Với chi phí sở hữu phương tiện cao hiếm thấy trên thế giới, việc sở hữu một chiếc ô tô ở Singapore cũng là một chuyện khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng việc này làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo tại đảo quốc sư tử.
Sở hữu một chiếc xe ô tô thông thường là một điều quá sức với người dân thu nhập thấp.
Toyota ngang ngửa với Aston Martin, Camry giá gấp đôi căn nhà
Sabrina Vu, 35 tuổi, một Giám đốc truyền thông tại Singapore, đã sở hữu một chiếc ô tô mua từ 6 năm trước.
Nhưng khi quay trở lại showroom lần đầu tiên sau 6 năm, Sabrina đã sốc khi nhận ra rằng để mua một chiếc ô tô thông thường của Toyota tại Singapore, cô sẽ phải trả số tiền ngang giá với một chiếc Aston Martin hạng sang ở các thị trường khác, và đã thay đổi ý định của mình.
“Khi chúng tôi đến đại lý Toyota, họ yêu cầu 260.000 SGD (khoảng 4,7 tỷ VNĐ) cho một chiếc xe hybrid. Thậm chí, chiếc xe tôi định mua còn không phải là một chiếc xe hạng sang”, cô Sabrina Vu nói.
Chi phí sở hữu phương tiện của Singapore, vốn đã thuộc hàng cao hiếm có trên toàn cầu, hiện vẫn đang quanh mức cao kỷ lục, do cách tiếp cận không mấy mới mẻ của chính phủ nước này trong việc đăng ký ô tô mới đã xung đột với nhu cầu từ những người giàu có đang phát triển của quốc đảo này.
Giá xe đã bao gồm chi phí Giấy chứng nhận quyền sở hữu (COE) – giấy phép cấp quyền sở hữu và sử dụng ô tô tại Singapore trong 10 năm.
COE được Singapore triển khai từ năm 1990 để kiểm soát số lượng phương tiện tại quốc gia nhỏ bé với 5,9 triệu dân và tổng thời gian di chuyển trên cả nước cũng chưa đến 1 tiếng. COE được cấp thông qua một quy trình đấu thầu và số lượng COE mới phụ thuộc vào số lượng COE đã phát hành.
Tỷ lệ COE được ấn định trong một cuộc đấu giá hai tuần một lần và đã tăng gần gấp 4 lần trong 3 năm, đạt 150.000 SGD vào tháng 10/2023 đối với những chiếc ô tô có động cơ lớn hơn 1,6l.
Giá COE gần đây đã hạ nhiệt sau khi chính phủ tăng số lượng giấy phép, nhưng chúng vẫn dễ bị tăng đột biến vào những đợt nhu cầu mua cao đột ngột.
Ví dụ, nếu tính cả phí COE, phí và thuế đăng ký, tổng chi phí để sở hữu mới một chiếc xe Camry Hybrid tiêu chuẩn tại Singapore là 251.388 SGD (khoảng 4,5 tỷ VND – 187.000 USD), gấp gần 7 lần giá của chiếc xe tương tự ở Mỹ (28.855 USD) và gấp đôi giá một căn hộ nhỏ được nhà nước trợ cấp ở Singapore là 125.000 SGD.
Trong khi đó, thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở Singapore là 121.188 SGD/năm.
Gia tăng khoảng cách giàu nghèo
Việc này khiến cho cuộc tranh luận về chi phí sinh hoạt đắt đỏ và khoảng cách giàu nghèo tại Singapore ngày càng gay gắt.
Theo một cuộc khảo sát người dân được công bố vào tháng 10/2023, chi phí sinh hoạt cao của Singapore cho đến nay là vấn đề quan trọng nhất mà quốc gia này phải đối mặt. Theo đó, cách chính phủ giải quyết khoảng cách giàu nghèo và giá ô tô là một trong những vấn đề mà người dân không hài lòng nhất.
Victor Kwan, giảng viên cao cấp tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, cho biết: “Giá COE, giống như nhiều thứ khác, nhấn mạnh khoảng cách giàu nghèo ở Singapore. Nếu nó tiếp tục tăng, sự thất vọng của người dân sẽ ngày càng tăng.”
Theo dữ liệu từ Numbeo, Singapore là nơi đắt đỏ nhất để sở hữu một chiếc ô tô phổ thông. Do chi phí COE không giảm, cộng thêm việc chính phủ kiểm soát số phương tiện lưu thông trên đường một cách chặt chẽ, việc sở hữu xe riêng và lái một chiếc ô tô ra đường ở đảo quốc sư tử gần như được coi là biểu tượng của sự giàu có.
Theo báo cáo tài sản toàn cầu của UBS Group, giá trị tài sản ròng của mỗi người trưởng thành đã tăng 6,3% ở Singapore vào năm 2022, mang lại cho thành phố này hơn 300.000 triệu phú.
Giá COE cho ô tô cỡ nhỏ đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2018 đến năm 2023, trong khi thu nhập trung bình hàng tháng chỉ tăng 2,4%. Một công nhân có mức lương trung bình là 5.197 SGD/tháng sẽ phải chi khoảng 3 năm lương để mua một chiếc sedan Toyota.
Số lượng triệu phú tăng cao, đồng nghĩa với nhu cầu về xe riêng cũng tăng, là đà đẩy giá COE tăng cao hơn nữa, khiến việc sở hữu một chiếc ô tô gần như quá khó khăn với những người thu nhập bình thường tại quốc gia này.
Tháng 5/2023, các nhà chức trách Singapore đã cam kết đưa ra 6.000 giấy phép COE để hạ nhiệt thị trường, nhưng điều đó không thể giữ được giá, khiến Bộ trưởng GTVT vào tháng 11/2023 phải cam kết đưa ra thêm hạn ngạch giấy phép để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Trả lời trước Quốc hội Singapore vào ngày 6/11/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT lúc đó là Chee Hong Tat cho biết Bộ “hiểu được mối lo ngại của người Singapore về giá COE cao”.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đảo quốc sư tử vẫn chưa thể đưa ra một phương án khả dĩ cho câu chuyện phương tiện riêng của người dân. Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, tình trạng phân biệt đẳng cấp thông qua chiếc ô tô tại Singapore là điều khó tránh.
Minh Ý / Vietnamfinance
Theo Bloomberg, Business Times