Việc các app ngân hàng “đua nhau” gặp sự cố cận Tết Nguyên đán khiến nhiều khách hàng rơi vào cảnh “có tiền cũng không tiêu được”.
Như mọi năm, Tết Nguyên đán luôn là dịp cao điểm của lĩnh vực tài chính và ngân hàng tại Việt Nam bởi đây là lúc nhu cầu thanh toán của người dân tăng đột biến. Tuy nhiên, thay vì tiền mặt, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt dần tăng cao trong những năm gần đây với sự “nở rộ” của những phương thức thanh toán điện tử như mobile banking.
Theo thống kê của NAPAS, chỉ riêng trong 2 tuần đầu năm 2025, số lượng giao dịch trung bình qua hệ thống NAPAS tăng khoảng 3% so với tháng 12/2024 và tăng 13 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, trong năm 2024, NAPAS cũng đã xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng khoảng 30% về số lượng và 14,4% về giá trị so với năm 2023.
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng chiếm ưu thế, khiến nhiều người phụ thuộc mạnh mẽ vào các ứng dụng ngân hàng. Thế nhưng, trong những thời điểm cao điểm như cuối năm, kỳ nghỉ lễ, hay các mùa khuyến mãi lớn, khi nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng vọt, các ứng dụng ngân hàng lại thường xuyên gặp sự cố.
Những tình trạng như không thể truy cập tài khoản, tiền chuyển đi nhưng không đến nơi, hoặc giao dịch bị treo hàng giờ đã khiến nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười, thậm chí dẫn đến sự bức xúc và hoang mang.
Mới đây nhất, trong ngày 22/1, ứng dụng BIDV Smart Banking của BIDV rơi vào tình trạng gián đoạn khi khách hàng không thể đăng nhập cũng như thực hiện các giao dịch nhận, chuyển tiền thông thường.
Trong thông báo trên ứng dụng, BIDV cho biết ngân hàng “tiến hành nâng cấp hệ thống SmartBanking trong khoảng thời gian từ 18h00 ngày 22/1/2025 đến 21h30 ngày 22/1/2025. Trong thời gian này, dịch vụ SmartBanking có thể bị gián đoạn”.
Ngay sau đó, BIDV thông báo dịch vụ BIDV SmartBanking đã hoạt động bình thường từ 0h00 ngày 23/1. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số khách hàng, đến nay, ứng dụng BIDV Smart Banking dù đã hoạt động trở lại nhưng vẫn chậm và thi thoảng vẫn lỗi. Nhiều khách hàng cũng đã vào tận trang fanpage của BIDV để phản ánh và bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng này.
Vào ngày 16/1 vừa qua, ứng dụng của Techcombank cũng rơi vào tình trạng tương tự, khiến nhiều khách hàng không thể đăng nhập suốt nhiều giờ liền. Sự cố này làm gián đoạn hàng loạt giao dịch như chuyển tiền, thanh toán, và các nhu cầu tài chính khác.
Đầu năm 2025, hàng loạt ngân hàng lớn như VietinBank, TPBank cũng gây bức xúc khi gặp trục trặc trong hệ thống giao dịch trực tuyến. Các lỗi kỹ thuật này không chỉ ảnh hưởng đến ứng dụng ngân hàng, mà còn khiến các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thu chi hộ, và chuyển tiền 24/7 tạm ngưng, gây không ít phiền toái cho khách hàng.
Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia, người dân không nên phụ thuộc vào một app ngân hàng duy nhất mà nên “chia trứng vào nhiều giỏ”. Việc mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau có thể giúp khách hàng giảm rủi ro gián đoạn trong trường hợp nếu một ngân hàng gặp trục trặc, người dùng vẫn có thể sử dụng tài khoản từ ngân hàng khác để giao dịch.
Liên quan với nhu cầu giao dịch tăng cao dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo các dịch vụ ngân hàng hoạt động thông suốt, thuận lợi, phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán cũng như các nhu cầu khác của doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo Khánh Tú / Vietnamfinance.vn