Tốn gần 400 triệu đôla cả thảy cho thương vụ Ronaldo, nhưng đổi lại Juventus đang đứng trước vận hội lớn để chen chân vào nhóm “Siêu CLB”.
“Thương vụ thế kỷ” – như cách gọi của báo chí Italy – đưa Cristiano Ronaldo từ Real Madrid sang Juventus chính thức được khởi động từ … Jorge Mendes. Ronaldo không phải là cầu thủ Bồ Đào Nha duy nhất cập bến Turin trong mùa hè năm 2018. Trước anh, Joao Cancelo đã tới Juventus với mức giá 47 triệu đôla và là hậu vệ đắt thứ nhì trong lịch sử CLB, chỉ sau Lilian Thuram.
Theo tờ The Independent, một nhóm đông CĐV đã đứng chờ sẵn tại sân bay Turin, nơi Cancelo cùng người đại diện Jorge Mendes tới để hoàn tất những thủ tục. Đó là đêm mà Marcos Rojo trở thành người hùng của Argentina trước Nigeria, nhưng khi đội tuyển Italy không thể góp mặt thì World Cup đã mất đi ít nhiều ý nghĩa đối với những tifosi. Để khỏa lấp đi nỗi buồn của một World Cup vắng bóng đội nhà, họ hướng tới mùa giải mới với kỳ vọng về những thay đổi.
Khi thấy “siêu cò” Mendes bước qua, các CĐV Juventus gào to: “Hãy mang Ronaldo tới cho chúng tôi!”. Mendes mỉm cười, bởi ông biết chẳng mấy chốc những Juventini sẽ có được điều họ mong muốn. Trong quá trình thương lượng về Cancelo, Mendes đã gợi ý cho đại diện phía Juventus về thân chủ nổi tiếng nhất của ông: Cristiano Ronaldo.
“CR7 ư? Không thể nào” là phản ứng đầu tiên từ phía Juventus. Mendes đáp lại một cách bí hiểm: “Đó không phải nhiệm vụ bất khả thi như các anh đang nghĩ đâu”. Gần một tháng sau, Ronaldo đặt chân xuống sân bay Turin trong một cơn sốt chuyển nhượng lâu lắm mới xuất hiện tại Italy. Rốt cuộc, “Điệp vụ Bất khả thi” duy nhất trong hè 2018 sẽ chỉ là một bộ phim mới của Tom Cruise. Còn trong bóng đá, điều tưởng như bất khả thi cuối cùng đã trở thành hiện thực: Ronaldo rời Real Madrid sau chín năm cống hiến và trở thành tân binh của Juventus.
Sức hút của thương hiệu CR7
Trước khi rời Juventus hè 2014, Antonio Conte từng than vãn về chính sách chuyển nhượng của đội bóng. Ông tin rằng mình cần được chi nhiều tiền hơn để củng cố cho tham vọng bá vương châu Âu. Conte, khi đó, nói về ngân sách chuyển nhượng của Juventus với vẻ mỉa mai: “Bạn không thể ăn tại một nhà hàng 100 euro với chỉ 10 euro trong túi”.
Nhưng giờ, Juventus lại “chơi sang” khi gọi hẳn món ăn đắt đỏ bậc nhất trong thực đơn nhà hàng ấy, và còn theo một chai vang hảo hạng. Để có được Ronaldo, Juventus không chỉ phải trả cho Real phí chuyển nhượng 126 triệu đôla (110 triệu đôla tiền mặt và 16 triệu đôla phụ phí), mà còn tốn thêm 36 triệu đôla tiền lương mỗi mùa cho CR7. Nếu tính thêm cả các khoản thuế phí, thương vụ Ronaldo sẽ tiêu tốn của Juventus ngót nghét 397 triệu đôla trong bốn năm hợp đồng. Thời điểm hợp đồng này đáo hạn cũng là lúc Ronaldo đã 37 tuổi – độ tuổi mà giá trị bán lại trên lý thuyết là vô cùng thấp.
Ronaldo khiến Juventus tốn cả núi tiền, nhưng anh cũng đồng thời hứa hẹn mang đến những lợi ích to lớn cả về mặt thể thao lẫn thương mại, tiếp thị, tài chính.
Nghiệp đoàn công nhân của Tập đoàn FIAT tại nhà máy Melfi phía Nam thậm chí còn dọa đình công sau do thương vụ Ronaldo. 29,18% cổ phần kinh doanh FIAT thuộc quyền sở hữu của nhà Agnelli, những người đang nắm 63,77% cổ phiếu Juventus. Lập luận mà nghiệp đoàn công nhân đưa ra là: “Không thể chấp nhận việc các công nhân trong tập đoàn FIAT phải tiếp tục chịu hy sinh về quyền lợi kinh tế, còn tập đoàn thì chi cả trăm triệu đôla vào việc mua một cầu thủ”.
