Thị trường khó khăn cũng là thời khắc để các Broker nâng cao chất lượng tư vấn, uy tín, khẳng định vị thế của mình và thanh lọc các Broker năng lực yếu kém khỏi thị trường.
Môi giới chứng khoán là một trong những nghiệp vụ quan trọng, chiếm phần lớn tỷ trọng doanh thu của các CTCK. Theo thống kê, doanh thu từ hoạt động môi giới của 20 CTCK lớn nhất hiện nay đạt 2.008 tỷ đồng, tương đương 26% cơ cấu doanh thu trong năm 2015.
Gắn liền với hoạt động môi giới chứng khoán là Broker (người môi giới chứng khoán) – những người gắn bó sát sao nhất với nhà đầu tư cũng như từng nhịp đập của thị trường.
Theo chia sẻ của một trưởng phòng môi giới tại CTCK V., công việc đang gắn bó đã mang lại cho anh không chỉ thu nhập mà còn những mối quan hệ, kiến thức. Việc được trực tiếp đồng hành với khách hàng, quan sát những sai lầm mà khách hàng đã mắc phải giúp anh có được những bài học cho việc tư vấn cũng như đầu tư chứng khoán.
Nói về Broker, công việc không chỉ đặt lệnh cho khách hàng như cách đây chục năm mà nhiệm vụ của họ bây giờ còn là tìm kiếm, tư vấn, đồng hành với các quyết định của khách hàng.
Một phiên giao dịch chứng khoán bắt đầu từ 9h sáng đến 14h45’ nhưng đây chưa hẳn là quãng thời gian bận rộn nhất với một Broker bởi sau đó sẽ là thời gian cho những công việc khác như tìm kiếm, mở rộng mạng lưới khách hàng mới hay chăm sóc các khách hàng hiện có của mình.
Với tính chất công việc, Broker không chỉ cố định cả ngày tại văn phòng mà có sự tự do hơn về giờ giấc, linh hoạt trong cách thức làm việc. Điều này khiến công việc có phần trở nên thoải mái hơn so với nhiều công việc văn phòng khác.
Khi đã nắm trong tay mạng lưới khách hàng lớn, Broker hoàn toàn có thể tạo ra sự đột phá về thu nhập mà không phụ thuộc vào số năm công tác. Đây cũng là điểm hấp dẫn mà nghề Broker mang lại.
Những cơn “đau đầu” của Broker
Bên cạnh những điểm hấp dẫn của nghề Broker như thu nhập có thể tăng đột biến, thời gian làm việc không gò bó; kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy thì cũng có không ít thách thức đến với các Broker.
Đầu tiên là về thu nhập, đây là một điểm hấp dẫn với Broker nhưng cũng là rào cản bởi thu nhập là một biến số chạy từ 0 đến vô cùng. Khi thị trường tăng điểm, khối lượng giao dịch tăng mạnh, thu nhập Broker có thể tăng nhanh chóng nhưng khi thị trường ảm đạm thì thu nhập cũng theo đó đi xuống.
Với những người mới vào nghề, đặc biệt là các sinh viên khi mới ra trường thì thách thức còn lớn hơn rất nhiều bởi mức lương trong giai đoạn đầu thường là không có. Các khoản hỗ trợ cũng vậy, không có hoặc có cũng không nhiều.
Ngoài ra, các mối quan hệ, mạng lưới khách hàng khi mới chập chững bước chân vào nghề là khá mỏng. Do đó, những người mới vào nghề có thể rơi vào tình trạng “đói khách” dẫn đến chán nản và bỏ nghề.
Một khó khăn nữa với Broker là không những phải đáp ứng các yêu cầu kiến thức về kinh tế, chứng khoán mà còn phải có những kỹ năng bán hàng, thuyết phục, chăm sóc khách hàng hay thậm chí là phải có duyên với nghề. Quả thực, không có trường lớp nào có thể dạy về nghề Broker mà mọi thứ phải đến từ sự nỗ lực, kiên trì và đam mê của mỗi người làm nghề.
Bên cạnh những khó khăn phải vượt qua trong giai đoạn đầu, Broker cũng là người chịu áp lực lớn khi trực tiếp tư vấn, quản lý tài khoản khách hàng. Một Broker đã chia sẻ “Khi thị trường lên thì ai cũng vui nhưng khi xuống thì khách hàng nhiều khi không coi trọng, thậm chí đổ lỗi cho môi giới là nguyên nhân khiến họ thua lỗ”.
Những câu chuyện như Broker trên chia sẻ không phải là hiếm và điều này cho thấy sự khốc liệt của nghề. Không ít người cho rằng Broker là nghề “bạc”, thăng trầm theo từng con sóng của thị trường.
Năm 2015 vừa qua được đánh giá là khó khăn với TTCK Việt Nam và Broker là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất khi thu nhập sụt giảm. Tuy vậy, những lúc thị trường khó khăn cũng là thời khắc để các Broker nâng cao chất lượng tư vấn, uy tín, khẳng định vị thế của mình và thanh lọc các Broker năng lực yếu kém khỏi thị trường.
Hoàng Anh
Theo Trí thức trẻ