Lấy vợ hoa khôi dù mình xấu trai, niềm hãnh diện của anh Tú mau chóng biến thành nỗi ngờ vực khi nghe nhiều lời xì xào, công kích.
5 năm trước, anh Tú vô cùng hạnh phúc khi chinh phục được trái tim cô gái xinh đẹp là hoa khôi văn phòng công ty anh ở Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khi đưa người yêu về ra mắt, mẹ Tú không thiện cảm và nghi ngờ cô chẳng yêu con mình thật lòng khi thấy hai người quá chênh lệch về vẻ ngoài. Gạt hết mọi lời góp ý, Tú cưới vợ với niềm hân hoan, hãnh diện.
Sau đám cưới, phát hiện một cuốn nhật ký của vợ viết về người yêu cũ, cùng bức ảnh anh chàng đẹp trai sánh bước bên cô mấy năm trước, Tú nổi cơn ghen. Anh tra hỏi thì vợ nói rằng đó là chuyện quá khứ và cô đã đốt hết những kỷ vật xưa. Dù vậy, trong lòng anh vẫn hậm hực, nhất là khi biết vợ đã trao thân với mối tình đầu.
Nỗi hờn ghen ngấm ngầm càng cuộn lên sau khi vợ Tú sinh con gái đầu lòng. Cô bé đẹp như thiên thần. Nghe bạn bè trêu đùa “con gái là phải giống cha chứ mỹ nhân thế kia chắc là con người khác rồi”, nỗi ngờ vực càng nhen lên trong lòng Tú. Mẹ anh lúc này vẫn chưa hòa hợp với con dâu, thỉnh thoảng lại nói bóng gió “Vợ mày chỉ thích mặc đẹp, son phấn ra ngoài chứ tha thiết gì nhà này” khi cô đi làm về muộn, đi công tác.
Anh Tú càng nghi ngờ tình yêu của vợ dành cho mình khi thấy chị hay từ chối “yêu” chồng sau khi sinh con. Anh càng cố ép, chị càng tỏ ra bất mãn hoặc cứng đơ như khúc gỗ chịu trận rồi nhìn chồng bằng ánh mắt ghét bỏ. Nghĩ rằng vợ chỉ lấy mình để thế chỗ một người khác và vẫn qua lại với kẻ đó, anh ngày nào cũng dằn vặt vợ, sa vào rượu chè và quyết định phải tìm ra sự thật bằng cách lấy mẩu tóc của con gái mang đi xét nghiệm ADN.
Nhận kết quả đó đúng là máu thịt của mình, anh rưng rưng và mang về nhà ngay để cho mẹ mình xem, cũng như muốn nói lời xin lỗi vợ. Nhưng người vợ đã thu xếp hành lý ra khỏi nhà, để lại một tờ đơn ly dị đã ký sẵn.
Ảnh minh họa: Tribune India. |
“Đa số các ông chồng mang mẫu của con tới xét nghiệm vì nghi vợ ngoại tình thì gia đình đều khó duy trì được sự yên ấm, cho dù kết quả thế nào. Nếu đứa con không phải là ruột thịt của mình, người đàn ông thường không thể tha thứ cho vợ và gia đình ly tán. Còn khi đứa trẻ đúng là con anh ta, người vợ bị ngờ oan cảm thấy tổn thương quá lớn cũng khó chấp nhận chung sống”, bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (Hà Nội) cho biết.
Trong mấy chục năm trong nghề, bà từng gặp không ít nam giới cay đắng nhận kết quả ADN cho biết đứa con mình chăm chút bấy lâu là kết quả từ mối tình vụng trộm của vợ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những người chồng, người cha phải hối hận khi nhận ra mình đã đối xử tệ bạc với vợ, với con ruột suốt bao năm chỉ vì thói đa nghi.
Bà vẫn nhớ rõ trường hợp của một khách hàng tên Tân, đã xét nghiệm tại trung tâm từ 4 năm trước.
Người đàn ông hơn 40 tuổi ở Bắc Giang này đã khóc ngay khi đọc kết quả khẳng định hai mẫu anh mang đi phân tích có quan hệ cha con. Anh Tân kể rằng, 7 năm trước, anh đi xuất khẩu lao động được gần hai tháng thì nhận tin vợ có bầu đứa con thứ hai. Trong lúc anh vừa mừng vừa lo vợ ở nhà một mình vất vả chăm hai con nhỏ thì lại nhận được điện của cô em gái kể rằng chị dâu dạo này hay được một đồng nghiệp nam đưa đón. Mặc dù sau này hỏi vợ, nghe chị giải thích rằng vì ốm nghén, mấy lần suýt ngất xỉu nên thỉnh thoảng được anh tài xế cơ quan cùng tuyến đường cho đi nhờ ôtô về, anh vẫn nghi ngờ.
