Nổi lên từ chương trình Cặp đôi hoàn hảo, nhưng so với thời điểm cách đây 3 năm, những gì khán giả nhận thấy ở Trấn Thành là hài nhảm, ăn nói bắt đầu tào lao và ngạo mạn.
Tô Ánh Nguyệt chỉ là giọt nước tràn ly?
Sau 6 tháng mang tiểu phẩm hài Tô Ánh Nguyệt Remix biểu diễn ở hải ngoại, chiều 16/5, Sở VHTT&DL thành phố Hồ Chí Minh mới ra quyết định xử phạt nghệ sĩ Trấn Thành và hai diễn viên liên quan là NSND Ngọc Giàu và Anh Đức. Theo đó, có 3 mức phạt dành cho Trấn Thành- với vai trò vừa viết kịch bản chuyển thể và diễn chính là 32,5 triệu đồng.
Cụ thể: Ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật mà không có giấy phép (phạt tiền 17,5 triệu đồng), làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (phạt tiền 7,5 triệu đồng), xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (phạt tiền 7,5 triệu đồng). Còn NSND Ngọc Giàu và Anh Đức bị phạt 15 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên Trấn Thành nhận án phạt nặng đến vậy. Không biết có mối liên hệ nào không mà cùng với quyết định này cũng là lúc người ta thấy anh nhập viện vì kiệt sức và stress trong công việc.
Chỉ tính riêng các chương trình truyền hình từ đầu năm đến giờ, Trấn Thành gần như “chiếm lĩnh” các gameshow. Tính sơ sơ cũng có cỡ chừng hàng chục chương trình, như: Thách thức danh hài, Ơn giời cậu đây rồi, Cười xuyên Việt, Đấu trường tiếu lâm, Vietnam’s got talent, Đàn ông phải thế, Song đấu… Đó là chưa kể đến việc anh làm phim, quảng cáo, dự các sự kiện.
Nổi lên từ chương trình Cặp đôi hoàn hảo cách đây 3 năm, Trấn Thành nhanh chóng được yêu thích nhờ vào khả năng hoạt ngôn, phản ứng nhanh, thông minh, dí dỏm. Nhưng cùng với sự bùng nổ của các gameshow giải trí, từ vị trí người chơi, Trấn Thành “leo” lên hàng ghế giám khảo, làm MC ở hầu hết các chương trình mà ở đó, vai trò và sự đóng góp của nghệ sĩ này chỉ “nói dựa” là nhiều.
Ngay ở vở diễn “Tô Ánh Nguyệt Remix”, khán giả khó tìm được nét duyên hài của Trấn Thành như những ngày đầu. Các mảng miếng chủ yếu đi vào lối mòn là lấy cái “tục” để gây cười. Một số chương trình bắt đầu thế hiện sự… tào lao, nghĩ sao nói vậy.
Trong nghề, các nghệ sĩ gọi là sự “cạn vốn”, “ăn đong”, là “hề nhời”, mà diễn hài đỉnh cao phải có trò, có nội dung. Thế nhưng điều đó không còn nhìn thấy ở Trấn Thành- vốn được coi là “tuổi trẻ tài cao” từ những ngày đầu.
Ở vai trò giám khảo, sự đóng góp của Trấn Thành lại càng thiếu tương xứng với sự nổi tiếng vượt trội của anh. Có vẻ như, các nhà sản xuất chỉ cần có một ngôi sao ngồi đó để thu hút người xem, còn việc anh ta nói gì, “múa may” thế nào là điều có thể châm chước được.
Anh nói nhịu từ “giao hưởng hợp xướng” thành “giao hợp hưởng sướng” (Vietnam’s Got talent); hay vô tư đến buông tuồng khi ví von con chó của người chơi với đàn chị Việt Hương là “vừa giỏi và giống Việt Hương như hai chị em vì “vừa đen, vừa cột tóc cao” (chương trình Song đấu phát trên VTV3).
Thế nhưng, bất chấp những lần vạ miệng, độ phủ sóng của Trấn Thành vẫn không hề suy giảm.
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
Như “đứa con” được nuông chiều quá đà, Trấn Thành liên tục được các đơn vị sản xuất mời chào liên tục nên cũng bắt đầu ngạo mạn trong phát ngôn và biểu cảm trên sóng truyền hình.
Điều đó không khỏi khiến khán giả liên tưởng đến dấu hiệu của một nghệ sĩ không biết mình biết người, luôn đặt tâm thế bề trên khi nhận xét. Phong thái cũng rất khệnh khạng, thiếu sự chuẩn mực cần thiết khi ngồi trên sóng truyền hình quốc gia.
Trong chương trình X-Factor ngày 15/5 trên kênh VTV3, có một chi tiết rất nên được soi chiếu vào hành vi ứng xử của các nghệ sĩ trẻ hiện nay. Khi nghe thí sinh Nguyễn Đình Nhân hát bài “Người đàn bà hóa đá” của cố nhạc sĩ Trần Lập, anh bị bộ tứ giám khảo chê là chưa tới, xuống phong độ so với vòng đầu tiên.
Khi “cân não” để cho thí sinh này quyền đi tiếp hay không, Diva Thanh Lam đã cho thí sinh này tự nhận xét về phần trình diễn của mình. Trái với việc “xin” được ở lại, Nguyễn Đình Nhân thành thật nói rằng, “hôm nay em diễn chưa được tốt nên thấy mình chưa đủ xứng đáng để ngồi vào chiếc ghế kia”.
Thanh Lam nói rằng, “chính câu nói của em đã khiến chị quyết định cho em ở lại. Vì với một nghệ sĩ trẻ thì sự khiêm tốn và nhìn thấu được bản thân là điều rất quan trọng để đi được đường dài”.
Trong khi đó, với lỗi được cho là thiển cận, thiếu sự nhạy cảm khi chọn một vở cải lương kinh điển để “xuyên tạc”, các nghệ sĩ cải lương gạo cội như NSƯT Kim Tử Long, Trần Ngọc Giàu- Giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang đều “sốc” và phản ứng gay gắt trước cách làm mới của Trấn Thành thì anh có vẻ khá miễn cưỡng khi nhận ra cái sai của mình.
Trả lời trên báo Thanh Niên, nam nghệ sĩ hài cho rằng: “Trấn Thành cảm nhận mình làm chưa khéo, còn sai và đúng không bao giờ có định nghĩa chính xác, chỉ là nó phù hợp với người nào mà thôi. Tôi không bao giờ dùng từ tôi “sai” hay tôi “đúng”.
Tôi nhận lỗi là mình không khéo léo và phương thức làm chưa đúng để người ta có thể cảm nhận một cách đúng nhất. Còn chuyện phản cảm, tôi nghĩ những mảng miếng hài bình thường của mình khi đặt vào nhân vật Tô Ánh Nguyệt thì lại vô tình gây phản cảm chứ những điều đó không quá phản cảm trong một vở diễn hài”.
Đến máy móc cũng cần phải nghỉ ngơi để có sức bền huống chi là công việc của người nghệ sĩ vốn liên quan nhiều đến cảm xúc. Nếu không có sự ngưng nhất định để tái tạo, để dung nạp thêm kiến thức và kỹ năng cho mình thì “người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”.
Và hậu quả là những án phạt như mới đây hẳn không phải là lần cuối cùng, nếu anh vẫn còn để mình tiếp tục làm việc trong tình trạng kiệt sức thì mới chịu nghỉ.
Minh Nhật
Theo Gia đình & Xã hội