Nhưng Ronaldo vẫn về với Juventus, và nhanh chóng cho thấy hiệu ứng của bản thân dù chưa ra sân ngày nào cho đội bóng mới. Theo Yahoo Sport của Italy, lượng áo đấu Juventus in tên Ronaldo được bán ra trong ngày đầu đạt tới 520.000 chiếc. Khi Paris Saint-Germain bỏ ra 263 triệu đôla để đưa Neymar về Paris, những chiếc áo số 10 của anh được bán trong ngày đầu đạt con số 10.000 và đó đã được xem như một hiện tượng. Lượng áo đấu CR7 bán ra trong ngày đầu vượt quá nửa con số 850.000 áo thi đấu của Juventus bán được trong cả năm 2016.
Theo ESPN, giá trị cổ phiếu Juventus đã tăng 33% (tương đương 269 triệu đôla) kể từ khi có tin đồn về vụ chuyển nhượng Ronaldo và thậm chí còn khiến các cơ quan tài chính Italy đề nghị đội bóng này giải trình xem đây liệu có thực sự là một thương vụ khả thi hay chỉ là một chiêu để “thổi giá” cổ phiếu. Những con số biết nói kể trên cho thấy thương hiệu cá nhân của Ronaldo lớn đến nhường nào, và đó là một trong những yếu tố khiến Juventus quyết định “chơi tất tay”.
Juventus xưa nay nổi tiếng là một trong những đội bóng chuyển nhượng khôn ngoan bậc nhất. Họ mang về Andrea Pirlo, Sami Khedira và Dani Alves mà không tốn lấy một xu. Khi Paul Pogba gia nhập Juventus vào năm 2012, đội bóng này chỉ phải trả một khoản phí đào tạo tượng trưng cho Manchester United. Hè 2016, Pogba được bán lại cho “Quỷ đỏ” với giá kỷ lục thế giới và sau khi trừ đi tiền hoa hồng cho “siêu cò” Mino Raiola, Juventus vẫn lãi tới… 91,5 triệu đôla (70 triệu bảng). Có thể thấy, các thương vụ của Juventus đều được tính toán cẩn thận, và Ronaldo, chắc chắn, không phải một ngoại lệ.
Năm 2017, Juventus từng thay đổi bộ nhận diện thương hiệu khi thay đổi logo mới của đội bóng. Mẫu logo mới mang sắc thái tối giản với hai màu đen trắng kèm theo chữ J lớn. Đội bóng này đưa ra thông cáo cho hay: “Logo mới được sử dụng từ tháng 7/2017 sẽ đại diện cho những biểu tượng của Juventus: Các đường sọc của áo đấu, Scudetto – biểu tượng của chiến thắng và chữ J đại diện cho Juventus. Đây là một logo của thời hiện đại và truyền tải thông điệp một cách hiệu quả trên mọi phương tiện”.
Không lâu sau, Chủ tịch Andrea Agnelli phát biểu trong cuộc họp cổ đông của Juventus: “Chúng ta cần trở nên đại chúng hơn, phổ biến hơn. Chúng ta có những đối tượng mới không thuộc vào nhóm những cổ động viên bóng đá truyền thống: những bà mẹ, trẻ em và thế hệ millennial (sinh từ đầu những năm 1980 tới đầu 2000). Chúng ta phải tự hỏi: Một bé gái tại Thượng Hải hay một ‘millennial’ tại Mexico đang nghĩ gì?”.
Việc thay đổi logo hợp thời đại và tuyên bố của Agnelli thể hiện tham vọng bành trướng rất rõ ràng của Juventus. Đội bóng này đã bảy lần liên tiếp vô địch Italy và vào chung kết Champions League tới hai lần trong bốn mùa giải gần nhất. Nhưng trong nhóm 10 CLB kiếm tiền giỏi nhất thế giới mùa giải 2016-17 do công ty kiểm toán Deloitte công bố, Juventus chỉ xếp thứ 10 với 472 triệu đôla (405 triệu euro) doanh thu. Đứng đầu tiên là Man Utd với 787 triệu đôla (676 triệu euro), dù đội bóng này đã không vô địch Ngoại hạng Anh từ năm 2013 và thành tích tốt nhất tại Champions League thời hậu Alex Ferguson chỉ là vào tới tứ kết.
Bất chấp việc không còn ở vị thế ngạo nghễ đỉnh cao trên sân cỏ như thời xưa, Man Utd vẫn là một cỗ máy kiếm tiền hàng đầu nhờ khả năng làm thương hiệu cùng lượng cổ động viên khổng lồ trên toàn thế giới. Xếp sau “Quỷ Đỏ” lần lượt là ba “siêu cường” của bóng đá châu Âu: Real Madrid, Barcelona và Bayern Munich.
