Những chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine có khả năng sẽ phải đối mặt với sự áp đảo của những chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Nga.
Vào ngày 27/12, Tập đoàn máy bay Thống nhất (United Aircraft Corporation – UAC) đã giao lô máy bay chiến đấu Su-57 thế hệ thứ năm cuối cùng cho Bộ Quốc phòng Nga theo chương trình sản xuất năm 2023. Vào năm 2023, UAC đã tăng cường năng lực sản xuất Su-57 và cải tiến dây chuyền lắp ráp máy bay.
Trong một tuyên bố với dịch vụ báo chí của Bộ Công Thương Liên bang Nga, Sergey Chemezov, Giám đốc điều hành của Rostec cho biết: “Tại xưởng lắp ráp, công việc chế tạo các phương tiện chiến đấu để chuyển giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang được tiến hành. Trong năm tiếp theo, số lượng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm gia nhập quân đội gần như sẽ tăng gấp đôi”.
Năm 2024 tăng gấp đôi sản lượng
Trong Army 2019, UAC và Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng cung cấp 76 máy bay chiến đấu Su-57 cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ, hợp đồng trên như một phần của Chương trình Vũ khí Nhà nước cho đến năm 2027.
Vào ngày 22/11/2019, Rostec thông báo qua thông cáo báo chí rằng, công ty con ONPP Technologiya sẽ cung cấp 74 bộ kit composite từ năm 2020 đến năm 2028 cho Sukhoi để sản xuất máy bay chiến đấu Su-57.
Trước khi bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt (SMO) vào ngày 24/2/2022, Su-57 được sản xuất hàng loạt với tốc độ ban đầu thấp và dự kiến sẽ được đẩy mạnh theo từng giai đoạn.
Vào tháng 11/2020, một nguồn tin nói với TASS rằng tốc độ sản xuất Su-57 cuối cùng sẽ tăng lên 15 máy bay mỗi năm. Vào tháng 8/2020, Izvestia báo cáo rằng công suất sản xuất tối đa sẽ đạt được vào năm 2024.
Vào tháng 11/2021, Izvestia đưa tin: “Vào tháng 12, 4 máy bay chiến đấu Su-57 đang sản xuất sẽ được chuyển giao cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga từ Nhà máy Hàng không Komsomolsk-on-Amur”.
Tính đến tháng 12/2022, công ty con của Rostec là UAC đã giao 10 máy bay chiến đấu Su-57. Điều này có nghĩa là UAC đã giao 6 máy bay vào năm 2022, gấp đôi so với 3 chiếc được giao vào năm 2021.
Trước Army 2023, Vladimir Artykov, Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Rostec nói với Izvestia rằng, Nga có kế hoạch tăng đáng kể tốc độ sản xuất Su-57. Có khả năng Rostec hiện đang nỗ lực đạt được tốc độ sản xuất tối đa sớm hơn kế hoạch.
Theo tuyên bố mới nhất của Bộ Công Thương Liên bang Nga, nhiều khả năng Rostec sẽ giao 12 máy bay chiến đấu Su-57 vào năm 2023, nâng tổng số máy bay được giao lên 22 chiếc. Ngoài ra, Rostec cũng đặt mục tiêu đạt mức tối đa sản xuất 15 máy bay mỗi năm vào năm 2024.
Năm | Su-57 được bàn giao |
2020 | 1 |
2021 | 3 |
2022 | 6 |
2023 | 12 |
2024 | 15? |
Dựa trên phép ngoại suy trên, đến cuối năm 2024, lực lượng Hàng không vũ trụ Nga sẽ có 37 máy bay chiến đấu Su-57. Theo kế hoạch sản xuất ban đầu, tổng số lượng sản xuất đến cuối năm 2024 là 24 chiếc.
Giả sử tốc độ sản xuất 15 máy bay mỗi năm từ năm 2024 trở đi, đơn đặt hàng Bộ Quốc phòng Nga cho 76 máy bay sẽ được hoàn thành trước cuối năm 2027.
Chiến lược sử dụng Su-57
Rất có khả năng, Bộ Quốc phòng Nga chỉ sử dụng máy bay chiến đấu Su-57 của mình để thử nghiệm hoạt động, phát triển chiến thuật và huấn luyện. Với 22 máy bay trong kho, Nga hiện đã có đủ số lượng để bắt đầu nâng cấp trung đoàn máy bay chiến đấu Su-57 đầu tiên hoạt động.
Giả sử khoảng 8 máy bay chiến đấu sẽ tiếp tục được triển khai để thử nghiệm hoạt động và phát triển chiến thuật, một số có thể sẽ sẵn sàng cho các hoạt động chiến đấu.
Với 15 máy bay chiến đấu được bổ sung vào biên chế trong năm 2024, số lượng máy bay chiến đấu tàng hình sẵn sàng triển khai hoạt động sẽ tăng nhanh chóng. Lực lượng Không quân Ukraine (UAF) sẽ bắt đầu cảm nhận được những tác động của việc triển khai Su-57 trong những tháng tới.
