Theo bài viết trên website của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace – CEIP) mới đây, Nga đang hoán đổi sự phụ thuộc từ đồng USD sang đồng NDT. Nếu quan hệ với Trung Quốc xấu đi, Nga có thể phải đối mặt với tổn thất dự trữ và gián đoạn thanh toán.
Việc phi USD hóa nền kinh tế, điều mà chính phủ Nga rất tự hào, về cơ bản được chuyển thành “NDT hóa”. (Nguồn: AP) |
Một trong những vấn đề lớn nhất mà Nga hiện phải đối mặt là quản lý các giao dịch ngoại thương. Các ngân hàng chính của Nga đã bị loại bỏ khỏi Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT).
Điều này khiến số lượng kênh giao dịch xuyên biên giới giảm mạnh, việc thực hiện các giao dịch bằng USD và Euro trở nên khó khăn hơn nhiều. Chính phủ Nga buộc phải tìm kiếm những cách thức mới để có thể thanh toán cho hàng xuất khẩu và nhập khẩu của mình.
Từ phi USD hóa sang NDT hóa
Chính phủ và các doanh nghiệp Nga đã cố gắng chuyển sang giao dịch bằng đồng Ruble, giao dịch hàng đổi hàng, thanh toán bằng tiền mặt, nhưng không thể tìm ra giải pháp toàn diện vào năm 2022. Các nỗ lực cũng đã chuyển rõ ràng sang tiền điện tử và thanh toán bằng đồng NDT. Điều này có nghĩa là kinh tế Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào đồng nội tệ của Trung Quốc, với tất cả những rủi ro mà sự thay đổi này mang đến.
Ngay từ trước cuộc xung đột với Ukraine, Ngân hàng trung ương Nga (BoR) đã đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ phương Tây, đặc biệt là đồng USD. Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt sau đó của phương Tây đã buộc các quan chức tài chính Nga phải đẩy nhanh những nỗ lực này.
Kết quả là vào quý III/2022, dự trữ ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng Nga đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 15%. Trong 9 tháng, tỷ lệ giao dịch bằng đồng USD và đồng Euro tại thị trường Nga đã giảm lần lượt từ 52% xuống 34% và từ 35% xuống 19%.
Tiền tệ của Mỹ và phương Tây trong thanh toán được thay thế bằng đồng Ruble và NDT, với mức tăng tương ứng là 12,3% lên 32,4% và 0,4% lên 14%. Thị phần của đồng NDT trong giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng tăng vọt, từ 3% lên 33%.
Năm nay, từ ngày 13/1 đến ngày 6/2, Bộ Tài chính Nga có kế hoạch bán ngoại tệ trị giá 54,5 tỷ Ruble bằng cách khai thác tài sản lưu động NDT dự trữ trị giá 3.100 tỷ Ruble, chiếm hơn 40% tài sản lưu động có thể phân phối trong Quỹ tài sản quốc gia.
Đó vẫn là một khoản tiền không đáng kể, chiếm chưa đến 3% trong lưu thông đồng NDT của Nga trong ba tháng qua. Tuy nhiên, động thái này sẽ làm giảm biến động của đồng Ruble.
Bộ Tài chính cũng sửa đổi cơ cấu thành phần tiền tệ của Quỹ tài sản quốc gia vào cuối năm 2022, tăng gấp đôi tỷ lệ tích lũy NDT lên 60%. Mọi khoản thu từ dầu khí thặng dư vào năm 2023 sẽ được tích lũy bằng đồng NDT.
Có thể thấy, việc phi USD hóa nền kinh tế Nga về cơ bản được chuyển thành “NDT hóa”. Một số chuyên gia cho rằng đây dường như không phải là một sự thay thế đáng tin cậy.
Giờ đây, các khoản dự trữ và thanh toán của Nga sẽ chịu ảnh hưởng bởi các chính sách của Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương). Nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, Nga có thể phải đối mặt với tổn thất dự trữ và gián đoạn thanh toán.
