Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi, TP.HCM) sử dụng công nghệ cũ, ảnh hưởng đến môi trường, trong khi các dự án mới lại chưa thể triển khai ngay lúc này.
Chạy xe máy trên đường Tam Tân (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi), anh Lương Văn Thái đã phải dùng tay bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc dù anh đã đeo 2 chiếc khẩu trang. Mùi hôi thối khó chịu này xuất phát từ Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc nằm tại xã Phước Hiệp
Bà Lê Ngọc Dung (62 tuổi, ngụ xã Phước Hiệp) cho biết, bà ở khu vực này đã 40 năm và bà đã quen “sống chung với rác”. Mỗi ngày, hàng trăm xe chở rác chạy qua con đường Tam Tân nên người dân cũng dần phải thích nghi với mùi hôi.
“Bãi rác thì phải hôi rồi. Người dân vất vả nhất khi gió thổi mạnh. Gió thổi về hướng nào, người dân khu vực đó phải chịu”, bà Dung nói.
Theo ghi nhận của PV VTC News, khu vực xử lý rác thải, nước thải nằm tại xã Phước Hiệp rộng 687 hecta. Mỗi ngày, khu xử lý chất thải này xử lý khoảng hơn 3.000 tấn rác trên tổng số hơn 10.000 tấn rác thải phát sinh tại TP.HCM mỗi ngày. Hơn 7.000 tấn rác còn lại được xử lý tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.
Đây được xem là bãi rác lớn nhất ở TP.HCM.
Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc chính thức hoạt động từ năm 2003 vận hành bởi nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, Công ty CP Vietstar, Công ty TNHH Quốc Việt…Do hoạt động đã 20 năm nên công nghệ xử lý rác của các doanh nghiệp cũng tương đối cũ kỹ.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Môi trường và Đô thị TP.HCM vẫn đang áp dụng công nghệ chôn lấp và tiếp nhận chất thải đã qua xử lý từ các doanh nghiệp hoạt động trong khu. Công ty Vietstar áp dụng phương pháp sàng lọc, phân loại, ủ phân compost và tái chế hạt nhựa. Công ty Quốc Việt là đơn vị xử lý nước thải…
Đại diện một doanh nghiệp trong Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc cho hay, công suất xử lý rác của doanh nghiệp này và một số doanh nghiệp khác trong khu đã quá tải. Doanh nghiệp mong muốn được nhanh chóng triển khai dự án mới hiện đại hơn.
Bà Trần Thị Hạnh, chuyên gia môi trường tại TP.HCM chia sẻ, công nghệ chính của các doanh nghiệp hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc là ủ phân compost và đốt rác.
Trong đó, công nghệ ủ phân compost đang áp dụng tại các doanh nghiệp phù hợp để xử lý lượng chất thải hữu cơ trong rác. Tuy nhiên, điểm yếu của công nghệ này là phát sinh mùi hôi trong quá trình phân hủy sinh học của lượng chất thải.
Theo bà Hạnh, doanh nghiệp trong Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc cũng áp dụng công nghệ đốt rác được phát minh trong nước. Tuy nhiên, sau thời gian vận hành, công nghệ này đã phát sinh một số vấn đề liên quan đến hiệu suất lò đốt, hiệu suất hệ thống thu gom, xử lý khí thải…
Trả lời VTC News, ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi chia sẻ, mùi hôi của Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc cũng khiến nhiều người dân khó chịu. Một số người đã phản ánh vấn đề này đến chính quyền địa phương và UBND huyện Củ Chi cũng đã chuyển thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường để xử lý.
Huyện Củ Chi cũng ghi nhận việc các doanh nghiệp khởi công dự án xử lý rác với công nghệ tiên tiến. Thế nhưng, đến nay thì các dự án này vẫn chưa được hoàn thành do gặp nhiều vướng mắc.
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2019, hai doanh nghiệp trong Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc là Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã xin phép UBND TP.HCM tổ chức lễ khởi công nhà máy đốt rác phát điện. Dự án này được cho là sẽ phù hợp hơn với giai đoạn phát triển hiện nay.
Tuy nhiên, hai doanh nghiệp gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện chưa được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8). Hiện tại, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các tỉnh, thành để xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8.
Sau khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến phương án đấu nối điện, các doanh nghiệp mới đủ điều kiện nộp hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sang đốt phát điện cho Bộ Xây dựng.
Ngoài 2 công ty nói trên thì nhiều đơn vị khác tại TP.HCM cũng đang thực hiện thủ tục đầu tư nhà máy xử lý rác công nghệ mới như Công ty REE, Công ty Tasco… Các dự án xử lý rác theo công nghệ mới đang được thành phố kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thế nhưng, theo một số doanh nghiệp, thủ tục pháp lý thực hiện các dự án xử lý rác thải ở TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty REE chia sẻ, dự án nhà máy xử lý rác thu hồi năng lượng công suất 2.000 tấn/ngày của doanh nghiệp này phải chờ đến 18 tháng mới có thể xác định được địa điểm triển khai dự án. Việc thực hiện các thủ tục mất rất nhiều thời gian.
Dự kiến đến năm 2025, TP.HCM cần xử lý khoảng 12.000 tấn rác/ngày và năm 2030 là khoảng 15.000 tấn rác/ngày. Thế nhưng, hiện nay các khu xử lý rác cũ đang trong tình trạng quá tải và gần hết công suất chứa. Còn các dự án xử lý rác mới, hiện đại thì gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.
UBND TP.HCM và các Sở ngành cũng đang theo dõi, đôn đốc các đơn vị xử lý chất thải rắn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thực hiện dự án chuyển đổi công nghệ. Đến năm 2025, TP.HCM phải có nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện.
Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia mà Thủ tướng phê duyệt, yêu cầu tỉ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030. Tại TP.HCM, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới như đốt rác phát điện và tái chế phải đạt ít nhất là 80% vào năm 2025. Đến năm 2030, tỷ lệ này phải đạt là 100%. Tuy nhiên, những mục tiêu này là khó khả thi, bởi các dự án xử lý rác hiện đại của TP.HCM vẫn đang triển khai “ì ạch”.
ĐẠI VIỆT – LƯƠNG Ý / VTC News