Sau vụ máy tính Lenovo cài sẵn phần mềm gián điệp, người dùng trong nước tỏ ra e dè trước các thiết bị từ nhà sản xuất này, kể cả những đồ công nghệ từ Trung Quốc.
Chị Phạm Thanh Thủy, nhân viên kế toán một công ty truyền thông tại Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết đã tạm không sử dụng chiếc máy tính cá nhân thương hiệu Lenovo để làm việc. “Trước mình có nghe qua về những vụ bảo mật liên quan đến thiết bị Trung Quốc, nhưng chỉ đến khi biết nó ảnh hưởng đến cả người dùng Việt Nam và có công văn chỉ đạo mới thật sự lo lắng”, chị chia sẻ. “Khó có thể nghĩ máy tính tên tuổi như Lenovo cũng cài phần mềm gián điệp. Giờ tôi chỉ dám dùng nó lướt web, giải trí, chứ công việc cứ dùng máy tính cơ quan”.
Cũng sở hữu laptop Lenovo, anh Nguyễn Thanh Hải (Ba Đình, Hà Nội) đã phải nhờ người bạn am hiểu về công nghệ thông tin cài lại máy tính sau khi biết vụ việc. “Làm nghề kinh doanh, máy tính cá nhân có khá nhiều thông tin nhạy cảm và còn dùng để chuyển tiền qua mạng mà bị nghe lén thì rất nguy hiểm”, anh Hải bộc bạch. “Mua máy hơn hai chục triệu mà giờ để không thì tiếc, tôi đành nhờ người quen “format” hết đi, nâng cấp rồi cài lại, vì Lenovo nói đã khắc phục rồi. Đành tin nhà sản xuất lần nữa”.
Thông tin về việc sản phẩm của Lenovo dính lỗ hổng bảo mật còn tác động phần nào đến việc lựa chọn máy tính của người dùng. Anh Phan Hải Anh, nhân viên phụ trách mảng laptop tại một siêu thị điện máy ở Hà Nội, cho biết không ít khách hàng hỏi thêm về việc máy tính cài sẵn phần mềm gián điệp. “Lenovo là thương hiệu máy tính hàng đầu trên thế giới và cũng được yêu thích ở Việt Nam. Nhưng ngay sau vụ trên, mỗi khi tư vấn laptop Lenovo thì một số người, nhất là nhóm đang đi làm, trung tuổi tỏ ra khá dè dặt”, anh Hải Anh chia sẻ.
Trên báo và diễn đàn công nghệ, các thành viên kêu gọi nhau nâng cao ý thức bảo mật cũng nhiều hơn. Họ bàn tán về các vụ bảo mật trước đây liên quan đến những sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. “Đã mua máy tốn tiền còn bị cài đặt phần mềm theo dõi, thử hỏi mua sản phẩm thương hiệu Lenovo để chuốc họa vào thân à?”, độc giả Kim Thanh bình luận trên VnExpress. “Hết smartphone, giờ lại cả laptop thì người tiêu dùng còn niềm tin nào cho các sản phẩm Trung Quốc”, bạn đọc Nguyễn Hoàng viết.
Tuy nhiên, còn một bộ phận người dùng chấp nhận đánh đổi giá rẻ để tiếp tục dùng các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc. “Điện thoại của mình chẳng có thông tin gì đáng giá nên họ muốn lấy sao cũng được. Giờ 3 triệu chọn smartphone Trung Quốc cấu hình cao chứ mua thương hiệu lớn thì dùng chậm lắm”, tài khoản Vũ Trung viết trên Facebook. Còn nickname Cao Thành bình luận: “Đây có phải lần đầu phát hiện đâu, dùng thì vẫn dùng thôi. Mình chọn laptop, smartphone đều của Lenovo, có lo bảo mật mà mua rồi chẳng lẽ bỏ đi”.
Vụ việc máy tính Lenovo cài sẵn phần mềm có chức năng như phần mềm gián điệp là sự kiện mới nhất liên quan đến vấn đề mất an toàn thông tin trên các sản phẩm công nghệ Trung Quốc. Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng mới phát đi yêu cầu các cơ quan đơn vị trực thuộc dừng ngay việc sử dụng máy tính của hãng Lenovo vì lý do an toàn, an ninh mạng… sau khi Bộ Công an thông báo về việc hãng máy tính này cài phần mềm điều khiển trên máy tính sử dụng hệ điều hành Windows trước khi xuất xưởng. Trước đó, thông tin về việc máy tính Lenovo chứa sẵn phần mềm độc hại đã xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông, song thời điểm này người dùng Việt Nam mới thật sự nâng cao cảnh giác.
Trước đó, loạt máy tính của Trung Quốc khác cũng bị nhiễm mã độc trước khi “đập hộp” và theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam Vncert đánh giá, nếu máy tính xuất xứ ở Trung Quốc ở các quốc gia khác được phát hiện, thì Việt Nam không nằm ngoài khả năng đó.
Tháng 7/2014, smartphone của Xiaomi bị trang TechNews (Đài Loan) tố cáo tự động gửi thông tin cá nhân của người dùng về máy chủ ở Trung Quốc với mục đích gián điệp. Công ty được ví như “Apple của Trung Quốc” thừa nhận sản phẩm của họ có tính năng tự động kết nối và upload thông tin lên máy chủ, nhưng thiết bị không gửi dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, còn hàng chục nghìn máy tính bảng, điện thoại thông minh khác từ Trung Quốc, nổi tiếng với giá rẻ nhưng chứa mã độc.
Bảo Anh
Theo Vnexpress