Bloomberg tuần này dẫn lời các nhà phân tích kinh tế đưa tin, nền kinh tế dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) – Đức đang trải qua một năm khó khăn sau khi bị rơi vào tình trạng trì trệ trong quý cuối cùng của năm 2023 khi lạm phát và lãi suất cao tiếp tục đè nặng lên ngành công nghiệp.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis), nền kinh tế Đức trì trệ từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, với GDP giảm 0,3%. Mặc dù lạm phát đã giảm trong tháng 1 xuống còn 3,1% nhưng nó vẫn cao hơn mục tiêu 2%. Giá tiêu dùng tăng vọt trong những tháng qua đã dẫn đến lãi suất tăng vọt, bộc lộ những vấn đề trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Theo công ty tư vấn Alvarez & Marsal, khoảng 15% công ty ở Đức hiện đang gặp khó khăn, đây là tỷ lệ cao nhất ở châu Âu.
“Đức thực sự đang gặp khó khăn… Tất cả các nền kinh tế sản xuất lớn đang chậm lại, nhưng ở Đức, điều này còn trầm trọng hơn do chi phí năng lượng cao hơn. Ngoài ra còn có những thách thức trong lĩnh vực ô tô với sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc”, ông Brian Mangwiro – nhà quản lý quỹ tại Ngân hàng Barings của Anh, đã nhận định như vậy với hãng tin Bloomberg.
Hãng tin này lưu ý rằng các cuộc khảo sát ban đầu về năm 2024 cho thấy có rất ít hy vọng rằng những khó khăn về kinh tế sẽ kết thúc trong tương lai gần.
“Đức nổi lên là thị trường khó khăn nhất ở châu Âu… Triển vọng kinh tế của đất nước vẫn ảm đạm, với cả chính phủ và Ủy ban châu Âu đều dự đoán nền kinh tế nước này sẽ giảm 0,4% vào năm 2024 do lạm phát cao, giá năng lượng tăng cao và thương mại quốc tế trì trệ,” theo Chỉ số WEDI. Bản chỉ số phân tích này cho rằng các khoản đầu tư xấu đi, áp lực thanh khoản và lợi nhuận trì trệ là những vấn đề kinh tế lớn của đất nước Đức vào thời điểm hiện tại.
Các nhà phân tích lưu ý rằng một loạt vấn đề trong lĩnh vực bất động sản và sự thiếu tăng trưởng kinh tế có thể sẽ gây ra vấn đề cho ngân hàng Đức. Theo một báo cáo gần đây từ ngân hàng trung ương nước này, khoảng 1/3 các khoản cho vay bất động sản thương mại phải đối mặt với chi phí vay cao hơn trong vòng 3 năm, điều này có thể dẫn đến vỡ nợ và suy giảm tín dụng.
Kiệt Linh / Vnmedia