Đây là khẳng định của lãnh đạo Công ty cổ phần FPT (HoSE: FPT) khi kể về hành trình chinh phục cột mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài.
Theo lời kể của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, hơn 2 thập kỷ trước, năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài với khát vọng đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới.
“FPT đã mò mẫm tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn công nghiệp như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ – 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ – 2000) nhưng sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn USD. Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử – có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không”, ông Bình kể lại và cho biết FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường khó tính nhất là Nhật Bản từ năm 2005.
Theo ông Bình, từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Từ Việt Nam, FPT đã vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu. Từ công ty không thương hiệu, FPT đã bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới (world class) của các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD.
“Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh.
Đến nay, hồ sơ khách hàng của FPT lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Hiện tại, FPT sở hữu 1.300 chuyên gia tư vấn với hơn 900 chứng chỉ quốc tế được công nhận bởi SAP và là đối tác tư vấn, triển khai ERP tin cậy của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
9 tháng năm 2023, doanh thu tiềm năng đến từ các hợp đồng lớn trên 5 triệu USD tăng 66%, cho thấy xu hướng chuyển dịch trên chuỗi giá trị của FPT hướng tới các hợp đồng hàng chục, hàng trăm triệu USD thay vì các đơn hàng vài triệu USD như trước đây.
Lãnh đạo FPT cho biết đã xây dựng được năng lực dày dặn trong ngành này với đội ngũ hơn 4.000 kỹ sư và chuyên gia, mạng lưới hơn 150 khách hàng là các hãng tên tuổi trên thế giới như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP… FPT cũng được định vị trong nhóm đối thủ chính (Major Contenders) cùng với nhiều tên tuổi lớn như Infosys, Tata Technologies, Cognizant, NTT DATA… theo công bố gần đây của Everest Group về ACES (Automated, Connected, Electric, and Share Vehicles) đối với 26 nhà cung cấp phần mềm ô tô trên toàn cầu.
Cuối tháng 12/2023, công ty FPT Automotive chính thức được khai trương tại Mỹ nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ đô la. Đây là lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023.
Với lĩnh vực hàng không, lãnh đạo FPT cho biết từng không dám mơ có ngày đứng trong top các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Trong quá khứ, doanh nghiệp đã mất 5 năm để thuyết phục một công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đồng ý hợp tác triển khai dự án chuyển đổi số cho họ.
“Đến nay, cả 2 tập đoàn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều có tên trong danh sách khách hàng của FPT. Mỗi chuyến bay trên bất kì hãng máy bay nào đều có dòng code của FPT”, lãnh đạo FPT tiết lộ.
Theo Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, FPT đang hướng đến ước mơ có 1 triệu nhân sự chuyển đổi số và sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, chip bán dẫn, công nghệ ô tô… để hướng tới có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất.
Ngọc Lưu / Vietnamfinance