Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quận sự ở Biển Đông, tăng cường khả năng can thiệp quân sự khu vực, thực hiện cam kết, gây sức ép lớn hơn cho Trung Quốc.
Philippines sẵn sàng cho Mỹ tăng cường hiện diện quân sự
China News ngày 5/2 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ngày 4/2 tiết lộ, Philippines sẽ cung cấp 8 căn cứ quân sự cho Quân đội Mỹ lựa chọn sử dụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin bên cạnh máy bay chiến đấu FA-50 mua của Hàn Quốc
Ông Gazmin cho hay, Ban hợp tác an ninh của Ủy ban Phòng thủ chung Philippines-Mỹ sẽ tổ chức hội nghị vào quý 1/2016, xác định các địa điểm căn cứ quân sự của Philippines để lựa chọn sử dụng theo Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, cung cấp cho Quân đội Mỹ tiến hành triển khai luân phiên ở Philippines.
Theo đó, Philippines cho phép Quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của họ, xây dựng công trình quân sự ở Philippines và hiện diện, triển khai vũ khí ở Philippines.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ngày 12/1/2016, Tòa án tối cao Philippines ra phán quyết khẳng định, thỏa thuận này phù hợp với quy định của Hiến pháp, từ đó mở ra cánh cửa thuận lợi cho Quân đội Mỹ tiến vào Philippines với quy mô lớn hơn.
Hiến pháp hiện hành của Philippines cấm quân đội nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự ở Philippines.
Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg gần đây cũng nhấn mạnh, Quân đội Mỹ sẽ không thông qua Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Mỹ-Philippines để thiết lập điểm đóng quân mới ở Philippines, các công trình của Quân đội Mỹ sẽ chỉ nằm trong các doanh trại của Quân đội Philippines. Hơn nữa, Quân đội Mỹ xây dựng công trình mới cần được hai bên bàn bạc thống nhất.
Các chuyên gia cho rằng, đây là cột mốc mở ra cánh cửa cho phép Quân đội Mỹ quay trở lại đồn trú ở lãnh thổ của Philippines với quy mô lớn, tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, Trung Quốc lo ngại điều này.
Mỹ tăng cường hiện diện ở Philippines cũng sẽ giúp cho Quân đội Mỹ có điều kiện thuận lợi hơn để triển khai chiến lược khu vực, tuần tra Biển Đông, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, gây sức ép với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, Quân đội Mỹ tăng cường hiện diện ở Philippines sẽ tạo cớ cho Trung Quốc củng cố các tham vọng của họ tại Biển Đông, tiếp tục mở rộng xây đảo nhân tạo bất hợp pháp, tăng cường tiến hành quân sự hóa khu vực này.
Đối với vấn đề này, học giả Trung Quốc Chu Phong thuộc Đại học Nam Kinh cảnh báo: “Biển Đông sẽ trở nên chật chội hơn, nguy cơ xảy ra xung đột quân sự sẽ tiếp tục gia tăng”.
Ngày 17/11/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines.
Mỹ tăng khả năng can thiệp quân sự ở Biển Đông
The Stars and Stripes Mỹ ngày 3/2 cho rằng, kế hoạch đồn trú ở đảo Palawan Philippines của Quân đội Mỹ có thể báo hiệu chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ đã bước vào thời đại mới, bởi vì hòn đảo này cách nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông rất gần.
Theo bài báo, mặc dù hành động này có thể làm giảm sự lo ngại của đồng minh Mỹ đối với hành vi bành trướng của Trung Quốc ở khu vực này, nhưng cũng sẽ trực tiếp đặt Quân đội Mỹ vào “vùng giáp ranh” khu vực mà Chính phủ Trung Quốc coi là “sân sau”.
Người phát ngôn Quân đội Philippines Restituto Padilla cho biết, Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Mỹ-Philippines cho phép Mỹ sử dụng 5 sân bay quân sự, 2 căn cứ hải quân và 1 doanh trại huấn luyện ở rừng núi.
Ngoài ra, một quan chức quốc phòng cao cấp Philippines cho biết, Mỹ đang tìm kiếm sử dụng 3 cảng biển và sân bay dân dụng ở đảo Luzon, trong đó có vịnh Subic, nơi đây từng là căn cứ hải quân của Mỹ.
David Johansson thuộc Trung tâm nghiên cứu cao cấp quốc phòng Mỹ ngày 2/2 cho rằng, nếu thỏa thuận này có hiệu lực, nó sẽ tăng cường chính sách “xoay trục sang Thái Bình Dương” của Mỹ.
David Johanssoni cho rằng, sự hiện diện của Quân đội Mỹ ở khu vực ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khẳng định cam kết của Mỹ đối với Tây Thái Bình Dương, đồng thời trở thành một “ranh giới” kiểu Chiến tranh Lạnh, bảo đảm cho Mỹ đưa ra phản ứng đối với các hành động quân sự xâm lược các đối tác trong khu vực này.
Người phát ngôn lực lượng Thủy quân lục chiến Thái Bình Dương Mỹ Chuck Little cho hay, lực lượng Thủy quân lục chiến không có ý định đồn trú vĩnh viễn lực lượng tác chiến ở Philippines.
David Johansson cho hay, mặc dù “triển khai luân phiên lực lượng” bao gồm huấn luyện, thị sát ngẫu nhiên, nhưng có thể cũng sẽ liên quan đến hiện diện lâu dài. Quân đội Mỹ sẽ tiến vào những nơi đó để hỗ trợ chống khủng bố hoặc chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ cứu nạn là cách nói “hoàn toàn không nói đùa”.
Đối với Chính phủ Philippines, thỏa thuận này đã nâng cao vị thế của họ trong tranh chấp với Trung Quốc. David Johansson cho rằng: “Một khi thực hiện, nó sẽ tăng mạnh rủi ro Mỹ can thiệp vào xung đột kh vực với Trung Quốc, nhưng mặt khác, nó sẽ trở thành tín hiệu mạnh mẽ của chúng ta (Mỹ) đối với cam kết lợi ích của các đồng minh khu vực”.
Nhà nghiên cứu cao cấp Jan van Tol thuộc Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược Mỹ cho rằng, trưng dụng căn cứ ở đảo Palawan sẽ giúp cho Quân đội Mỹ tiếp cận quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Theo bài báo, trong tương lai, thỏa thuận này sẽ làm cho nhiều lực lượng Quân đội Mỹ hơn xuất hiện ở Biển Đông và khu vực lân cận, đồng thời triển khai nhiều huấn luyện hơn với “quân đội bạn” ở khu vực này.
Jan van Tol cho rằng, nó sẽ có lợi cho phản bác quan điểm cho rằng cam kết an ninh của Mỹ ở khu vực này có thể không tin cậy.
Jan van Tol nói: “Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Quân đội Mỹ sẽ gia tăng hiện diện quân sự, đặc biệt là tăng số lượng hành động tự do hàng hải ở Biển Đông, nhưng điều này sẽ trở thành tín hiệu quan trọng gia tăng ngăn chặn các hành động hung hăng của Trung Quốc một cách hòa bình”.
Jan van Tol còn cho rằng, tăng cường quy mô và tần suất hiện diện ở Biển Đông của Quân đội Mỹ có thể sẽ tăng cường sự tin cậy cho các nước bạn bè như Australia.
Đông Bình
Theo Giáo Dục Việt Nam