Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có vốn điều lệ là 10 tỉ đồng. Góp vốn chỉ là 3 người phụ nữ, trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Qua 16 năm hoạt động, TNMU đã có 600 cơ sở, đại lý với hàng ngàn thành viên (!?)
Tỉnh Kon Tum đang đề nghị Ban chỉ đạo 389 quốc gia mở chuyên án điều tra khi hàng trăm hộ dân mua hàng công ty TNMU có dấu hiệu bị lừa đảo.
Ba phụ nữ góp vốn 10 tỉ
Theo hồ sơ PV, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Cty TNHH TNMU có tên nước ngoài là Thiên Ngọc Minh Uy Company Limited, viết tắt là Thiên Ngọc CO.,LTD. Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi đến 15 lần, lần gần nhất là vào ngày 10.7.2015.
Bà Y Đinh (huyện Đắk Glei, Kon Tum) với hợp đồng mua hàng là máy ozon giá 10,7 triệu đồng.
Điều đáng nói, số vốn điều lệ của Cty này là 10 tỉ đồng với 3 thành viên góp vốn là nữ. Cụ thể bà Lê Thị Phương Thảo (trú 12/2 cư xá Lữ Gia, phường 15, Q.11, TP. Hồ Chí Minh) góp vốn 5 tỉ, tương đương 50%. Hai người còn lại góp vốn 2,5 tỉ tương đương 25% là Nguyễn Thị Xuyến (Đội 10, xã Hà Châu, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) và bà Lâm Nữ (63/6A Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, Q.Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh).
Người đại điện theo pháp luật của công ty là bà Lâm Nữ với chức danh “Giám đốc”, người Hoa, sinh ngày 15.10.1984, tức 32 tuổi. Còn trụ sở chính thì đặt tại số A6/D11+A7D11/Đồng Bông, P.Dịch Vọng Hậu. Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Nghề nghiệp, trình độ của ba người góp vốn cũng không được nêu rõ trong các giấy tờ liên quan.
Tại công ty Thiên Ngọc Gia Lai (công ty con của TNMU), nhân viên Bùi Thị Bích (SN 1986) rêu rao: “công ty TNMU thành lập năm 2000, hoạt động được 16 năm với trên 600 cơ sở, đại lý toàn quốc. Tây Nguyên có 35 cơ sở, riêng Gia Lai là 3 với trên 700 thành viên/cơ sở”. Tuy nhiên, năm 2006, Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội mới cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty này.
Cần mở chuyên án điều tra
Tại Kon Tum, 152 hộ dân ở huyện Đắk Glei mua hàng của công ty TNMU với giá trên trời như: Áo lót nữ 10,7 triệu đồng, hai chiếc nồi áp suất 11,7 triệu đồng, máy ozone 10,7 triệu đồng hay bốn gói càphê giá 36, 6 triệu đồng… trong khi giá thị trường chỉ từ 200.000 – 2 triệu đồng/sản phẩm. Nhân viên công ty “hứa hẹn” sau hai năm thì sẽ trả thưởng 40 triệu đồng/sản phẩm. Số liệu từ CCQLTT Kon Tum, tại huyện này, tổng giá trị hàng hóa mà người dân đã mua là hơn 1,1 tỉ đồng, có trường hợp mua đến 260 triệu đồng.
Trong hợp đồng giữa công ty TNMU và người mua hàng mà PV tiếp cận, không có một dòng chữ nào ghi “trả thưởng 40 triệu” mà chỉ ghi “Cách thức tính tiền hoa hồng, tiền thưởng… mà bên B (mua hàng) nhận được từ việc tiếp thị bán hàng của mình của chuyên viên kinh doanh cấp dưới do mình tổ chức được quy định tại “Chương trình trả thưởng”. Điều lạ, địa chỉ công ty TNMU đã đổi sang số 15/ngõ 251 phố Mai Dịch, P. Mai Dịch, Q.Cầu Giấy (Hà Nội), người đại diện là Giám đốc có tên Trung Quốc – Peng Hai Tao.
Công văn 2641UBND-KTN của tỉnh Kon Tum nêu rõ, tỉnh này có 4.170 người tham gia vào các loại mô hình đa cấp với 9 huyện, thành phố như Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà, Đắk Glei, Kon Rẫy, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Sa Thầy và TP. Kon Tum. Trước những dấu hiệu bất minh, tỉnh Kon Tum đã đề xuất Ban chỉ đạo 389 quốc gia mở rộng chuyên án điều tra các đường dây, ổ nhóm kinh doanh đa cấp chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tại Kon Tum, công ty TNMU liên tục bị xử phạt khi bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phạt 42 triệu đồng bởi hành vi: Tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo mà không thông báo đến Sở Công Thương tỉnh; thực hiện không đầy đủ báo cáo định kỳ; ký kết hợp đồng với người tham gia bán hàng đa cấp không thể hiện thông tin đầy đủ theo quy định; cấp thẻ thành viên chưa đúng mẫu.
CCQLTT Kon Tum cũng xử phạt 2 đại lý ký gửi hàng hóa của công ty TNMU với số tiền 56,7 triệu đồng do vi phạm như: Hàng hóa bán tại cửa hàng có nhãn nhưng không ghi các nội dung bắt buộc theo quy định, người tham gia bán hàng đa cấp không tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động và chương trình bán hàng.
Còn tại Gia Lai, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường – Lê Hồng Hà – cho biết, công ty Thiên Ngọc Gia Lai chính là công ty Thiên Ngọc 3 bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ủy quyền CCQLTT xử phạt 240 triệu đồng trước đó.
Lỗi vi phạm là kinh doanh hàng hóa có điều kiện (thực phẩm chức năng) nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; không tuân thủ quy định trong quy tắc hoạt động và chương trình bán hàng đa cấp đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Sau khi bị xử phạt 240 triệu đồng, Cty Thiên Ngọc 3 đã đổi địa chỉ 199F/Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku, Gia Lai sang 844/Trường Chinh, tổ 1, P. Chi Lăng, TP. Pleiku và lấy tên là Thiên Ngọc Gia Lai.
Trao đổi với PV, trung tá Trần Ngọc Anh – Trưởng phòng Tham mưu (CA tỉnh Gia Lai) cho biết, Công an tỉnh đang chỉ đạo cho các đơn vị công an địa phương khẩn trương điều tra, rà soát các hoạt động đa cấp trên địa bàn.
Đình Văn
Theo Lao động