Sở GTVT TP.HCM đề xuất các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ xây dựng kế hoạch khảo sát thực trạng sử dụng xe mô tô, xe gắn máy.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa đề nghị Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.
Sở GTVT cho biết đơn vị này đang nghiên cứu, đề xuất thành phố xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cần thiết phải kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy nhằm từng bước tiến tới quản lý, giảm thiểu ô nhiễm do khí thải phương tiện cơ giới gây ra.
Sở GTVT đề nghị 2 đơn vị trên phối hợp, hỗ trợ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe máy tại một số điểm như đại lý phục vụ bảo dưỡng trong nội thành và ngoại thành.
Đơn vị khảo sát sẽ thống nhất nội dung chi tiết, thời gian, biểu mẫu, hình thức thực hiện trước khi đề xuất những giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này.
Hiện, TP.HCM có gần 7,9 triệu phương tiện, trong đó hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy (chiếm khoảng 95%). Số lượng xe máy tiêu thụ 50% xăng (không tính diesel) nhưng thải ra cỡ 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Hôm 9/10, Trung tâm Quan trắc môi trường TP HCM công bố khí thải từ xe máy, ôtô là một trong 3 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở TP HCM. Việc kiểm soát được khí thải góp phần đáng kể giúp giảm ô nhiễm không khí cho thành phố đông dân nhất nước.
Hiện Thông tư 70/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có mức tiêu chuẩn khí thải rất thấp và chỉ áp dụng được với ôtô đang lưu hành, chưa có tiêu chuẩn đối với xe máy. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 lại chỉ áp dụng đối với xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới chứ không phải với xe lưu thông trên đường.
Tuy nhiên, nói về vấn đề này, trao đổi với báo Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho rằng, “Kế hoạch này chỉ là lý thuyết suông, không liên quan gì đến thực tiễn xã hội”.
Ông cho biết, cách chống ô nhiễm tốt nhất là bỏ ô tô, xe máy, động cơ đốt trong, thay thế bằng phương tiện khác và đương nhiên điều này không thể xảy ra.
Vấn đề khí thải đã tồn tại hàng thế kỷ và trong tình hình hiện nay nên vị chuyên gia, việc kiểm soát khí thải đối với xe 2 bánh – đồng nghĩa với việc hạn chế những xe cũ, là vô phương và chỉ gây… mất thì giờ bởi xe máy là cần câu cơm của người lao động.
74% dân số TP.HCM kinh doanh cá thể, đặc biệt những năm gầy đây đã rộ lên dịch vụ xe công nghệ với những Grab, GoViet, Be… Công nhân làm nhà máy lương thấp bỏ việc ra chạy xe công nghệ; sinh viên ra trường không có việc làm cũng chạy xe công nghệ…
Dù không còn nhớ số liệu chính xác, nhưng theo một tài liệu PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nghiên cứu từ cách đây hơn chục năm, xe máy thải ra lượng khí thải lớn hơn so với ô tô. Tuy nhiên, xe máy hiện nay tràn ngập, theo ông, là kết quả tất yếu của việc thiếu một tầm nhìn lâu dài.
Ông cũng bày tỏ lo ngại, khi xe máy vẫn đang là phương tiện mưu sinh của đa số người dân, việc kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý trong xã hội và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.
Chưa kể, nguyên nhân gây ô nhiễm TP.HCM không chỉ do hoạt động giao thông, mà còn từ công nghiệp và xây dựng, trong khi TP chưa chú ý đến các giải pháp để giảm ô nhiễm từ hai hoạt động sau.
P.V (tổng hợp)
Theo Môi Trường Đô Thị