Năm 2025, ngành chứng khoán cần nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ để thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, khẳng định và phát huy vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục nỗ lực cao nhất để cùng đưa thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục phát triển chất lượng, minh bạch, bền vững.
Sáng 05/02, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã diễn ra Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động truyền thống hằng năm vào những ngày đầu xuân mới.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HoSE cho biết, năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế vĩ mô thế giới biến động phức tạp, tuy nhiên, sự điều hành sát sao của Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tích cực, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi… Nhờ đó, TTCK Việt Nam năm 2024 tiếp tục duy sự hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, kết thúc năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1266.78 điểm tăng 12,1% so với cuối năm 2023. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 5,21 triệu tỷ tăng 14,3% so với cuối năm trước đó. Giá trị giao dịch bình quân năm 2024 đạt 18.685 tỷ đồng/ngày, tăng 22,4% so với năm 2023. Kết thúc năm 2024, thanh khoản thị trường cổ phiếu Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau thị trường Thái Lan và Singapore.
Lãnh đạo HoSE cho biết, năm 2025, HoSE đặt ra mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành để đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường. Hiện dự án đã đáp ứng được các quy định của pháp luật về an toàn thông tin, đã triển khai kiểm thử với toàn thành viên thị trường và đang ở các bước cuối chuẩn bị cuối cùng để triển khai hệ thống trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2024 kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều dấu ấn đáng tự hào, như: GDP tăng 7,09%; các cân đối lớn đều giữ vững; nợ công thấp, bền vững; công tác tài chính – NSNN đạt kết quả tích cực… Đây là cơ sở để tăng đầu tư công, tạo vốn mồi cho tăng trưởng kinh tế 2025 và các năm tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, năm 2025 là năm với nhiều dấu mốc quan trọng, năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025; cùng với đó, cả nước đang quyết liệt triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính phủ cũng đang xây dựng và triển khai các giải pháp để phấn đấu đưa các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao hơn kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng GDP 2 con số trong giai đoạn 2026 – 2030.
Để thực hiện được các mục tiêu đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chỉ đạo ngành chứng khoán cần nỗ lực hơn nữa, tập trung triển khai các giải pháp mạnh mẽ để thị trường tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, khẳng định và phát huy vai trò là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng, chủ yếu của nền kinh tế.
Theo đó, ngành chứng khoán cần chủ động xây dựng, hoàn thiện và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi; triển khai các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Đồng thời, đảm bảo hệ thống giao dịch, hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ trên TTCK vận hành ổn định, an toàn, liên tục, thông suốt, sớm đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động.
Triển khai các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng của các tổ chức xếp hạng, nhằm thực hiện mục tiêu TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Bởi, khi được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhiều bên, cho cả nền kinh tế, cho cả Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó, gia tăng sự tham gia của dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tính tuân thủ pháp luật, tiếp tục tăng cường công tác giám sát và giữ nghiêm trật tự, kỷ cương kỷ luật thị trường; phối hợp, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm, trục lợi bất chính, hỗ trợ TTCK hoạt động ngày càng minh bạch và lành mạnh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên thị trường.
Cùng với đó, tăng cường thu hút hàng hóa chất lượng cao niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; sắp xếp và mở rộng thị trường, phân loại công ty niêm yết; thúc đẩy phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo Anh Lê / Báo Chính Phủ