Một báo cáo gần đây dựa trên dữ liệu người dùng Android tại 187 quốc gia/vùng lãnh thỗ của SimilarWeb cho thấy ứng dụng OTT Việt đang chiếm lợi thế tại mảnh đất hình chữ S.
Zalo là sản phẩm do các kĩ sư người Việt phát triển và cho ra mắt thị trường vào cuối năm 2012. Đến cuối tháng 4.2016, Zalo chính thức 50 triệu người dùng. Theo đó, cứ 2 người Việt Nam thì có 1 người sử dụng Zalo. Và sau 1.12 giây thì Zalo lại có thêm một người dùng mới.
Sau chặng đường dài phát triển, Zalo cũng mở rộng phạm vi dịch vụ ra ngoài nhu cầu thông tin liên hệ, hướng đến các dịch vụ đời sống thiết yếu của con người như làm việc, đi lại, ăn uống, sức khỏe, dịch vụ công, điện nước…
Cụ thể, phiên bản Zalo hiện tại đã cho phép người dùng đặt lịch hẹn với bác sĩ, theo dõi quá trình sử dụng điện ở gia đình, tra cứu thông tin hành chính, mua vé máy bay…Phiên bản hiện tại của Zalo trên PC là công cụ hỗ trợ công việc với các chức năng như: gửi tài liệu nhanh với dung lượng lớn, gửi nhanh ảnh chụp màn hình, tạo các nhóm thảo luận …
Cũng theo SimilarWeb thì Whatsapp (đứng đầu ở 109 quốc gia) mới là ứng dụng liên lạc phổ biến nhất thế giới, kế đến là Facebook Messenger (49 quốc gia), theo sau là Viber (10 quốc gia).
Zalo với 50 triệu người dùng được nhận định là ứng dụng đứng đầu Việt Nam hiện nay. Cùng với Zalo, Kakao Talk (Hàn Quốc), imo (Cuba), ChatOn (Eritrea), BBM (Indonesia) là các ứng dụng chỉ phổ biến ở một quốc gia duy nhất.
Theo thống kê, các máy dòng Android hiện chiếm 63% thị phần di động ở Việt Nam, iOS tầm 30%, còn lại là các hệ điều hành khác.
SimilarWeb ra đời năm 2007 có trụ sở tại London (Anh quốc). Thông qua nền tảng của mình, công ty sẽ thu thập, đo lường, đánh giá, phân tích và cung cấp các thống kê về các ứng dụng di động cũng như các website trên toàn thế giới. Khách hàng của SimilarWeb là các tên tuổi lớn như Paypal, Ebay, Adidas…
Hoàng Yến
Theo TTGD