, em từ huyện Phú Giáo (Bình Dương) lên bến xe Miền Đông bắt xe về Vũng Tàu. Khi tới bến xe Miền Đông thì trong túi chỉ còn hơn 20 ngàn đồng nên không đủ tiền mua vé xe, cũng không có số điện thoại của chị gái ở gần đó.
Em vào một tiệm internet gần đó nhắn tin cho người nhà kêu chị gái ra đón về. Chờ mãi không thấy, em ra cổng giữa của bến xe. Lúc này, một ông xe ôm vừa già lại vừa mập đi tới nói để ông chở đến một chỗ làm vài ngày có tiền để về quê nên em đồng ý.
Trên đường đi, ông ta nói ở đó người ta trả lương một tháng là 3,7 triệu đồng. Khi đến quán phở Lý Quốc Sư trên đường Trần Não thuộc phường Bình An, quận 2 (TP. HCM) thì ông xe ôm vào nói chuyện với một thanh niên là người em của chủ quán (quản lý quán phở) một lúc rồi lấy 600 ngàn đồng ra về.
Sau khi ông xe ôm về, người quản lý nói em làm việc ở đó mấy ngày cũng được. Thế nhưng đêm đó đi ngủ em vô tình thấy mấy người làm ở đó bị đánh. Em sợ quá, nên tính chuyện bỏ trốn.
Em có nói chuyện với những người ở đó về việc bỏ trốn của mình thì có một nhân viên nghe được nên báo với ông chủ. Ngày hôm sau, người thanh niên quản lý nói với em: ‘Mày phải làm ở đây một năm rồi tao mới cho mày về. Chứ mày mà bỏ trốn là coi chừng đó. Mày vô làm, tao chưa đụng đến móng chân móng tay, mày bỏ trốn là tao bắt lại là đánh như những thằng này’.
Nói rồi tay quản lý vạch áo của một nhân viên cho em xem nhiều vết sẹo chằng chịt. Trong đó có cả những vết sẹo do bị chích roi điện”.
Lộc cũng cho biết thêm, trong quá trình làm việc ở đây, nếu nhân viên nào phục vụ không tốt là bị những kẻ mặt mày bặm trợn lôi xuống đằng sau, nơi làm thịt bò để đánh (vì dưới đó kín, khách hoặc người ngoài không biết được – PV).
Sau khi bị đánh, những nhân viên này lên làm việc là phải mặt mày tươi tỉnh, không được ủ rũ, nếu ủ rũ sẽ bị lôi xuống đánh tiếp.
Ở đó, em được nghe một bạn nhân viên nói có một ngày rửa hết chén rồi nhưng rửa cái thau đựng chén không sạch thì bị mấy người bảo kê ở đó ụp cả thau nước vào mặt. Trong quán có 5 nhân viên thì có một người lớn tuổi, ông này cũng bị đánh. Có những đứa ở quán vì chịu không được nên đã bỏ trốn và đều bị bắt trở lại.
“Sau đó, những nhân viên bị một số đối tượng dùng dây điện gấp lại làm 4 và đánh túi bụi”, Lộc thông tin thêm.
Hình thức quản lý ở quán phở này là cấm tất cả các nhân viên phục vụ sử dụng điện thoại. Tiếp đến là cấm được đi ra khỏi quán như kiểu bị giam lỏng. Ở quán lúc nào cũng có tay quản lý và 3 đối tượng như kiểu bảo kê để ý những người làm.
Những đồ ăn, uống hay quần áo mặc thì đều được chủ quán hay quản lý mua về cho dùng. Thức ăn chỉ là món phở bán ở quán, bắt buộc các nhân viên phải ăn để lấy sức làm việc. Nhiều khi những đồ ăn hết hạn khác vẫn đưa ra cho nhân viên ăn.
Cuộc đào tẩu thành công
Sau một thời gian làm việc tại quán, Lộc đã tự lên kế hoạch bỏ trốn. Ngày 25/1/2016, vào khoảng 12 giờ trưa, khi vừa giao ca thì Lộc đi tắm và ra lấy đồ để giả vờ đi ngủ rồi bỏ trốn.
Rút kinh nghiệm khi mấy bạn từng bỏ trốn nhưng bị bắt lại. Bởi lúc đó ai cũng muốn về nhà nên quay lại bến xe Miền Đông thì những gã xe ôm bất nhân đã biết mặt. Những gã này sẽ báo cho chủ quán và lúc đó tay quản lý kéo theo cả đám đệ tử đến bắt lại đem về. Sau đó, nhân viên này sẽ bị tay quản lý đánh thừa sống thiếu chết.
Lộc kể: “Trưa ngày 25/1, sau khi trốn được ra khỏi quán thì em chạy ra ngoài đường lớn là quốc lộ 1A, gặp được một anh công nhân nên nhờ chở đến quận 1, đón xe buýt đi Suối Tiên.
Lúc xe buýt đi ngang qua chỗ cầu Sài Gòn, gần đường Trần Não, em sợ quá, ngồi sụp xuống dưới hàng ghế trốn vì sợ có người của quán nhìn thấy bắt lại. Đến gần khu vực Suối Tiên, em gặp được một anh công an và nhờ anh này chở đến đồn công an gần nhất. Anh ấy chở em đến Công an phường Tân Phú (quận 9) và nơi đây gọi điện về quê thông báo cho gia đình đến đón”.
TP. HCM: Bé trai bị bắt làm nô lệ và địa ngục kinh hoàng ẩn trong quán phở Lý Quốc Sư – Ảnh 3.
Bến xe Miền Đông – nơi nhiều đứa trẻ từ quê lên bị lừa.
Đến khoảng 17 giờ chiều cùng ngày, chị Huệ (chị của Lộc) nhận được điện thoại của công an và đến công an phường Tân Phú đón em trai mình.
Chị Huệ nhớ lại: “Lúc em đến nơi thì Lộc rất hoảng sợ, khóc quá trời. Hai chị em ôm chầm lấy nhau nức nở. Lúc đầu, em tính không đưa sự việc này lên báo vì sợ. Nhưng thấy còn những đứa trẻ khác đang bị ‘giam lỏng’ ở đó, lại thêm gã xe ôm bất nhân kia nữa nên quyết định nhờ báo chí lên tiếng nhằm giải thoát cho những nạn nhân ấy”.
Lộc cũng cho biết thêm hiện ở quán vẫn còn mấy bạn đang làm việc tên là Nam (khoảng 16 tuổi, quê Tây Ninh), Thuận (17 tuổi), Thanh (1997, quê Hà Nội) và một chú hơn 40 tuổi.
Từ thông tin trên phóng viên đã đến quán phở Lý Quốc Sư trên để nắm tình hình, thấy quán có tới 4 nhân viên nam và một nhân viên nữ với tuổi đời khoảng từ 15 đến 18. Qua quan sát, chúng tôi cũng nắm được có một thanh niên tên Tuấn, cởi trần, trên người xăm trổ đi ra đi vào canh chừng các nhân viên làm việc.
Trả lời về sự việc, trung tá Võ Huỳnh Mong – Phó trưởng Công an phường Bình An, cho biết vẫn chưa nghe và chưa thấy nạn nhân đến trình báo. “Ngay khi nắm thông tin từ phóng viên thì tôi sẽ cho tiến hành xác minh. Sau khi có kết quả, sẽ báo cáo về công an quận 2 và phóng viên có thể liên hệ với người phát ngôn của công an quận để có được thông tin rõ ràng”, trung tá Mong nói.
Theo Tuổi trẻ và Đời sống