Sở hữu một ý tưởng kịch bản độc đáo, Fanti không đơn thuần là một câu chuyện “chị chị em em” đấu đá giành giật hào quang showbiz. Ngược lại dù còn một số hạn chế trong câu chuyện, bộ phim vẫn phơi bày được sự mong manh của thế hệ trẻ giữa xã hội hiện đại, giữa sự thao túng của “cõi mạng” và lồng ghép nhiều vấn đề đáng suy ngẫm về tình thân, gia đình.
Hiện đại và chạm đến người trẻ
Là bộ phim đầu tay của đạo diễn Việt kiều Andy Nguyễn, Fanti ít nhiều thu hút sự chú ý từ công chúng khi khai thác đề tài mạng xã hội và “drama” showbiz của những nghệ sĩ trẻ. Bộ phim kể về hot girl mạng xã hội Ánh Dương (Thảo Tâm), một cô gái gen Z hoàn hảo: xinh đẹp, tài năng, có phong cách sống thời thượng, lại còn đang rộng cửa trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một stalker mang biệt danh “Carot” cùng những hành vi bí ẩn của hắn khiến cuộc sống của Ánh Dương rơi vào hỗn độn.
Fanti có câu chuyện hiện đại, gần gũi với đời sống của thế hệ gen Z
Phần mở đầu của bộ phim hút người xem khi mở ra thế giới của cô gái vừa chớm nổi tiếng trong thời đại công nghệ. Cùng với con số followers, danh vọng, tiền tài và những cơ hội nghề nghiệp ập đến một cách đột ngột với Ánh Dương. Với sự kèm cặp và kỳ vọng cao của người mẹ cũng từng là diễn viên nổi tiếng một thời – bà Hằng (NSND Lê Khanh), Ánh Dương càng khao khát chạm đến vị trí ngôi sao một cách nhanh chóng nhất.
Không giấu diếm quá lâu, Fanti đã tiết lộ bản chất thật của nữ chính chỉ sau vài phân đoạn. Đằng sau vẻ ngoài ngọt ngào, ngây thơ và những lời “gọi dạ bảo vâng” với mẹ, Ánh Dương lại là một cô nàng không phải dạng vừa và bất chấp dường như mọi thứ để leo lên nấc thang danh vọng. Cô chấp thuận đi cửa sau “đổi tình lấy vai”. Rồi khi bất mãn vì bị giao vai quá nhỏ, Ánh Dương biết dùng chiêu trò để đe dọa kẻ cản trở mình. Kiểu nữ chính “chính tà bất phân định” này rất hiếm thấy ở các phim điện ảnh Việt.
Ánh Dương là một hình mẫu nữ chính khác biệt khi cô khiến khán giả vừa thương vừa ghét
Như giới thiệu ban đầu, mặt tối của mạng xã hội được lấy làm chủ đề xuyên suốt phim. Khán giả cũng nhanh chóng thấy được sự ảnh hưởng lớn của mạng xã hội lên đời sống của Ánh Dương. Mỗi ngày, cô đều phải chăm chút cho những bức ảnh up lên mạng, chầu chực, thấp thỏm đợi bình luận và số lượng thích, yêu, chia sẻ tăng lên. Muốn profile “sạch” tinh tươm, nàng hot-girl chọn ẩn hoặc xóa hết những bình luận tiêu cực.
Fanti cũng cho thấy một xã hội khan hiếm sự tương tác trực tiếp, khi người đứng cạnh người những vẫn phải nhắn tin, mọi hỉ, nộ, ái, ố không được giãi bày bằng lời lẽ, hành động mà chỉ hiển thị qua những chiếc icon tạo sẵn. Hay như việc Ánh Dương giành được vai nữ chính chỉ vì chủ hãng phim ấn tượng với vài dòng thơ cô nàng đăng trên Instagram cũng là một chi tiết rất đỗi châm biếm cho cách vận hành của giới giải trí đương thời.
Cơn khủng hoảng danh tính nơi thế hệ trẻ càng trở nên đau đớn dưới tác động của mạng xã hội
Cái tên bộ phim cũng lên nhiều thứ khi Fanti là một cách chơi chữ thú vị, được ghép giữa hai từ “fan” và “anti-fan”. Trong xã hội đương thời, dưới sự chi phối của mạng xã hội, dường như ở mỗi người đều tồn tại một sự nhập nhằng về danh tính, thân phận. Lằn ranh giữa đời thực và thế giới ảo có thể khiến con người ta quay quắt và đảo điên.