ESPN dẫn lời Agnelli trong cuộc họp cổ đông diễn ra tháng 11/2017: “Có tám đội bóng đạt doanh thu hơn 400 triệu euro mỗi năm, bốn đội ở mức từ 200-300 triệu euro, và thêm 10 đội khác trong khoảng 150-200 triệu euro. Với doanh thu từ 300 tới 400 triệu euro mỗi năm, bằng Liverpool, chúng ta đang ở ‘vành đai trắng’: gần với nhóm hàng đầu và cũng rất dễ tụt xuống hạng dưới. Rủi ro lớn nhất là cứ mãi bị mắc kẹt như vậy”.
Ronaldo chính là giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp Juventus vươn lên ngang tầm với những “siêu CLB” về mặt tài chính như Agnelli mong muốn. Anh là một trong những người dễ nhận ra nhất, khi tấm ảnh Juventus dùng để công bố vụ chuyển nhượng chỉ cần hình bóng Ronaldo giang tay ăn mừng kèm hashtag #CR7Juve là đủ để mạng xã hội lẫn truyền thông thế giới sục sôi.
Xét về thương hiệu, Ronaldo là cầu thủ nổi tiếng nhất hành tinh với 318,3 triệu người theo dõi trên các mạng xã hội. Một phép so sánh đơn giản: Facebook Cristiano Ronaldo có 122 triệu lượt Thích (Like) và là cá nhân có nhiều Theo dõi (Follow) nhất trên mạng xã hội này. Lượt likes của các đội bóng Man Utd, Real Madrid và Juventus lần lượt là 73 triệu, 109 triệu và 33 triệu! Thị trường Mexico mà Agnelli nhắc tới có 6,6 triệu fan của Ronaldo, trong khi số lượng người hâm mộ Juventus ước tính khoảng 1,1 triệu người.
Tờ New York Times cho biết một nghiên cứu của công ty marketing Mailman năm 2017 chỉ ra rằng có tới 76% người hâm mộ bóng đá tại Trung Quốc thần tượng một cầu thủ hơn là đội bóng. Xu hướng này có thể áp dụng không chỉ tại châu Á mà khắp toàn cầu. Kể từ khi thông tin về vụ chuyển nhượng Ronaldo được công bố, trang Facebook và Twitter của Juventus đã có thêm hơn 800.000 người theo dõi, bên cạnh 1,4 triệu followers mới trên mạng Instagram.
Việc sở hữu cầu thủ với thương hiệu hàng đầu thế giới như Ronaldo không chỉ có lợi về mặt hình ảnh cho Juventus mà cả nền bóng đá Italy. Ronaldo là đương kim chủ nhân của năm Quả Bóng Vàng và là một trong những ứng cử viên sáng giá cho Quả Bóng Vàng 2018. Lần gần nhất một cầu thủ chơi bóng tại Serie A lọt vào top ba đề cử rút gọn cho Quả Bóng Vàng là năm 2007, khi Kaka của AC Milan xếp trên Ronaldo và Lionel Messi.
Serie A và Juventus có thể trông đợi vào những hợp đồng bản quyền truyền hình, tài trợ và doanh thu từ tiền vé vào sân, bán áo, đồ lưu niệm… với sức hút mới từ Ronaldo. Chuyên gia Sam Boor của Deloitte nhận định trên trang BBC: “Đây là một thương vụ hợp lý về mặt tài chính với tất cả những bên liên quan. Với Juventus, họ có thể trông chờ vào các khoản thu từ các trận đấu, quảng cáo và lượng vé xem cả mùa”.
Giấc mộng Champions League
Juventus mua Cristiano Ronaldo với giá kỷ lục tại Italy, dĩ nhiên, không đơn thuần để làm thương hiệu và kiếm tiền. Họ trả khoản tiền khổng lồ cho Real Madrid để mang về một cầu thủ đã ghi 451 bàn cho đội chủ sân Bernabeu trong chín mùa giải, tương đương 50 bàn/mùa. Ở mùa giải 2017-18, Ronaldo ra sân 44 trận và ghi 44 bàn, đạt hiệu suất 1 bàn/trận. Ba bàn trong số đó là vào lưới Juventus tại tứ kết Champions League và trực tiếp góp phần loại “Bà đầm già” khỏi giải đấu hàng đầu châu lục. Trước đó một năm, Ronaldo đã lập cú đúp trong chiến thắng 4-1 của Real Madrid trước Juventus trong trận chung kết Champions League tại Cardiff.