Giới phân tích vẫn tin rằng đồng NDT chưa thể trở thành một loại tiền dự trữ chính thức vì những hạn chế hiện tại đối với các giao dịch vốn ở Trung Quốc. Đồng tiền này chỉ chiếm 3% dự trữ tiền tệ toàn cầu, bị lu mờ bởi đồng USD (60%) và đồng Euro (20%).
Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Nga vào đồng NDT đang giúp Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu đưa đồng tiền này thành một đồng tiền dự trữ quốc tế. Tháng 10/2022, Nga trở thành trung tâm giao dịch NDT ở nước ngoài lớn thứ tư, mặc dù trước đó chỉ 6 tháng, nước này thậm chí còn không nằm trong top 15 quốc gia nước ngoài có lượng giao dịch đồng NDT lớn.
Các chính trị gia Nga đã tuyên bố sai lầm rằng sự mở rộng quốc tế của đồng NDT báo trước sự sụp đổ của đồng USD. Trên thực tế, quốc tế hóa đồng NDT cao hơn có nghĩa là Chính phủ Trung Quốc cần dự trữ nhiều USD hơn. Trung Quốc cần đồng tiền của Mỹ để hỗ trợ sự ổn định của đồng NDT trên các thị trường nước ngoài, chủ yếu là ở Hong Kong (Trung Quốc).
Theo đó, sức mạnh của đồng NDT với tư cách là đồng tiền dự trữ không làm suy yếu đồng USD. Đúng hơn là đồng NDT và đồng USD bổ sung cho nhau. Điều này có nghĩa là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể thực sự giúp Nga trong cuộc thập tự chinh chống lại đồng USD.
Nga càng phụ thuộc vào Trung Quốc
Hiện tại, Nga chỉ đang thử nghiệm thanh toán bằng tiền điện tử cho các giao dịch ngoại thương, nhưng Ngân hàng trung ương Nga có kế hoạch phát triển một mô hình thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Ruble kỹ thuật số (một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương) trong năm 2023.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Trung Quốc đang là đối tác khả dĩ duy nhất của Nga. Giao dịch kỹ thuật số của quốc gia này thông qua các nền tảng Alipay và WeChat Pay đạt 166.100 tỷ NDT vào năm 2019 (23.800 tỷ USD). Ngoài ra, Trung Quốc đã thử nghiệm nguyên mẫu tiền điện tử của ngân hàng trung ương E-CNY như là hình thức tiền thứ ba được sử dụng trong nước.
Tính đến mùa Thu năm 2022, khoảng 140 triệu người Trung Quốc đã có ví kỹ thuật số E-CNY và các giao dịch của họ đã vượt quá 62 tỷ NDT (9 tỷ USD). Là bên có công nghệ tiên tiến hơn, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập các quy tắc của riêng mình cho nền tảng này, qua đó hạ Nga xuống một vị trí kém quan trọng hơn.
Các nhà lãnh đạo Nga muốn nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác chiến lược chưa từng có giữa hai nước. Tuy nhiên, trên thực tế, sự hợp tác này khiến Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nga cung cấp một thị trường có mức thanh khoản khá tốt cho hàng hóa Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến quốc gia Đông Á trở thành đối tác thương mại chính của Nga. Các công ty Trung Quốc đang tham gia các chương trình nhập khẩu song song, cố gắng thay thế các công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga.
Ví dụ, 11 trong số 14 thương hiệu trên thị trường ô tô Nga là của Trung Quốc. Các sản phẩm của Trung Quốc chiếm 40% lượng hàng hóa nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022 và hiện chỉ có Triều Tiên phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc nhiều hơn Nga. Ngoài ra, hệ thống UnionPay của Trung Quốc là cách duy nhất để người Nga có thể sử dụng thẻ ngân hàng ở nước ngoài.
Trái ngược với kỳ vọng của Nga, Trung Quốc đã thất bại trong việc giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Trong tương lai, sự phụ thuộc kinh tế của Nga vào Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên, có nghĩa là Điện Kremlin sẽ buộc phải tính đến các lợi ích địa kinh tế của Trung Quốc và chấp nhận những bất lợi cho chính mình.
Văn Tuấn / Thế Giới & Việt Nam