Tại sao Ả Rập Xê-út lại đàm phán với Trung Quốc để mua vũ khí quân sự, trong khi quốc gia này là khách hàng truyền thống của Mỹ và phương Tây?
Một báo cáo của tạp chí Tactical Report cho biết, Arab Ả Rập Xê-út đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc để mua máy bay chiến đấu Thành Đô J-10C.
Ngoài J-10, được biết chính quyền Riyadh cũng quan tâm đến việc mua các thiết bị quân sự khác của Trung Quốc, bao gồm máy bay không người lái phóng từ xe tải Sky Saker FX80, máy bay không người lái cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) CR500, UAV tự sát Cruise Dragon và tên lửa hành trình tầm ngắn HQ-17.
Những báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh Riyadh tiếp tục tăng cường toàn diện mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, bao gồm các động thái hướng tới bán dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ, sử dụng rộng rãi cơ sở hạ tầng 5G của Huawei trong các mạng viễn thông của mình.
Bên cạnh đó, vào năm 2022, hai nước cũng đã bắt tay thực hiện dự án phát triển một nhà máy sản xuất máy bay không người lái để đáp ứng nhu cầu quốc phòng của quốc gia Trung Đông này.
Các quan chức Ả Rập Xê-út liên tục cảnh báo bất kỳ lệnh cấm vận nào từ phương Tây cũng có thể nhanh chóng bị đáp trả bằng việc nước này sẽ mua các thiết bị quân sự của Trung Quốc.
Hành động này nhằm phản ứng việc Mỹ và các đối tác phương Tây đe dọa áp đặt lệnh cấm vận vũ khí và bắt Ả Rập Xê-út phải thay đổi chính sách sản xuất dầu để tạo điều kiện bán dầu rẻ hơn cho các nước phương Tây.
Ả Rập Xê-út là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Việc mất thị trường quan trọng này có thể là một đòn giáng mạnh vào lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây và là một dấu mốc quan trọng trong quá trình Trung Quốc dần khẳng định vị thế xuất khẩu vũ khí của mình.
Trung Quốc ngày càng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng mở rộng danh mục xuất khẩu vũ khí của mình, khi nước này trong thập kỷ qua đã thu hẹp đáng kể khoảng cách so với Mỹ và Nga về công nghệ cũng như sự đa dạng của trang thiết bị quân sự. Bên cạnh đó các sản phẩm của Trung Quốc luôn có chi phí rẻ hơn nhiều so với vũ khí của Nga và phương Tây.
Hiện tai, Trung Quốc là quốc gia mua máy bay chiến đấu cho lực lượng không quân của mình với tốc độ lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác, trong khi lĩnh vực quốc phòng của nước này lớn thứ hai chỉ sau Mỹ nhưng lại có các danh mục xuất khẩu vũ khí đứng đầu thế giới.
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc
Một dấu mốc quan trọng trong sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp vũ khí chất lượng, là việc nước này phát triển máy bay chiến đấu J-20. Chiếc máy bay lần đầu tiên được chuyển giao cho Lực lượng Không quân Trung Quốc vào năm 2016, J-20 có khả năng tàng hình và hệ thống điện tử hàng không thế hệ thứ năm tiên tiến sánh ngang với F-35 của Mỹ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sở hữu rất nhiều J-10C, đây là máy bay chiến đấu “thế hệ 4+”, được đưa vào trang bị từ năm 2018 và đã được sản xuất trên quy mô rất lớn cho cả nhu cầu của Trung Quốc và để xuất khẩu sang Pakistan từ năm 2021.
Máy bay chiến đấu J-10C kế thừa rất nhiều các công nghệ được phát triển cho J-10 bao gồm vật liệu tổng hợp, hệ thống điện tử hàng không và khả năng tiếp cận với các loại vũ khí tương tự.
J-10C được coi là đối thủ cạnh tranh với F-35 cho danh hiệu máy bay chiến đấu một động cơ có năng lực chiến đấu cao nhất thế giới. Mặc dù thiếu khả năng tàng hình tiên tiến như của F-35, nhưng J-10C cho khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn nhiều so với F-35.
J-10C có nhu cầu bảo trì thấp hơn, độ tin cậy cao hơn và khả năng tiếp cận các loại tên lửa không đối không vượt trội cho cả các cuộc giao chiến trong tầm nhìn và ngoài tầm nhìn.
J-10C đã thể hiện rất xuất sắc khả năng chiến đấu trong các bài tập giao chiến mô phỏng và có thể giành chiến thắng trước các máy bay có kích thước lớn gấp đôi như J-16 và Su-35 của Nga.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, những chiếc J-10C có khả năng thay thế các máy bay Tornado của châu Âu, do chúng gần như lỗi thời và dự kiến sẽ nghỉ hưu vào cuối thập kỷ này.
Ả Rập Xê-út cũng được cho là đã thể hiện sự quan tâm lớn đến việc mua máy bay chiến đấu FC-31 của Trung Quốc, đây là máy bay thế hệ thứ năm có trọng lượng nhẹ hơn J-20, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào khoảng giữa thập kỷ này.
Một số dự đoán cho thấy, có khả năng FC-31 sẽ trở thành chiến đấu cơ chính trong phi đội máy bay chiến đấu của Ả Rập Xê-út, thay thế cho những chiếc F-15 được mua vào những năm 1980.
Ả Rập Xê-út quan tâm đến máy bay Trung Quốc sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đặt hàng máy bay huấn luyện chiến đấu L-15 của Trung Quốc vào năm 2021. Điều này cũng cho thấy UAE bắt đầu rời xa sự phụ thuộc an ninh vào các nước phương Tây, khi các mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh tiếp tục được củng cố.
Giống như những chiếc J-10C được chế tạo cho Pakistan, những chiếc J-10C do Trung Quốc sản xuất có thể được giao hàng trong một khoảng thời gian ngắn, mà không phải chịu những quy định ngặt nghèo về việc sử dụng vũ khí như mua vũ khí từ phương Tây.
Việc chuyển hướng mua sắm vũ khí của Ả Rập Xê-út phản ánh mối quan hệ giữa các quốc gia đang có sự thay đổi, Mỹ và phương Tây không còn là lựa chọn hàng đầu cũng như không thể gây sức ép lên các quốc gia khác được nữa.
LÊ HƯNG(Nguồn: Military Watch) / VTC News