Chính phủ đề xuất áp dụng trở lại hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP trong nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông
Tại phiên họp Quốc hội ngày 17/5, Chính phủ đã trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với một số thay đổi.
Theo đó, đề xuất cho phép áp dụng trở lại hợp đồng BOT với dự án cải tạo, mở rộng hạ tầng đường cao tốc sẵn có hoặc nâng cấp đường đang khai thác thành cao tốc. Theo quy định hiện nay, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, đường bộ theo phương thức công tư không được áp dụng hợp đồng BOT.
Trong đó có cơ chế nếu dự án đầu tư có số thu thực tế thấp hơn số liệu tại phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký thì nhà nước có thể chia sẻ phần giảm doanh thu này với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tỷ lệ chia sẻ phần chênh lệch giảm doanh thu này do Chính phủ quy định.

Đối với trường hợp dự án mà quy hoạch, chính sách của nhà nước làm thay đổi theo hướng giảm doanh thu của dự án BOT thì cũng được áp dụng chia sẻ doanh thu.
Cùng với đó, nhà đầu tư có phương án tài chính điều chỉnh giá, phí dịch vụ hoặc thời hạn hợp đồng dự án PPP đến 50 năm nhưng chưa bảo đảm 75% doanh thu tối thiểu.
Ngoài nội dung nêu trên, Chính phủ cũng đề xuất cơ chế xử lý bằng phương án chia sẻ với nhà đầu tư phần chênh lệch giữa doanh thu trong phương án tài chính hợp đồng và số thu thực tế theo tỷ lệ đối với dự án BOT giao thông gặp vướng mắc, giảm doanh thu trước thời điểm luật PPP có hiệu lực (1/1/2021).
Cụ thể, việc chia sẻ này được áp dụng một lần, khi dự án không thu được phí dịch vụ, doanh thu thực tế 3 năm gần nhất dưới 75% mức nêu trong phương án tài chính của hợp đồng PPP, mà lý do đến từ các chính sách, quy hoạch thay đổi.
Hợp đồng dự án chưa quy định việc áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu không được áp dụng với trường hợp phương án tài chính được điều chỉnh theo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay, phương án trả nợ sau thoả thuận không bảo đảm tính khả thi.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết phương pháp xác định tỷ lệ chia sẻ, trình tự, thủ tục thực hiện cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu này.
Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng chia sẻ phần giảm doanh thu, tỷ lệ với dự án do mình phê duyệt, tránh làm tăng giá, phí dịch vụ, cũng như kéo dài thời gian thu phí.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ nói riêng, dự án đầu tư PPP nói chung mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước là cần thiết.
Tuy nhiên, Uỷ ban cũng đánh giá, vấn đề này đòi hỏi sử dụng nguồn kinh phí chưa có trong dự toán ngân sách nhà nước rất lớn và đề xuất tháo gỡ này chỉ nên áp dụng với các dự án mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước.
“Cần phải rà soát kỹ lưỡng, tránh kẽ hở về chính sách”, Uỷ ban Kinh tế và Tài chính đề nghị.

Cũng tại dự thảo, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng đã thể hiện rõ việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn tại quy định HĐND, UBND cấp tỉnh có thể được quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP điều mà trước đây thuộc thẩm quyền quyết của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh duyệt dự án PPP thuộc thẩm quyền quyết chủ trương của Quốc hội và chấm dứt hợp đồng dự án PPP. Họ cũng được quyền quyết hình thức chọn nhà đầu tư phù hợp dự án, gồm chỉ định nhà đầu tư hoặc hình thức chọn đặc biệt.
Ngoài ra, đối với các dự án PPP về khoa học, công nghệ có doanh thu thực tế dưới 50% so với kế hoạch dự kiến, có thể được chấm dứt hợp đồng trước hạn. Chính phủ đề xuất không bắt buộc thành lập doanh nghiệp dự án PPP khi có đơn vị Nhà nước tham gia. Một số thủ tục về hành chính cũng được lược bỏ, cắt giảm tại Dự thảo Nghị định lần này.
Khôi Nguyên / Vietnamfinance.vn