Như Ánh Dương vậy, cô thậm chí không hiểu rõ bản thân mình là ai, thực sự cần gì mà chỉ lao đầu chạy theo những tiêu chuẩn, kỳ vọng của “dân mạng” hay của chính mẹ mình. Sự xuất hiện của stalker Carot và những hành vi xâm phạm nặng nề vào quyền bí mật cá nhân, quyền riêng tư của Ánh Dương vì vậy nhanh chóng phơi bày nhiều bí mật động trời. Trong một đoạn cao trào mà nhân vật bị đe dọa đến tính mạng, hàng nghìn người vẫn theo dõi livestream sự vụ và vô tư bình luận những câu đùa vô tri, thậm chí tin rằng đó chỉ là một màn diễn xuất đỉnh cao. Nó cho thấy thế hệ gen Z dù có lão luyện công nghệ đến đâu đi chăng nữa thì cũng mong manh và dễ bị tổn thương ra sao bởi chính chiếc màn hình, những thuật toán và cộng đồng ảo. Đó đều là những vấn đề rất thật và nhức nhối trong thế giới hiện đại.
Mới lạ nhưng cần thêm điểm nhấn cảm xúc
Bên cạnh một đề tài mới mẻ, ngôn ngữ điện ảnh và cấu trúc của Fanti cũng mới lạ so với các phim Việt khác. Fanti, dù khai thác đề tài “drama” showbiz nhưng không hề ồn ào. Những góc khuất nghề làm phim cũng được đạo diễn Andy Nguyễn tinh lọc đưa vào tác phẩm với màu sắc và âm hưởng rất riêng. Nó không quá bóng bẩy và tráng lệ bởi đây chỉ là nấc thang đầu tiên của những cô gái mới chập chững bước vào thế giới nghệ thuật. Bối cảnh phim đơn giản nhưng nhờ những cú máy thông minh mà Fanti có phần hình ảnh khá “êm” mắt. Việc sử dụng các icon trên Instagram làm phương thức giao tiếp chính của nhân vật thay cho thoại cũng mang đến cảm giác thú vị cho người xem.
Chiếc điện thoại di động và mạng xã hội làm nên “xương sống” của phim
Bên cạnh những mặt tối mạng xã hội thì Fanti cũng có một cách diễn giải đặc biệt về mối quan hệ mẹ -con, khai thác những “cơn sóng ngầm” độc hại của gia đình khá ấn tượng. Nhân vật bà Hằng – mẹ Ánh Dương do NSND Lê Khanh ban đầu hiện ra như một người mẹ quốc dân với phong thái dịu dàng, ngọt ngào, hết mình ủng hộ sự nghiệp của con.
Tuy nhiên, càng về sau, bà càng để lộ bản chất cuồng kiểm soát và nghiện “thao túng”. Ánh Dương khao khát thoát khỏi cái bóng của mẹ nhưng cũng điên cuồng phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn, kỳ vọng của mẹ. Fanti đã cho thấy hệ lụy của việc yêu thương sai cách và chuyện cha mẹ nhân danh tình yêu, nhân danh sự hy sinh để áp đặt con cái.
Câu chuyện mẹ con bà Hằng và Ánh Dương mang đến nhiều suy ngẫm
Fanti có nhịp phim nhanh và gãy gọn ở khoảng 30 phút đầu nhưng nhanh chóng đuối về sau. Stalker Carot có màn xuất hiện ấn tượng nhưng dần dà màn “mèo vờn chuột” của hắn không mang lại quá nhiều kịch tính hay lắc léo về mặt logic để khơi gợi sự tò mò, khao khát khám phá nơi khán giả.
Nhiều trường đoạn bị cắt gãy cụt khi nhân vật nuôi chưa đủ cảm xúc thì cảnh đã chuyển. Những tình tiết “gieo” của đạo diễn còn quá non nớt và hời hợt nên khi anh “gặt” nó về sau, khán giả không cảm thấy thuyết phục. Vì vậy, cấu trúc phim hóa ra rối rắm, thiếu chặt chẽ. Ngoài ra, yếu tố “thriller” (giật gân) được khai thác còn quá hiền. Những cú “twist” chồng “twist” có tạo bất ngờ nhưng gãy về tiến trình phát triển tâm lý nhân vật, thiếu nhất quán về mặt động cơ.
Phim có nhiều phân cảnh được dàn dựng công phu
Về mặt diễn xuất, các diễn viên Fanti có màn hóa thân vừa vặn vào nhân vật. Thảo Tâm trong vai Ánh Dương tuy vẫn chưa quá linh hoạt trong biểu cảm nhưng cũng đã có nhiều cố gắng, có khác đi so với hình tượng một “cô giáo Hồng” mong manh thuở mới vào nghề. Hồ Thu Anh diễn xuất tròn trịa nhưng cần cải thiện thêm về đài từ. Với Fanti, NSND Lê Khanh duy trì được phong độ và đẳng cấp của một minh tinh kỳ cựu.
Nhìn chung, Fanti là một phong vị lạ trên thị trường điện ảnh Việt đương thời. Phim bắt trend, gần gũi với cộng đồng các bạn trẻ hay dùng mạng xã hội. Nó được thực hiện với sự tử tế và nghiêm túc của những nhà làm phim trẻ có tinh thần cầu thị. Fanti hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Huyền My / Điện Ảnh