Tại Indonesia, mọi thứ dường như không phủ màu hồng với Uber cùng đối thủ chính là Grab.
Trung Quốc đang thúc giục triển khai dự thảo quy định mới cho các ứng dụng taxi như Uber và Didi Kuaidi. Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Indonesia lại yêu cầu cấm các dịch vụ này sau vụ biểu tình lớn của các tài xế taxi nước này.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Trung Quốc Dương Truyền Đường nói với phóng viên về việc lên kế hoạch điều chỉnh thị trường đang phát triển nhanh này. Kế hoạch nhằm giúp các tài xế của các ứng dụng có thể cùng tồn tại với tài xế taxi truyền thống.
Điều này bao gồm việc cấp giấy phép khác nhau cho các tài xế Didi Kuaidi, cho phép xe ô tô tư nhân được đón hành khách. “Sau khi được chấp thuận thành phương tiện giao thông qua một số thủ tục, xe tư nhân sẽ được phép tham gia vào hoạt động dịch vụ vận tải.”
Các cơ quan Trung Quốc đã nghiên cứu nhiều kế hoạch trong suốt một năm qua. Chủ đề này hiện vẫn còn gây tranh luận sôi nổi giữa các nhà lập pháp nước này.
Người đứng đầu bộ phận dịch vụ vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải, Lưu Hiểu Minh nói trong một cuộc họp báo: Các thành phố lớn nên ủng hộ cho mạng lưới giao thông công cộng đề tránh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường đông đúc.
Hiện thị trường Trung Quốc đang bị thống trị bởi Didi Kuaidi – kết quả của việc sáp nhập 2 ứng dụng cho đi nhờ xe phổ biến của địa phương. Thương hiệu này được cho là chiếm 87,2% thị trường so với đối thủ Uber. Để cạnh tranh, Uber tiêu tốn trên 1 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc.
Chừng nào còn tiền, Uber sẽ còn mải miết thu hút khách hàng, mở rộng thị phần ở Trung Quốc. Didi Kuaidi ước tính thị trường đi nhờ xe tại nước này có giá trị 50 tỷ USD vào năm 2020.
Uber và Grab có thể đối mặt với việc bị cấm ở Indonesia
Nhưng tại Indonesia, mọi thứ dường như không phủ màu hồng với Uber cùng đối thủ chính là Grab. Theo tờ Jakarta Post, Bộ Giao thông vận tải cho biết những ứng dụng này đang vi phạm một số điều luật. Đồng thời, họ cũng lo lắng về an toàn và riêng tư của người dùng khi đi nhờ xe thông qua các ứng dụng này.
Cá nhân các lái xe của Uber hay Grab đều hoạt động bên ngoài luật định. Do đó, Bộ GTVT cho rằng các dịch vụ vận tải công cộng chỉ có thể được cung cấp bởi một thực thể pháp lý. Những công ty ứng dụng đều không có giấy phép tại các nước để điều hành dịch vụ vận tải như vậy.
Bộ GTVT cũng nói rằng họ đang thảo luận các vấn đề với những lãnh đạo CNTT. Họ cũng sẽ có động thái ngăn chặn hoàn toàn các ứng dụng nếu nhận thấy chúng vi phạm luật pháp của Indonesia.
Nếu lệnh cấm được thông qua, nó sẽ trở nên mâu thuẫn với tuyên bố gần đây của Uber về việc thương hiệu này được cho phép hoạt động chính thức về mặt pháp lý tại Indonesia. Phát ngôn viên của công ty từ chối bình luận về phát biểu gần đây của Bộ trưởng Bộ GTVT. Tuy vây, tuyên bố trước đó của công ty lại được xác nhận bởi Thống đốc Jakarta.
Giám đốc Grab tại Indonesia, Ridzki Kramadibrata nói rằng công ty ông là có đầy đủ căn cứ pháp lý tại Indonesia, và họ “chủ động liên lạc với chính phủ” trong các vấn đề.
Ông nhấn mạnh rằng công ty mình không phải là hãng vận tải, mà chỉ là công ty công nghệ cung cấp dịch vụ để kết nối tài xế và hành khách. Lý do này cũng từng được Uber sử dụng để biện hộ trước đó nhằm khiến các ứng dụng đi nhờ xe nằm ngoài khung pháp lý của vận tải truyền thống. Điều này cũng khiến cho nhà làm luật của Indonesia nghĩ cách để ban hành quy định mới có thể phủ hết các dịch vụ kỹ thuật số như hiện nay.
Lập trường “thù địch” của ngài Bộ trưởng diễn ra chỉ một ngày sau khi 2,000 tài xế taxi và xe bus biểu tình lớn tại trung tâm Jakarta để phản đối các ứng dụng làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Nhiều cuộc biểu tình khác diễn ra xung quanh Jakarta trong cùng ngày. Các tài xế ở đây đều đeo băng tay màu đen biểu tượng cho “cái chết” của các dịch vụ giao thông công cộng tại Indonesia.
Theo Trí Thức Trẻ