Không chỉ Hungary, Slovakia là nước thứ hai thuộc Liên minh châu Âu (EU) vạch ra lằn ranh đỏ trong gói trừng phạt sắp tới lên Nga.
Nhiều nước châu Âu tỏ ra ngần ngại trước lệnh trừng phạt năng lượng Nga.
Trong bài phát biểu cuối tuần qua, Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar cho biết chính phủ Slovakia sẽ không ủng hộ các hạn chế đối với việc nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga trong gói trừng phạt thứ 12 của EU hiện đang được các nước thành viên thảo luận.
Theo ông Blanar, nước này đa phần nhất trí với các lệnh cấm vận được đề xuất trong gói trừng phạt mới, tuy nhiên lệnh cấm nhiên liệu hạt nhân thì cần được loại bỏ.
“Đó là lằn ranh đỏ với chúng tôi. Các nhà máy điện hạt nhân của chúng tôi chưa thể chuyển sang sử dụng nhiên liệu thay thế. Điều khoản liên quan đến hạt nhân này chắc chắn không thể có”, ông Blanar nhấn mạnh.
Đồng thời, nhà ngoại giao hàng đầu Slovakia đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả của toàn bộ chính sách trừng phạt mà EU theo đuổi kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra.
“11 gói trừng phạt không ngăn được Nga, trong khi nền kinh tế EU đang tiến tới suy thoái”, ông Blanar bày tỏ đồng thời cho biết thêm rằng giá thực phẩm và nhiên liệu ở Slovakia đã tăng vọt do các lệnh trừng phạt được cho là nhằm vào Moscow.
Hiện các nước thành viên của EU gồm Slovakia, Bulgaria, Cộng hòa Séc và Hungary vẫn đang tiếp tục mua nhiên liệu hạt nhân quan trọng từ Nga cho bốn lò phản ứng do Liên Xô thiết kế. Nga sở hữu khoảng 50% cơ sở hạ tầng làm giàu uranium của thế giới, rất quan trọng cho việc sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
Trong tuyên bố tương tự đưa ra cuối tháng 10, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố rằng năng lượng chính là “lằn ranh đỏ” của nước này trong trừng phạt Nga, chính vì vậy nước này sẽ không ủng hộ vòng trừng phạt tiếp theo của EU lên Nga nếu bao gồm các lệnh hạn chế liên quan tới lĩnh vực năng lượng.
“Tôi có thể nói chắc chắn rằng nếu gói trừng phạt tiếp theo chứa nội dung nào đó mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của chúng tôi, chúng tôi sẽ không đồng ý thông qua nó. Lằn ranh đỏ đối với chúng tôi liên quan đến năng lượng, khí đốt, dầu mỏ, năng lượng hạt nhân và bất kỳ khía cạnh nào khác có thể gây tổn hại cho nền kinh tế quốc gia của chúng tôi”, ông Szijjarto tuyên bố.
Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Slovakia, ông Szijjarto cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt không hoạt động theo cách mà các nước phương Tây mong đợi và cho biết ông thấy việc theo đuổi chính sách này không có ý nghĩa gì.
“Chính sách trừng phạt đơn giản là không có tác dụng. Các lệnh trừng phạt có thể gây hại cho Nga nhưng chúng chắc chắn gây ra tác hại lớn hơn cho nền kinh tế châu Âu, cho các nước châu Âu. Và nếu các biện pháp trừng phạt gây ra nhiều tổn hại cho những người áp đặt chúng hơn là những người mà chúng chống lại, thì việc tiếp tục thực hiện chúng có ý nghĩa gì?”, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary nói.
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông phương Tây dẫn các nguồn thạo tin cho biết châu Âu đang trong giai đoạn cuối cùng trong việc đưa ra gói trừng phạt thứ 12 lên Nga và gói này có thể bao gồm các hạn chế đối với ngành công nghiệp hạt nhân và xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.
Tuy nhiên, để Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào cần phải có sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên EU.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, với gói trừng phạt thứ 12, Brussels dự kiến nhắm vào 120 cá nhân và tổ chức. Khối này được cho là đang muốn mở rộng danh sách hạn chế “hàng hóa có công dụng kép”, ám chỉ những loại sản phẩm có thể ứng dụng trong quân sự, mà Nga đã mua được thông qua các quốc gia thứ ba.
Các đề xuất được cho là bao gồm các biện pháp cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn thu thương mại của Moscow bằng cách áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc bán kim cương và đồ trang sức của Nga.
Gói này có thể đưa ra các hạn chế bổ sung đối với xuất khẩu sang Nga, bao gồm lệnh cấm bán một số hóa chất, pin lithium, bộ điều nhiệt và động cơ cho máy bay không người lái, cũng như máy công cụ và các bộ phận máy móc có thể được sử dụng để sản xuất vũ khí.
Đăng Phạm / Vietnamfinance
Theo RT