Chiếc điện thoại Bphone đã đứng đầu trong top 10 sự kiện công nghệ thông tin tiêu biểu nhất năm 2015, do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Press Club) bình chọn.
1. Bkav ra mắt Bphone
Ngày 26/5/2015, tập đoàn Bkav tổ chức lễ ra mắt Bphone tại Hà Nội. Với mức giá 9,9 triệu đồng cho phiên bản tiêu chuẩn, Bphone được định vị trong phân khúc smartphone cao cấp và có hình thức phân phối hoàn toàn online.
Đây là lần đầu tiên, một doanh nghiệp của Việt Nam sản xuất smartphone ở phân khúc cao cấp. Sự kiện này không chỉ thu hút giới truyền thông của Việt Nam mà cả truyền thông quốc tế trong một thời gian khá dài. Trước thời điểm Bphone ra mắt, một số công ty và khách hàng cũng lên tiếng sẽ mua Bphone để ủng hộ sản phẩm Việt.
Tuy nhiên, sau thời điểm Bphone ra mắt đã có nhiều phản ứng trái chiều trên truyền thông, cho rằng Bkav đã truyền thông cho sản phẩm này quá đà. Bphone còn bị cho là chất lượng chưa tương xứng với giá bán, chưa xứng tầm của một smartphone cao cấp, giao hàng chậm…
2. Luật An toàn thông tin được Quốc hội thông qua
Ngày 19/11/2015, Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua, gồm 8 chương, 54 điều.
Luật đã quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin mạng tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
3. VNPT lập 3 tổng công ty, hoàn thành tái cơ cấu
Ngày 1/7/2015, 3 tổng công ty mới là VNPT-VinaPhone, VNPT-Net, VNPT-Media trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã chính thức ra mắt, giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh của tập đoàn thành một chuỗi giá trị từ “nội dung” đến “hạ tầng” rồi tới “khách hàng”.
Với việc thành lập 3 tổng công ty, VNPT đã hoàn thành giai đoạn 2 của hành trình tái cơ cấu.
Đến cuối năm 2015, VNPT tiến hành tái cơ cấu giai đoạn 3. Cho tới thời điểm này, VNPT đã đi vào vận hành theo mô hình hoàn toàn mới, hoàn thành đề án tái cơ cấu được Thủ tướng phê duyệt như tiến độ cam kết.
4. Ban hành nghị quyết về xây dựng chính phủ điện tử
Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a/NQ-CP về xây dựng chính phủ điện tử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nghị quyết này đưa ra mục tiêu trong 3 năm 2015 – 2017 sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
5. Viettel thử nghiệm 4G
Từ ngày 12/12/2015, Viettel khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo đó, Viettel đầu tư gần 200 trạm phát sóng phủ toàn bộ khu vực dân cư của thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa và huyện Long Điền. Đây là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 4G cung cấp cho khách hàng.
Từ năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho FPT, CMC, VTC, VNPT, Viettel thử nghiệm 4G. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, Bộ cho biết FPT, CMC, VTC không xin thử nghiệm 4G mà chỉ có Viettel, MobiFone và VNPT xin thử nghiệm.
Theo Luật Viễn thông, sau khi thử nghiệm, nếu các doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ tiếp sẽ phải đấu giá tần số để lấy giấy phép 4G. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cấp phép 4G vào năm 2016.
6. Chính phủ lên Facebook
Ngày 20/10/2015, Tổng giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo cho biết, trang thông tin điện tử Chính phủ vừa có tài khoản trên Facebook với tên gọi “Thông tin Chính phủ” nhằm đưa thông tin hoạt động của Chính phủ rộng rãi hơn trên Internet.
Ngoài ra, cũng trên Facebook, Chính phủ còn lập thử nghiệm trang “Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia”. Nội dung đưa lên hai tài khoản Facebook này là thông cáo báo chí, chỉ đạo của Thủ tướng, các phó thủ tướng và một số hoạt động của Chính phủ. Bằng cách này, Chính phủ kỳ vọng thông tin quan trọng sẽ được người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
7. Thuê bao di động 11 số sẽ được chuyển thành 10 số
Từ 1/3/2015, quy hoạch về kho số viễn thông quốc gia có hiệu lực. Trong quy hoạch này có quy hoạch về chuyển thuê bao di động từ 11 số xuống thành thuê bao 10 số và chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.
Việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định diễn ra trong 2 năm và thực hiện theo từng khu vực. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết với quy hoạch kho số mới sẽ có 540 triệu thuê bao 10 số. Như vậy, bình quân mỗi người dân Việt Nam có khoảng 6 thuê bao. Quy hoạch này sẽ đủ cho người dân sử dụng. Dự kiến sau 2 năm nữa mới thực hiện được việc chuyển số.
8. Ba mạng di động lớn đều tung ra ứng dụng OTT
Năm 2015 được xem là năm các nhà mạng bắt đầu trực tiếp triển khai ứng dụng thoại và nhắn tin hoạt động dựa trên nền kết nối Internet (OTT), trước những lo ngại người dùng đang có làn sóng chuyển dịch nhu cầu sử dụng thoại, tin nhắn… sang các ứng dụng miễn phí phổ biến như Zalo, Viber…
Đầu năm 2015, VinaPhone âm thầm truyền thông về dịch vụ OTT của mình với thương hiệu VietTalk. Trước đó, VinaPhone đã thử nghiệm dịch vụ này. Khi sử dụng VietTalk người dùng được miễn phí cước 3G của mạng VinaPhone.
Tháng 4/2015, Viettel giới thiệu ứng dụng Mocha. Đến cuối năm 2015, Viettel tuyên bố có 2 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ này. Mocha đang được đẩy mạnh phát triển ở các thị trường nước ngoài của Viettel đầu tư, hiện tại Mocha đã có mặt tại Haiti, Mozambique Lào và Đông Timor. Tháng 8/2015, MobiFone công bố thử nghiệm ứng dụng OTT mang tên Halo.
Nếu khách hàng của MobiFone sử dụng ứng dụng Halo sẽ không phải mất phí 3G. Halo còn cho phép người dùng gọi điện cho các thuê bao không còn trực tuyến trong Halo hoặc bạn bè chưa sử dụng Halo, thuê bao cố định.
Việc nhà mạng nhảy vào kinh doanh dịch vụ OTT được cho là gây sức ép cho các doanh nghiệp đang làm OTT ở Việt Nam cũng như các OTT nước ngoài hiện nay. Tuy nhiên, ứng dụng OTT cho phép gọi điện và nhắn tin miễn phí cũng làm xói mòn doanh thu của các nhà mạng.
9. Số hóa truyền hình tại Đà Nẵng
Từ 1/11/2015, thành phố Đà Nẵng đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển qua số hóa truyền hình.
Ngày 27/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Mục tiêu của đề án nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả.
So với lộ trình đề ra, Đà Nẵng đã hoàn thành số hóa truyền hình trước 4 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng và Cần Thơ) và sớm hơn thời hạn một tháng so với quy định của Chính phủ.
Với số hóa truyền hình, người dân được xem được hàng chục kênh miễn phí với chất lượng hình ảnh đẹp.
10. Sếp Google đến Việt Nam
Ngày 22/12/2015, ông Sundar Pichai – Tổng giám đốc Google toàn cầu đến Việt Nam và có buổi gặp gỡ với Chính phủ Việt Nam và giao lưu với giới lập trình viên, sinh viên và doanh nghiệp tại Hà Nội. Sự kiện này được Google tổ chức khá kín đáo khi giới hạn số lượng khách mời và báo chí tham dự.
Buổi nói chuyện của CEO Google được tổ chức ở quy mô nhỏ nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, cảm hứng. Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của Google đến Việt Nam.
Đầu tháng 12, đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cũng đã đến Tp.HCM để tham dự một sự kiện có nội dung về mạng xã hội, di động, dữ liệu thống kê và điện toán đám mây.
Thủy Diệu
Theo Vnconomy