Ở nhà chị sinh con, cả nhà chồng hầu như không mấy ai ngó ngàng, chăm nom, thậm chí còn bóng gió nói đứa trẻ chẳng phải ruột thịt nhà họ. Mọi việc, chị đều phải nhờ vả bên ngoại. Trong khi đó, anh Tân phần vì buồn chán khi xa xứ, nghi ngờ vợ ở xa, lại hoàn cảnh đưa đẩy, đã qua lại với một phụ nữ khác ở nơi làm việc nên cũng chẳng mấy khi gọi điện, quan tâm vợ.
Ba năm sau, anh trở về với thái độ lạnh nhạt. Chị trông tiều tụy hơn nhiều, vẫn chăm lo cho anh nhưng khá sốc khi thấy chồng hờ hững với cô con gái thứ hai. Chị khóc hết nước mắt lúc nghe anh tra hỏi về “nguồn gốc” của con vì từng nghĩ rằng chỉ cần anh tin vợ là đủ, mọi người xung quanh có nói gì cũng chịu được.
Cuộc sống nặng nề giữa họ cứ thế trôi qua cho tới một ngày anh thổ lộ chuyện với một người bạn đi xa mới về. Anh bạn trừng mắt bảo: “Cậu bị làm sao vậy. Vợ thì hiền lành thế, con giống mình như đúc, sao lại nghi ngờ?”.
Ảnh minh họa: Intelligence For Your Life. |
Lúc này, anh mới giật mình ngắm con gái thì thấy thực sự có nét giống mình. Bấy lâu nay, hầu như anh chưa bao giờ nhìn con, cứ ở gần bé là trong lòng trào lên nỗi khó chịu. Anh quyết định đưa con đi xét nghiệm và kết quả bé đúng là con ruột.
“Người cha ấy nói rằng anh sẽ cố gắng bù đắp những lạnh nhạt, nghiệt ngã bao năm mình và gia đình đã đối với vợ và con. Nhưng nỗi đau và cảm giác bị ghẻ lạnh, xúc phạm trong lòng người vợ sẽ khó có điều gì xóa được”, bà Nga bày tỏ.
Theo bà Nga, đàn ông thường có cái tôi lớn nên không ít người có ý chí không vững dễ bị ảnh hưởng bởi những lời bóng gió xung quanh, nhất là từ phía gia đình mình, làm nảy sinh nghi ngờ vợ. Nhờ kết quả ADN, họ có thể giải tỏa những nghi hoặc, nhưng bản thân việc đưa con đi xét nghiệm đã là một hành động xúc phạm rất lớn với người vợ chung thủy. Bởi thế, tình yêu và niềm tin dành cho nhau mới giúp vợ chồng bền chặt thay vì sử dụng bất cứ phương pháp kiểm tra nào.
Đôi khi, xét nghiệm ADN trở thành một việc tốn tiền, vô nghĩa, thậm chí mang lại rắc rối khi người trong cuộc nghi ngờ vô cớ, tìm tới dịch vụ này để kiểm chứng điều tưởng chừng như hiển nhiên.
Một năm trước, anh Đinh Văn Xuân ở Phúc Thọ, Hà Nội, choáng váng khi nhận tin cậu con trai đầu lòng 18 tuổi bị tai nạn phải đi cấp cứu. Khi vào viện và làm xét nghiệm máu để truyền cho con, anh càng sốc lúc biết con trai nhóm máu A trong khi bố nhóm máu O. Giữa lúc cả nhà đều tất bật lo lắng, chăm sóc cho cậu thanh niên, ông bố lại trầm ngâm bỏ về nhà và từ đó không bén mảng vào viện.
Lúc tình trạng của con tạm ổn, anh Xuân mới gọi vợ ra tra hỏi rằng khi mới cưới chị đã lỡ lầm với người đàn ông nào rồi sinh ra đứa con chẳng phải là máu mủ của anh. Người vợ ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì thì anh tuyên bố chắc chắn đó là con người khác vì không cùng nhóm máu với mình. Sau khi nghe vợ thề thốt, anh khăng khăng đi xét nghiệm ADN để “hai năm rõ mười”.
Khi nhận kết quả đúng là bố – con, anh ngơ ngẩn hỏi giám đốc trung tâm “Thế này là thế nào? Thằng bé không cùng nhóm máu với tôi, sao lại là con tôi được?”.
“Trường hợp này thực sự phí tiền cho xét nghiệm chỉ vì sự thiếu hiểu biết và đa nghi”, bà Nga bày tỏ.
Bà giải thích: Trên thế giới có hơn 7 tỷ người trong khi chỉ có 4 nhóm máu là A, B, AB và O. Vì thế, không thể dựa vào nhóm máu để xác định chắc chắn hai người có cùng huyết thống hay không. Việc bố có nhóm máu O, con nhóm máu A như của anh Tân là hoàn toàn bình thường.
Vương Linh/VNE