Cựu Thượng nghĩ sĩ Bob Kerrey lên tiếng sau những ý kiến trái chiều về việc lựa chọn ông (từng tham gia cuộc thảm sát ở Bến Tre năm 1969) làm Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam.
Quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) được trao trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barrack Obama tới Việt Nam được xem là một dấu mốc phát triển quan hệ hai nước. Tuy nhiên, việc lựa chọn ông Bob Kerrey – người từng tham gia vụ thảm sát năm 1969 tại Bến Tre – làm Chủ tịch FUV đang gây tranh luận tại Việt Nam và Mỹ.
Tờ Financial Times dẫn lời Thái Bảo Anh, một luật sư Việt Nam, người từng được học bổng Fulbright đi Mỹ năm 2003 nói: “Tôi biết ông Kerrey muốn hàn gắn các nỗi đau chiến tranh, của cả ông ấy và người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tôi phân vân là liệu ông ý có bao giờ tự hỏi bản thân về việc bổ nhiệm này có mở toang một vết thương cũ trong lòng người Việt hay không?”.
‘Tôi đã đối mặt với quá khứ một cách thành thật’
Trả lời Financial Times, ông Bob Kerrey cho biết: “Tôi đã đối mặt với quá khứ một cách trực diện và thành thật. Tôi đã gây ra những điều kinh khủng và tôi sẽ phải sống chung với tội lỗi này suốt cả cuộc đời. Nhưng tôi không muốn chìm đắm trong quá khứ. Tôi vẫn tiếp tục vươn lên và cố gắng làm những điều có thể giúp đỡ Việt Nam để xây dựng tương lai tốt hơn”.
Tham gia dự án về trường Fulbright từ những ngày đầu, năm 1991, tuy nhiên ông Bob Kerrey khẳng định, sẵn sàng rút lui nếu cần thiết.
Trước những dư luận trái chiều tại Việt Nam, trả lời Vietnamnet sáng nay, ông Bob Kerrey cho rằng, ông không mong đợi nhưng cũng không ngạc nhiên khi quyết định này gây tranh cãi. Những chỉ trích có thể đến ngay cả khi cá nhân ông được giao vị trí thấp hơn ở FUV.
Bob cũng giải thích thêm, chức danh Chủ tịch Đại học Fulbright ở Việt Nam nghe có vẻ to tát nhưng bản chất thực sự của công việc này là người đóng vai trò chính trong việc gây quỹ cho trường.
“Tất cả những gì tôi có thể làm được là ủng hộ hết mình ban lãnh đạo người Việt Nam để cùng xây dựng một cơ sở đào tạo xuất sắc, trước hết là hỗ trợ vận động gây quỹ. Chúng tôi sẽ cần xây trường, cung cấp học bổng hỗ trợ cho sinh viên và giúp cho FUV bền vững về mặt tài chính”, ông nói.
Chia sẻ với Zing.vn, Bob Kerrey cho biết: “Có rất nhiều người có năng lực hơn tôi. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi đã nhận được lời đề nghị và chấp thuận để trở thành Chủ tịch FUV”.
Theo Bob Kerrey, tất cả những gì ông có thể làm hiện nay là hỗ trợ Hiệu trưởng Đàm Bích Thủy trong nỗ lực xây dựng một ngôi trường tuyệt vời.
“Tôi sẽ cảm thấy vô cùng an ủi và hạnh phúc về những nỗ lực của mình để giúp người dân Việt Nam khi đến một ngày một người xứng đáng hơn được chọn để thay thế tôi”, Bob Kerrey nói.
Trả lời Vietnamnet sáng nay, vị Chủ tịch FUV cũng cho biết: “Tôi sẽ vui mừng mà rút lui nếu tôi tin rằng sự có mặt của tôi đặt sự phát triển của ngôi trường này vào tình thế khó khăn”.
“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều duy nhất chúng ta có thể thay đổi là tương lai cho dù điều đó làm ta đau đớn đến đâu”, ông Bob Kerrey nói.
FUV: ‘Bob Kerrey xứng đáng đứng đầu’
Ben Wilkinson, Giám đốc Điều hành Quỹ Sáng kiến Đại học Việt Nam (TUIV), đơn vị chịu trách nhiệm huy động vốn để đầu tư cho FUV nói trên Financial Times ông ủng hộ sự cố gắng của Kerrey. Kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đại học của Kerrey và nỗ lực hàn gắn từ cả 2 nước Việt Nam và Mỹ khiến ông “xứng đáng” để đứng đầu ĐH Fulbright Việt Nam.
Ông Thomas Vallely, Chủ tịch TUIV cho biết trên Vietnamnet, rằng đơn vị này “đã cân nhắc kĩ trước khi chọn Bob Kerrey cho vị trí này và tin rằng ông ấy xứng đáng”. Việc lựa chọn Bob Kerrey, theo ông Thomas Vallely “không phải là một bất lợi cho FUV mà ngược lại”.
“Theo nhận định của quỹ tín thác, một dự án trường đại học mới như FUV rất cần tuýp người như Bob”, Thomas Vallely nói.
Vị lãnh đạo quỹ tín thác lý giải về sự phù hợp của Bob Kerrey cho vị trí Chủ tịch FUV. Yếu tố đầu tiên quan trọng nhất, theo Thomas Vallely là sự đóng góp lâu dài và nhiệt thành của Bob Kerrey cho quan hệ Việt – Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước. Yếu tố thứ hai chính là kinh nghiệm lâu dài của Bob Kerrey trên tư cách một nhà lãnh đạo giáo dục, trong đó có 10 năm làm Chủ tịch Đại học New School.
Cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey vừa được lựa chọn làm chủ tịch HĐQT ĐH Fulbright ở Việt Nam. Ông từng là thượng nghị sĩ của bang Nebraska và là ứng viên chạy đua vào vị trí tổng thống Mỹ năm 1992.
Trong chiến tranh Việt Nam, Kerrey là một đại uý hải quân và từng liên quan một trong những vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong của Bến Tre vào năm 1969. Mọi việc chỉ được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2001.
Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes II” của CBS, Kerrey nhận trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào.
Hoàng An
Theo Zing