Số liệu thị trường cho thấy smartphone giá rẻ và tầm trung đang dần hạ nhiệt. Người dùng Việt có xu hướng mua smartphone đắt tiền hơn.
Theo số liệu tổng kết 2016 của GfK, thị trường smartphone Việt Nam chứng kiến sự thay đổi về mặt thị phần của các phân khúc. Nhóm điện thoại phổ thông (2-3 triệu) và tầm trung (3-6 triệu) đang có xu hướng giảm, nhường đất cho nhóm 6-10 triệu đồng.
Đây là diễn biến chưa từng có ở thị trường Việt Nam. Những năm trước, smartphone cận cao cấp có sức mua èo uột, trong khi nhóm di động tầm trung hút khách, luôn giữ thị phần cao nhất ở Việt Nam. Đó cũng là lí do khiến nhiều thương hiệu mới nổi từ Trung Quốc thi nhau đưa sản phẩm vào tầm giá dưới 6 triệu, vốn là “địa hạt” của Samsung và Oppo.
Thị phần các phân khúc smartphone ở Việt Nam từ 10/2015 đến 10/2016 theo số liệu từ GfK. Đồ hoạ: Duy Tín. |
Số liệu từ GfK cũng cho thấy nhu cầu điện thoại cao cấp (trên 10 triệu) vẫn dao động ở mức 1 con số và chưa lên được mốc 10%. Theo các nhà bán lẻ, nguyên nhân có thể do sự cố Galaxy Note 7, khiến nhiều khách hàng tìm về các sản phẩm giá mềm hơn hoặc chuyển sang mua iPhone “xách tay”.
Năm 2016, smartphone trong tầm giá 8-10 triệu mang về cho các hãng di động 5,917 nghìn tỷ doanh thu, cao hơn cả di động cao cấp hay bất kỳ phân khúc nào khác.
Không giảm nhưng có dấu hiệu chững lại, nhóm tầm trung (3-6 triệu) đang quanh quẩn ở mốc 30%. Đây là khu vực cạnh tranh sôi động nhất trong những năm trước đây, nhưng kết quả khả quan chỉ thuộc về một số sản phẩm giá mềm, được quảng cáo và marketing mạnh mẽ như Samsung Galaxy A3, Galaxy J7 2016, Galaxy J5 Prime, Oppo A39, Oppo F1s hay Huawei GR5.
Nói một cách đơn giản, người dùng ở Việt Nam đang dần “chịu chi” hơn. Đây cũng là xu hướng được các hãng điện thoại dự đoán trước và có sản phẩm đón sóng. Năm 2016, smartphone trong tầm giá 8-10 triệu mang về cho các hãng di động 5,917 nghìn tỷ doanh thu, cao hơn cả di động cao cấp hay bất kỳ phân khúc nào khác.
Người dùng tại Việt Nam đang có xu hướng tìm đến những model có giá cao hơn. Ảnh: Duy Tín. |
Theo Thế Giới Di Động và FPT Shop, số liệu từ GfK sát với thực tế doanh số tại hai nhà bán lẻ này. Ông Đặng Thanh Phong, phụ trách Truyền thông và Marketing của Thế Giới Di Động cho rằng một bộ phận người dùng có thị hiếu cao và họ sẵn sàng chi trả để có trải nghiệm tốt hơn. Tuy nhiên, các hãng vẫn có chiến lược dàn trải ở nhiều phân khúc, bởi tổng lượng người dùng ở nhóm tầm trung vẫn chiếm số đông.
Đầu 2017, trong khi các hãng điện thoại đang say sưa “khoe” sản phẩm ở Hội nghị di động thế giới MWC tại Barcelona, Samsung đã tung bộ đôi Galaxy A5 và A7 mới ở Việt Nam. Không chịu thua kém, Oppo cũng rục rịch ra mắt F1s 2017 để bắt đầu cho cuộc chiến. “Hớt váng” ở thị trường ngách, HTC tung bộ đôi U Play và U Ultra với giá cao ngất ngưởng. Đây cũng là những điểm sáng hiếm hoi trong giai đoạn bị cho là ế ẩm của thị trường, sau mùa mua sắm cận Tết đầy sôi động.
Duy Tín/Zing