Ngày 2/4, phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Các bị cáo tại phiên tòa (ảnh BTC)
Các bị cáo bổ sung tài sản khắc phục hậu quả
Hội đồng xét xử thông báo, gia đình bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Capella) đã nộp thêm 61 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Trong phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát nhận định, bị cáo Nguyễn Cao Trí đã thành khẩn khai nhận hành vi chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của bị cáo Trương Mỹ Lan. Ngoài ra bị cáo Nguyễn Cao Trí đã tác động gia đình nộp khắc phục hơn 600 tỷ đồng, vì vậy Viện kiểm sát ghi nhận ý thức trách nhiệm bồi thường của bị cáo và gia đình.
Về số tiền hơn 3,13 triệu USD thu giữ của bị cáo Trí trong quá trình điều tra, Viện kiểm sát cũng đề nghị áp dụng tỷ giá USD tại thời điểm xét xử với giá 24.012 đồng/USD đối với số tiền này.
Với kiến nghị của luật sư về chấm dứt 3 giao dịch giữa bị cáo Nguyễn Cao Trí và bị cáo Trương Mỹ Lan liên quan giao dịch 1.000 tỷ đồng, Viện Kiểm sát nhận định là có cơ sở chấp nhận.
Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan) cho rằng cần xác định lại số tiền thiệt hại của vụ án. Các khoản vay giải ngân đều có tài sản đảm bảo. Tính đến nay chưa có báo cáo nào về việc bà Lan không trả lãi cho SCB cũng như chưa có báo cáo nào thể hiện người dân muốn rút gốc và lãi khi đến hạn tại SCB mà không được.
Trước đó, bị cáo Trương Mỹ Lan xin Hội đồng Xét xử ghi nhận sự tự nguyện đưa tài sản nằm ngoài danh sách kê biên vào để khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát ghi nhận số tiền 5 tỷ đồng mà bà đã nộp hồi tháng 11/2023.
Bà Trương Mỹ Lan cũng xin Hội đồng Xét xử ghi nhận mong muốn chuyển 1.350 tỷ đồng sang cho Trương Huệ Vân và chuyển 300 tỷ đồng cho chồng là Chu Lập Cơ để khắc phục hậu quả, đồng thời xin tòa xem xét lại việc xử lý trách nhiệm với chồng và cháu gái.
Đỗ Thị Nhàn hướng dẫn Trương Mỹ Lan biện pháp đối phó
Với bị cáo Đỗ Thị Nhàn, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo là Trưởng đoàn Thanh tra SCB. Bị cáo Nhàn đã nhận thức đầy đủ thực trạng của SCB và hiểu hậu quả của SCB nếu báo cáo đầy đủ như thực tế thanh tra.
Tuy nhiên bị cáo Nhàn đã 2 lần gặp gỡ và thông báo những sai phạm cho bị cáo Trương Mỹ Lan rồi đưa ra những biện pháp đối phó.
Viện Kiểm sát đưa chứng cứ, ở lần thanh tra đợt 1, bị cáo Nhàn đã hướng dẫn Trương Mỹ Lan tìm cách tất toán các khoản nợ xấu. Nhàn trực tiếp chỉ đạo cấp dưới Nguyễn Thị Phụng, Phó Trưởng đoàn và tổ tổng hợp bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu hơn 37.953 tỷ đồng; trích lập dự phòng rủi ro và thoái dự thu đối với 3 dự án là Mũi Đèn Đỏ, 6A và Royal Garden.
Ở lần thanh tra thứ 2, Nhàn là người chủ động đề xuất Nguyễn Văn Hưng thay đổi kế hoạch thanh tra nhằm thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với 71 khách hàng có địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai để không phải thanh tra các khoản vay của nhóm 71 khách hàng phát sinh sau ngày 30/6/2017 còn dư nợ đến 31/3/2018, không thanh tra đối với 13 khách hàng mới có cùng địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai phát sinh dư nợ sau ngày 30-6-2017.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, sau mỗi lần gặp, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) thực hiện các công việc theo hướng dẫn của Nhàn. Để cảm ơn Nhàn, bị cáo Lan đã chỉ đạo Văn 4 lần đưa hối lộ cho bị cáo Nhàn. Mỗi lần nhận tiền, Nhàn đều hỏi Văn là tiền gì thì Văn nói là tiền chị Lan cảm ơn Nhàn đã giúp đỡ SCB.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi làm trái công vụ của bị cáo Đỗ Thị Nhàn chỉ là phương thức, thủ đoạn để thực hiện mục đích nhận hối lộ của bị cáo. Bị cáo Nhàn là người có nghiệp vụ cao trong lĩnh vực ngân hàng, trong công tác thanh tra giám sát ngân hàng và đã sử dụng nghiệp vụ ấy để che giấu sai phạm tại SCB. Động cơ, mục đích phạm tội của Đỗ Thị Nhàn khác với Nguyễn Văn Hưng và các bị cáo còn lại trong đoàn thanh tra. Vì vậy, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo về tội nhận hối lộ là có căn cứ.
Mở đầu ngày xét xử 2/4, một trong các luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cho biết, các luật sư của bà Lan nhận được lá đơn của 1 người ở nước ngoài ký và gửi về, qua đó người ký đơn bày tỏ sự chia sẻ với bà Trương Mỹ Lan.Khi vị luật sư trình bày đến đây, Chủ tọa nói rằng, đơn mà luật sư đang đề cập, Hội đồng Xét xử xác định là tài liệu gửi từ nước ngoài về Việt Nam, chưa được hợp thức hóa của lãnh sự, vì vậy luật sư không đưa vào nội dung bào chữa. |
Trần Lê / Vietnamfinance