Uỷ ban châu Âu đã ban hành lệnh cấm TikTok trên các thiết bị di động thông minh được nhân viên sử dụng tại nơi làm việc trước những lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Uỷ ban châu Âu cấm Tiktok trên các thiết bị làm việc của nhân viên
Theo đó, Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết, lệnh cấm này đồng nghĩa với việc toàn bộ nhân viên của tổ chức sẽ không thể sử dụng ứng dụng chia sẻ video do Trung Quốc sở hữu trên các thiết bị cá nhân được sử dụng tại chỗ làm, bao gồm cả điện thoại riêng và điện thoại công việc. Nhân viên phải hoàn thành xoá bỏ ứng dụng trước ngày 15/3 tới đây.
Lý do được EC đưa ra là ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc tiềm tàng những mối lo ngại về an ninh mạng, đặc biệt khi phần mềm này sở hữu kho dữ liệu khổng lồ từ người dùng toàn cầu. Uỷ ban châu Âu cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng những dữ liệu trên để thúc đẩy lợi ích riêng của quốc gia này.
Năm ngoái, Mỹ đã có động thái tương tự khi cấm ứng dụng này trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ liên bang. Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang cố gắng kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phần mềm này. Tại Hà Lan, các quan chức cũng được cảnh báo và yêu cầu tránh xa Tiktok, thậm chí ở Ấn Độ, ứng dụng này bị cấm hoàn toàn.
“Để tăng cường an ninh mạng, Ban quản lý doanh nghiệp của Ủy ban đã quyết định tạm dừng sử dụng TikTok trên các thiết bị của công ty và thiết bị cá nhân. Biện pháp này nhằm bảo vệ Ủy ban khỏi các mối đe dọa, đồng thời hạn chế tối đa hành động an ninh mạng có thể bị lợi dụng để tấn công nguồn dữ liệu mật của tổ chức”, đại diện Uỷ ban châu Âu lên tiếng.
Bên cạnh Tiktok, Uỷ ban châu Âu cũng cho biết toàn bộ những nền tảng truyền thông xã hội đang được lưu hành đều sẽ được xem xét về tình bảo mật thông tin thường xuyên.
Phản hồi về động thái này, đại diện phát ngôn của TikTok tỏ ra rất thất vọng và ngạc nhiên khi Uỷ ban châu Âu không liên hệ trước hay đưa ra bất kỳ lời giải thích nào với Tiktok trước khi ban hành lệnh cấm.
Người phát ngôn của Tiktok chia sẻ, quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà phát triển ứng dụng: “Việc đình chỉ này là một sai lầm. Chúng tôi đã liên hệ với Ủy ban đưa ra lời giải thích và cho họ thấy cách chúng tôi bảo vệ dữ liệu của 125 triệu người trên khắp EU đang truy cập TikTok mỗi tháng”.
Hiện tại, để xoa dịu những lo ngại từ phía Uỷ ban châu Âu, đại diện Tiktok cam kết nhà phát triển phần mềm sẽ tìm cách lưu trữ toàn bộ dữ liệu người dùng EU tại EU.
TikTok là ứng dụng sản xuất, sáng tạo các video ngắn với nội dung đa dạng chạy liên tục, thuộc sở hữu của ByteDance, công ty công nghệ internet đa quốc gia tại Trung Quốc. Được ra mắt vào năm 2017, phần mềm nhanh chóng thu hút sự chú ý và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới vào năm 2020, theo thống kê của App Annie. |
Quốc Anh / VTC News
Theo Reuters