Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc đã nhất trí các biện pháp tăng tuổi nghỉ hưu sau cảnh báo rằng hệ thống lương hưu có thể cạn kiệt vào năm 2035.
Tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978
Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải vật lộn với tình trạng dân số giảm và tăng trưởng chậm lại.
Theo đó, việc thực hiện tăng dần tuổi nghỉ hưu sẽ tuân thủ nguyên tắc điều chỉnh từng bước nhỏ, thực hiện một cách linh hoạt theo phân loại và kế hoạch tổng thể.
Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, Trung Quốc sẽ mất 15 năm để tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, trong đó tuổi nghỉ hưu của nam sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi và của nữ từ 50-55 lên 55-58 tuổi. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Đây là sự thay đổi mà chính phủ Trung Quốc đã cân nhắc trong khoảng một thập kỷ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong khi Bắc Kinh phải vật lộn với hậu quả của tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và cuộc khủng hoảng quỹ hưu trí.
Tất cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, cũng như các công ty có trụ sở tại Hồng Kông và Đài Loan, sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch này nếu họ có nhân viên ở đại lục.
Thông báo này ngay lập tức gây ra nhiều cuộc thảo luận rộng rãi và phản ứng dữ dội trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.
Mức tăng này được cho là ảnh hưởng lớn nhất đến lao động nữ, những người trước đây có thể nghỉ hưu ở tuổi 50 nhưng giờ sẽ phải đợi đến khi họ đạt đến tuổi 55.
Một số người dùng mạng xã hội tỏ ra phấn khởi rằng những thay đổi không quá quyết liệt và vẫn có sự linh hoạt. Một bình luận trên nền tảng mạng xã hội Weibo thu hút hàng nghìn lượt thích cho biết: “Miễn là có các lựa chọn nghỉ hưu hoặc không dựa trên ý muốn của chúng tôi, tôi không phản đối”.
Những người khác bày tỏ sự bất bình về viễn cảnh chậm được hưởng lương hưu và nhiều năm làm thêm giờ, cũng như lo ngại liệu chính sách này có gây căng thẳng cho thị trường việc làm vốn đã khó khăn của Trung Quốc hay không, khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức cao.
Một người dùng viết: “Việc nghỉ hưu muộn thêm chỉ có nghĩa là bạn không thể nhận được lương hưu cho đến khi bạn 63 tuổi, nhưng không có nghĩa là mọi người đều sẽ có việc làm cho đến lúc đó!”.
Trong những ngày gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi thay đổi mới là một cuộc cải cách cấp bách và cần thiết cho một hệ thống lỗi thời, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách hiện hành đã được áp dụng từ những năm 1950 khi tuổi thọ và trình độ học vấn đều thấp hơn.
“Khung chính sách hưu trí hiện tại vẫn không thay đổi trong 73 năm. Đặc biệt là kể từ khi cải cách và mở cửa (bắt đầu vào khoảng năm 1978), bối cảnh nhân khẩu học, kinh tế và xã hội đã thay đổi đáng kể”, nhà nhân khẩu học Yuan Xin được truyền thông nhà nước trích dẫn nhận định vào đầu tuần này.
Ông Yuan, phó chủ tịch Hiệp hội Dân số Trung Quốc và là nhà nhân khẩu học tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân, cho biết tuổi nghỉ hưu hiện tại không phù hợp với “thực tế quốc gia” và chuẩn mực mới về phát triển kinh tế và xã hội trong tương lai.
Tuổi nghỉ hưu hiện tại của Trung Quốc thấp hơn so với một số nền kinh tế lớn. Tuổi nghỉ hưu chuẩn trung bình năm 2022 trên khắp các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 63,6 tuổi đối với phụ nữ và 64,4 tuổi đối với nam giới.
Ở Nhật Bản, công dân có thể bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 65, trong khi ở Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu là 63.
Các quốc gia khác cũng đang vật lộn với cách quản lý tuổi nghỉ hưu. Các cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Pháp vào năm 2023 để phản đối nỗ lực của chính phủ nhằm nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Mỹ cũng đang tranh luận về cải cách hưu trí và tăng dần tuổi nghỉ hưu, với các ưu đãi An sinh xã hội dành cho những người về hưu trì hoãn hưởng trợ cấp cho đến năm 70 tuổi.
Thách thức về dân số và kinh tế
Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng lo ngại về những thách thức về nhân khẩu học của đất nước, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng điều này có thể khiến quốc gia vẫn đang phát triển này rơi vào cái bẫy “già đi trước khi giàu có”.
Dân số Trung Quốc đã giảm trong hai năm qua và năm 2023 ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục, mặc dù nước này đã đảo ngược “chính sách một con” tồn tại lâu đời từ năm 2016 và có những nỗ lực nhằm khuyến khích nhiều cặp vợ chồng trẻ sinh con hơn.
Theo báo cáo đầu tháng này của Bộ Nội vụ, người cao tuổi Trung Quốc hiện chiếm hơn 20% dân số, trong đó có khoảng 297 triệu người từ 60 tuổi trở lên vào cuối năm ngoái.
Các nhà nhân khẩu học nhận định từ năm 2030 – 2035, dân số cao tuổi sẽ chiếm 30% tổng dân số của Trung Quốc. Con số này có khả năng tăng lên hơn 40% vào giữa thế kỷ này. Điều này sẽ biến Trung Quốc thành một “xã hội siêu già”.
Bắc Kinh hiện đang tăng cường nỗ lực mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và thúc đẩy các nỗ lực của khu vực tư nhân nhằm xây dựng một “nền kinh tế bạc”.
Chính quyền cũng tập trung nhiều hơn vào khả năng của hệ thống lương hưu của đất nước trong việc giải quyết tình trạng lực lượng lao động đang giảm sút cùng với dân số già ngày càng tăng.
Một báo cáo năm 2019 từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự báo rằng quỹ hưu trí nhà nước của Trung Quốc sẽ cạn kiệt vào năm 2035 do lực lượng lao động ngày càng giảm. Nhiều năm hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch làm thu hẹp ngân khố của chính quyền địa phương có thể khiến tình trạng thiếu hụt lương hưu thậm chí còn rõ rệt hơn.
Đầu năm ngoái, hàng ngàn người cao tuổi đã biểu tình tại một số thành phố lớn để phản đối việc cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp y tế của họ, vì lo ngại rằng chính quyền địa phương sẽ rút tiền từ tài khoản cá nhân của họ để trang trải khoản thiếu hụt trong quỹ hưu trí nhà nước.
Theo CNN, SCMP
Hải Đăng / Vietnamfinance