Hoạt động ở chế độ tối
Hoạt động ở chế độ tối, Su-57 sẽ tắt radar và các bộ phát gây nhiễu khác để tránh bị đối thủ phát hiện thụ động, trong khi sử dụng hình dạng tàng hình để tránh bị radar phát hiện.
Su-57 có khả năng tàng hình phía trước tốt gần bằng khả năng tàng hình phía trước của F-22 Raptor. Nhờ đó, Su-57 sẽ có thể hoạt động gần mặt trận hơn mà không bị radar phòng không Ukraine phát hiện, so với các máy bay chiến đấu thế hệ 4+ như Su-35S.
Mặc dù radar tìm kiếm AN/MPQ-65 của hệ thống Patriot đặt gần chiến trường Ukraine có thể phát hiện ra một chiếc Su-34 hoạt động cách mặt trận 100 km, nhưng radar của Mỹ sẽ không thể phát hiện ra Su-57 dù nó chỉ cách mặt trận 25 km.
Quan trọng hơn, Su-57 sẽ phát hiện tốt các phát xạ vô tuyến từ AN/MPQ-65 trước khi AN/MPQ-65 phát hiện các phát xạ phản xạ từ Su-57. Ngay khi Su-57 phát hiện tín hiệu radar, tọa độ của radar sẽ được truyền qua liên kết dữ liệu an toàn tới tên lửa chống bức xạ Kh-31P được trang bị trên Su-35S hoặc Su-34, hoạt động ở phía sau chiến trường, bên ngoài phạm vi phát hiện của AN/MPQ-65.
Kết quả là AN/MPQ-65 sẽ bị tiêu diệt trước khi hệ thống Patriot có cơ hội phóng tên lửa đánh chặn PAC-3 vào Su-57. Khả năng cảnh báo sớm của NATO cung cấp dữ liệu trực tiếp cho radar bắn tên lửa Patriot cũng sẽ rất ít. Bởi vì sự an toàn của chính mình, những thiết bị này phải hoạt động từ bên ngoài lãnh thổ Ukraine.
Tên lửa tàng hình tầm xa và bom
Không giống như F-22 Raptor, được thiết kế để xâm nhập không phận và tấn công các mục tiêu bằng đạn dẫn đường chính xác tầm ngắn, Su-57 được thiết kế để tấn công các mục tiêu bằng vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình, tên lửa siêu thanh.
Các tên lửa hành trình khó đánh chặn bao gồm Kh-69, một biến thể tàng hình của Kh-59Mk-2 với tầm bắn 290 km và tên lửa siêu thanh Gremlin với tầm bắn được báo cáo là 1.500 km, tốc độ Mach 6.
Gremlin sẽ được trang bị động cơ ramjet Product 70 đang được phát triển bởi Soyuz TMKB (Cục thiết kế chế tạo máy Turaevskoe). Như vậy, tên lửa sẽ có khả năng cơ động bay ở tốc độ siêu thanh trong thời gian dài.
Tên lửa hành trình tầm xa không tàng hình có thể được Su-57 phóng từ cự ly gần chiến trường bao gồm tên lửa Kh-35UE có tầm bắn tối đa 260 km; tên lửa chống bức xạ siêu âm Kh-31PD dùng để tấn công các hệ thống phòng không, tầm bắn 250 km; tên lửa Kh-58UShKE được thiết kế để tiêu diệt radar, có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 245 km.
Hiện tại, máy bay chiến lược của Nga phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách xa phía sau mặt trận. Điều đó không chỉ làm giảm tầm tấn công của tên lửa mà còn là cơ hội để phòng không Ukraine có thời gian theo dõi tên lửa trước khi chúng bay vào không phận Ukraine.
Ngoài ra, nó còn làm cho lộ trình của tên lửa dễ dự đoán hơn. Tất cả điều đó sẽ thay đổi một khi máy bay chiến đấu Su-57 bắt đầu phóng tên lửa từ cự ly gần chiến trường.
Những chiếc Su-57 tuần tra dọc mặt trận sẽ vô hiệu hóa mọi lợi thế chỉ trong một cú lao xuống. Ngay cả khi hoạt động ở chế độ tối, Su-57 vẫn có thể phát hiện và bất ngờ tấn công F-16 của NATO trước khi F-16 được cảnh báo về sự hiện diện của Su-57.
Những chiếc F-16 sẽ có tên lửa không đối không AIM-120 tầm xa hơn các máy bay chiến đấu thời Liên Xô mà Ukraine đang vận hành hiện nay, nhưng Su-57 sẽ có những tên lửa không đối không tầm xa hơn như RVV-BD để đối phó.
LÊ HƯNG(Nguồn: EurAsian Times) / VTC News