Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc sẽ hạ cấp quản lý Covid-19 từ hạng A xuống hạng B từ ngày 8/1/2023. Theo đó, Bắc Kinh sẽ không áp dụng biện pháp kiểm dịch đối với nhân viên và hàng hóa nhập cảnh vào nước này, đồng thời sẽ không yêu cầu cách ly đối với hành khách nhập cảnh.
Theo thông báo được đưa ra ngày 26/12 của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), việc quản lý Covid-19 của Trung Quốc sẽ bị hạ cấp từ hạng A (cao nhất hiện nay) xuống hạng B (ít nghiêm ngặt hơn), trong bối cảnh căn bệnh này đã trở nên ít nguy hiểm hơn và sẽ dần dần phát triển thành một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường.
Cụ thể, về việc quản lý xuất nhập cảnh, hành khách nhập cảnh sẽ chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48h và khai báo sức khoẻ bình thường. Ngoài ra, khách nước ngoài sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế đặc biệt nào khi ở trong nước.
Tương tự, NHC cho biết xét nghiệm PCR hàng loạt khi đến nơi và kiểm dịch tập trung sẽ bị loại bỏ. Các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế cũng vậy, chẳng hạn như chính sách “Năm Một” – quy tắc theo đó một quốc gia chỉ có thể gửi một chuyến bay từ một hãng hàng không qua một tuyến mỗi tuần một lần. Tuy nhiên, các hành khách sẽ vẫn phải đeo khẩu trang trong quá trình di chuyển và trên máy bay.
NHC cho biết Trung Quốc cũng sẽ dần dần mở lại các cảng biển và đất liền. Và các hạn chế đối với việc đi ra nước ngoài sẽ được nới lỏng, theo đó, NHC cho biết công dân sẽ được phép ra nước ngoài “một cách có trật tự”.
Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm trên thực tế đối với công dân ra nước ngoài vì những lý do “không cần thiết”, đồng thời từ chối cấp lại hộ chiếu đã hết hạn. Sự thay đổi này có thể có tác động lớn đến thị trường du lịch quốc tế vốn đang thiếu khách du lịch Trung Quốc và tiền mặt của họ.
Song song với việc hạ cấp kiểm dịch, Trung Quốc sẽ chuyển qua tăng cường quy trình kiểm dịch tại các cơ sở quan trọng như cơ sở chăm sóc người già và thúc đẩy tiêm vaccine cho người cao tuổi lẫn người nguy cơ cao.
Quyết định hạ cấp quản lý dịch bệnh mới nhất này là bước cuối cùng của đất nước trong việc loại bỏ ba năm tuân thủ chính sách “zero-Covid” nghiêm ngặt để chuyển sang giai đoạn sống chung với virus.
Ba năm áp dụng các biện pháp không khoan nhượng, từ đóng cửa biên giới đến phong tỏa thường xuyên, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch cũng tạo sức ép mới lên hệ thống y tế Trung Quốc khi số ca nhiễm mới mỗi ngày đều tăng vọt, trong khi NHC mới đây cũng tuyên bố sẽ ngừng công bố số liệu về số ca mắc và tử vong hàng ngày do không thể xác nhận độ tin cậy về số liệu chính xác.
NHC cho biết, để đối phó với hậu quả của việc thay đổi chính sách, Bắc Kinh đặt mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm chủng cho người già, tăng cường dự trữ thuốc và năng lực chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện, đồng thời tăng cường công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát ở các vùng nông thôn.
Trung Quốc sẽ duy trì hàng trăm bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, một số cơ sở kiểm dịch này sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện được chỉ định để điều trị cho những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, theo NHC.
Trung Quốc là quốc gia lớn cuối cùng tiến tới coi Covid-19 là dịch bệnh đặc hữu. Các biện pháp phòng dịch của nước này đã khiến nền kinh tế trị giá 17.000 tỷ USD bị hạ xuống mức tăng trưởng thấp nhất trong gần nửa thế kỷ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
Minh Ý / Vietnamfinance
Theo Nikkei Asia, SCMP, Reuters