Lãnh đạo CITES cho biết, từ 2007 đến nay, Việt Nam đã cấp phép nhập 40 cá thể tê giác trong cả nước, trong đó 3 cá thể được ghi nhận đã chết.
Ông Vương Tuấn Mạnh, Phó giám đốc CITES Việt Nam cho biết từ năm 2007 đến nay, cơ quan này đã cấp phép cho nhập 40 cá thể tê giác vào Việt Nam.
CITES cũng ghi nhận đã có 3 cá thể tê giác bị chết và không có tê giác nào chết vài tháng trở lại đây. Các đơn vị nhập tê giác trong cả nước cũng không có báo cáo nào mới về việc tê giác chết.
“Nếu có tê giác chết, theo quy định, các vườn thú phải báo ngay cho chính quyền để phân loại, xử lý, lập hội đồng đánh giá… Quy định rất chặt chẽ”, đại diện CITES nói.
Ông Mạnh cho biết, đơn vị nhập nhiều tê giác vào Việt Nam nhất là công ty vườn thú Mỹ Quỳnh, với 14 cá thể.
Theo Tuổi Trẻ, do cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện nên trước đây khi nhập số tê giác này về, vườn thú Mỹ Quỳnh đã gửi chúng cho một đơn vị ở TP HCM giữ, sau đó mới đưa về cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An vào cuối tháng 10/2015.
Ngày 21/12/2015, 14 con tê giác cùng với 6 con hổ và 8 con sư tử từ vườn thú Mỹ Quỳnh đã được Chi cục Kiểm lâm Long An cấp phép di chuyển về Phú Quốc.
Hiện tại vườn thú Mỹ Quỳnh vẫn còn 2 con hổ trắng, 2 con tê giác và 1 con sư tử.
Trước đó, trao đổi với công viên nước Củ Chi (công ty TNHH Xây dựng thương mại Dịch vụ Đặng Vinh làm chủ đầu tư), đại diện phòng kinh doanh cho biết hiện có khoảng 70 loài động vật với 500 cá thể động vật được nuôi, phục vụ du khách tham quan tại công viên nước Củ Chi. Trước đây công viên có nuôi tê giác nhưng hiện nay đã gửi cho một đơn vị khác nuôi.
Ở khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), ông Dương Thành Phi, giám đốc vườn thú khu du lịch Đại Nam, cho biết hiện nay Đại Nam đang có 58 loài động vật với hơn 600 cá thể được chăm sóc, nuôi dưỡng với những qui định nghiêm ngặt nhằm đảm bảo sức khỏe cho động vật cũng như an toàn cho nhân viên và khách du lịch.
Khách du lịch tham quan vườn thú chiếm 70% lượng khách tham quan tổng thể khu du lịch Đại Nam. Hiện khu du lịch đang có nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, sư tử, linh trưởng, gấu và tê giác.
Cũng theo ông Phi, khu du lịch Đại Nam là vườn thú sở hữu tê giác đầu tiên trong hiệp hội các vườn thú ở Việt Nam. Hiện nay khu du lịch đang chăm sóc 5 cá thể tê giác.
Về vấn đề trao đổi thú giữa các vườn thú trong nước, ông Phi thông tin trước giờ chỉ có vài lần trao đổi thú với vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) và chưa có cơ hội trao đổi thú với Vinpearl Sarafi Phú Quốc.
Thảo Cầm Viên, được xem là vườn thú lâu đời nhất cả nước, cũng đang nuôi 2 tê giác. Theo ông Phạm Văn Tân, Phó tổng giám đốc phụ trách Thảo Cầm Viên, 2 con tê giác này được nhập từ Nam Phi cách đây 5 năm. Hiện tại hai con tê giác này vẫn đang nuôi, chăm sóc ở Thảo Cầm Viên.
Hiện Thảo Cầm Viên có hơn 1.100 cá thể động vật của hơn 150 loài đang được nuôi, chăm sóc. Trong năm qua, nhiều loài động vật sinh sản thêm các thế hệ F1, F2 như hổ trắng, hổ vàng, linh trưởng…
Đại diện vườn thú của khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội) cho biết, đang nuôi 4 con tê giác phục vụ tham quan, tìm hiểu động vật hoang dã của du khách. Bốn con tê giác được mua và vận chuyển từ Nam Phi năm 2012.
Cả đại diện của CITES và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam đều cho rằng, việc mượn, trao đổi thú giữa các vườn thú không vì mục đích thương mại là hoạt động bình thường.
Phó giám đốc CITES, ông Vương Tiến Mạnh cho biết, mọi hoạt động trao đổi giữa các vườn thú theo luật định phải có giám sát của lực lượng kiểm lâm. Các vườn thú phải đăng ký về tình trạng chăm sóc, nuôi nhốt… với kiểm lâm địa phương.
Theo Zing