Cơn sốt tài khoản ChatGPT đang bùng nổ trên thị trường công nghệ số tại Việt Nam, tuy nhiên nhiều rủi ro tiềm ẩn nếu người tiêu dùng không tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền.
Bùng nổ thông tin “có cánh”, chen chân đăng ký trải nghiệm
Sau 3 tháng kể từ khi được ra mắt, ứng dụng siêu trí tuệ nhân tạo ChatGPT thu hút hơn 100 triệu người sử dụng. Đây quả thật là con số mà các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới ao ước.
Thống kê của Sensor Tower cho thấy, nền tảng video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch thuật Google Translate là 6,5 năm.
Lloyd Walmsley, nhà phân tích của UBS nói rằng: “Trong 20 năm theo dõi không gian Internet, đây là ứng dụng dành cho người dùng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất chúng tôi ghi nhận được. Thật phi thường”.
Các sản phẩm được tạo ra từ kết hợp ChatGPT đang gây sốt trên MXH (Ảnh: Hùng Lê)
Việc ứng dụng ChatGPT có khả năng tương tác bằng thứ ngôn ngữ tự nhiên nhất và trả lời mọi câu hỏi ở bất cứ lĩnh vực nào đã thực sự hấp dẫn người những người đam mê công nghệ trên toàn cầu.
Hiện ChatGPT chỉ được đăng ký miễn phí sử dụng ở khoảng 32 quốc gia, trong đó có thị trường như Mỹ, Canada… cho gói cơ bản. Với gói ChatGPT Plus có giá 20 USD/tháng, sản phẩm cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến hơn. Nhà phát triển OpenAI cũng thông tin thêm, ChatGPT Professional, gói cao cấp dành cho doanh nghiệp sẽ ra mắt trong thời gian tới.
Dù gói cơ bản miễn phí, người tiêu dùng muốn sử dụng vẫn phải đăng ký tài khoản trên nền tảng của OpenAI và dịch vụ này vẫn chưa hỗ trợ đăng ký tài khoản ở Việt Nam.
Tuy nhiên, do hiệu ứng gây sốt trong thời gian qua, người dùng Việt đã tìm đến nhiều giải pháp để có thể trải nghiệm ứng dụng này. Một trong những các thức là sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài với giá khoảng 1 USD, dùng thẻ thanh toán quốc tế để đăng ký, hoặc mua tài khoản từ người khác.
Rủi ro do “nóng lòng” sử dụng ứng dụng “hot”
Trước những thông tin “có cánh” dành cho ChatGPT, hiện nay rất nhiều người Việt “nóng lòng” sử dụng sản phẩm này dù thị trường Việt Nam vẫn chưa được hỗ trợ. Bởi vậy, với mẹo dùng mạng VPN, người am hiểu công nghệ số có thể dễ dàng cài đặt ứng dụng để trải nghiệm.
Tuy nhiên, số đông đều gặp rất nhiều khó khăn về hiểu biết công nghệ và không thể tự lập được tài khoản. Bởi vậy, dịch vụ hỗ trợ lập tài khoản hoặc bán tài khoản sử dụng ChatGPT đã mau chóng “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội. Người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền dao động từ 10 ngàn lên đến hàng trăm ngàn đồng cho mỗi tài khoản ChatGPT.
Với tài khoản loại này, người mua không thể đổi được các thông tin đăng nhập vì sẽ phải sử dụng chung với nhiều người khác. Điều này khiến cho việc truy cập bị hạn chế, nhiều người “dở khóc dở cười” vì mua về nhưng không thể sử dụng được. Nhiều trường hợp may mắn hơn thì sử dụng được vài ba ngày rồi xong đó cũng gặp phải tình cảnh tương tự.
Lo ngại cách thức nêu trên, một số người đã mạnh tay chi nhiều tiền hơn để lập 1 tài khoản chính chủ. Đối với dịch vụ này, những đơn vị cung cấp tài khoản đưa ra rất nhiều mức giá khác nhau để trục lợi khiến người tiêu dùng đau đầu trong cơn “bão giá”.
Anh Minh Đức (quận 4, TP. HCM) ấm ức chia sẻ mình đã bỏ ra 200.000 đồng để lập tài khoản ChatGPT chính chủ, nhưng tài khoản thường xuyên không truy cập được. Thậm chí có nhiều trường hợp còn bị mất tài khoản gmail và các thông tin cá nhân do các đối tượng lừa truy cập vào những đường link độc.
“Mắc quá, mỗi tháng tốn hơn 600.000 đồng mà sao thấy sử dụng không ổn định”, anh Duy Tuyên (TP. Thuận An, Bình Dương) thì tỏ ra bực bội sau khi đăng ký.
Không chỉ bị lừa mua tài khoản kém chất lượng, nhiều người còn bị lừa tải app ChatGPT trên các nền tảng Android và iOS. Nhiều người đã không hay biết điều này nên đã tìm kiếm từ khóa “ChatGPT” trên các kho ứng dụng di động, từ đó cài đặt các ứng dụng giả mạo và ăn theo ChatGPT lên điện thoại di động của mình mà không hay biết.
Thực tế, ChatGPT hiện chỉ được sử dụng trên nền tảng trình duyệt mà không cần qua bất cứ ứng dụng nào. Khi sử dụng những app này, người dùng sẽ phải chi trả số tiền lên tới vài trăm nghìn đồng và đối diện với việc mất các thông tin cá nhân.
Ngoài ra, bên cạnh một số người bán tài khoản ChatGPTó thật, có không ít kẻ xấu đã lợi dụng để lừa đảo bằng cách yêu cầu người dùng chuyển tiền, nhưng sau đó biến mất mà không hề giao thông tin tài khoản như đã cam kết.
“Mặc dù số tiền bị lừa không phải là quá nhiều, nhưng điều này cũng khiến tôi cảm thấy bực mình, chưa kể nếu số lượng người bị lừa nhiều như tôi, chắc hẳn những kẻ lừa đảo sẽ thu được một khoản tiền không hề nhỏ”, anh Minh, một người mua tài khoản ChatGPT trên facebook chia sẻ về việc bị lừa khi chuyển tiền mua một tài khoản ChatGPT mà không được phản hồi.
Trước nhu cầu mong muốn trải nghiệm sản phẩm công nghệ mới, người tiêu dùng Việt cần hết sức tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo của cơn sốt của ứng dụng Chat GPT. Trước khi quyết định sử dụng ChatGPT, hãy tìm hiểu kỹ và lựa chọn giải pháp tối ưu nhất để kẻo “tiền mất tật mang”.
Nam Phương / Vietnamfinance