Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, nhìn chung, 2023 là một năm đầy vất vả với thị trường bất động sản Việt Nam. là “sự trả giá” cho quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó.
Ảnh minh họa
Trong đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể trong năm 2023 là 1.286 doanh nghiệp (tăng 7,7% so với năm trước) và có 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 47,4%) so với năm 2022.
Cũng theo Bộ này, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, giảm 45,01% so với năm 2022. Đặc biệt, tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang diễn ra không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà cả các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường.
Trong khi đó, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, nhìn chung, 2023 là một năm đầy vất vả với thị trường bất động sản Việt Nam. Rất nhiều khó khăn tồn tại dưới dạng ẩn từ các thời kỳ trước, lần lượt ngoi lên, siết chặt khiến thị trường trở nên lao đao, điêu đứng, là “sự trả giá” cho quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó. 2023 là năm bùng phát của căn bệnh của thị trường bất động sản Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài.
VARS thống kê, bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản. Ngoài ra, hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề, 80-85% môi giới bỏ nghề (thuộc nhóm đối tượng mới hoặc tay ngang, chưa có nhiều tích lũy), chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.
Hầu hết các doanh nghiệp đều phải đối mặt với một hoặc một số kịch bản: phá sản, tạm dừng hoạt động, sa thải nhân viên, thu hẹp quy mô, cắt giảm lương, tái cấu trúc… Các doanh nghiệp may mắn còn tồn tại trên thị trường hầu hết đều xác định tinh thần hoặc là lỗ, hoặc là lợi nhuận có thể giảm tới 80-90% so với cùng kỳ các năm trước.
Bộ Xây dựng cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể là khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.
Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các đỏn vị ở địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án…
Cuối cùng là khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023.
Lệ Chi / Vietnamfinance