Agnelli và Juventus đang thực hiện đúng triết lý: “Nếu không thể đánh bại ai, hãy … mua kẻ ấy”. Khi mới trở lại từ Serie B sau scandal Calciololi, Juventus phải mất sáu năm mới một lần nữa nếm trải Scudetto. Từ những Amauri, Quagliarella hay Matri… ngày nào tới Cristiano Ronaldo là một sự nâng cấp vượt bậc. Anh là một nhà vô địch thực thụ, đặc biệt là tại đấu trường Champions League mà Juventus chưa thể đăng quang kể từ năm 1996.
Xuyên suốt lịch sử, Juventus đã giành được hai chức vô địch châu Âu, trong khi cá nhân Ronaldo đã có năm lần vô địch Champions League. Trong cả bốn chức vô địch cùng Real Madrid và một lần cùng Man Utd, Ronaldo đều là vua phá lưới của giải đấu. Không một ai trong lịch sử ghi bàn tại Champions League nhiều như Ronaldo (120 bàn) và bản thân Ronaldo từng gợi ý nên đặt giải đấu theo tên mình sau chức vô địch tại Kiev vừa qua.
Ba chức vô địch Champions League liên tiếp và thành tích sáu lần liền là Vua phá lưới giải đấu hàng đầu châu lục này đã thuyết phục Juventus rằng Ronaldo chính là người họ cần. Với đội hình hiện tại, Juventus vẫn có thể giành cú đúp quốc nội mùa giải qua, dù đã có nhiều lúc Napoli thực sự khiến những Juventini phải lo lắng. Nhưng khi đưa về một siêu sao thượng thặng như Ronaldo, “biển lớn” Champions League mới là mối quan tâm hàng đầu.
Cả chân sút kỳ cựu Gonzalo Higuain lẫn tài năng trẻ Paulo Dybala đều cho thấy họ không phải những lựa chọn đáng tin cậy trong những trận chiến sinh tử tại châu Âu. Ronaldo là hình ảnh trái ngược, như cách anh thể hiện trong hai lượt trận tứ kết Champions League trước Juventus. Ở lượt đi là một cú đúp bàn thắng kèm theo một kiến tạo, trong đó pha móc bóng “xe đạp chổng ngược” là một khoảnh khắc thiên tài. Trận lượt về tại Bernabeu, Juventus dẫn trước Real Madrid 3-0 và Ronaldo cho thấy bản lĩnh thép với cú phạt đền ở phút thứ 97. Khoảng thời gian từ khi Buffon bị thẻ đỏ cho tới khi Ronaldo thực hiện quả 11m là hơn bốn phút, nhưng tiền đạo người Bồ Đào Nha vẫn cho thấy sự bình tĩnh và tập trung bất chấp sức ép khủng khiếp.
HLV Max Allegri của Juventus có một quan niệm đặc biệt về vai trò của nhà cầm quân. Theo ông, HLV chỉ có thể thay đổi cục diện trận đấu chừng … 5%. Phần còn lại – như ông chia sẻ với tờ Corriere dello Sport – là thuộc về các học trò: “Đừng bao giờ nghĩ rằng bản thân mình là nhân tố quyết định trong thành công của đội bóng. Các cầu thủ mới là người quyết định trận đấu và đem về chiến thắng”.
Với Ronaldo, Allegri đã có thêm cho mình một lựa chọn có xác suất ảnh hưởng tới cục diện trận đấu cao hơn 5% và thậm chí có thể tự mang về chiến thắng.
Lựa chọn của chính Ronaldo
Một trong những mối lo ngại của người hâm mộ Juventus là độ tuổi của Ronaldo. Tuổi 33 là độ tuổi mà nhiều cầu thủ khác đã ngưng thi đấu đỉnh cao và chuyển sang Mỹ, Trung Quốc hay Qatar chơi bóng. “Việc nhẹ, lương cao” không phải ưu tiên hàng đầu của Ronaldo, như anh chia sẻ trong cuộc họp báo ra mắt Juventus: “Tôi đang cảm thấy rất ổn, cả về thể lực, trí lực và cảm xúc. Tôi không giống mọi cầu thủ khác. Bởi khi ở vào độ tuổi như tôi, họ nghĩ sự nghiệp đã kết thúc, hoặc chuyển đến Trung Quốc hay Qatar thi đấu. Tôi thì khác”.
“Cảm giác của tôi lúc này thật đặc biệt vì thi đấu cho Juventus ở tuổi 33, chứ không phải 23. Champions League là mục tiêu của Juventus, nhưng chúng tôi cũng muốn chiến đấu ở Serie A nữa. Tôi hy vọng trở thành ngôi sao may mắn của đội, và giành mọi danh hiệu. Tôi hy vọng mình có thể đưa Juventus lên một tầm cao mới”.
Có thể thấy, Ronaldo vẫn còn nguyên khát khao chinh phục những đỉnh cao. Tại Juventus, anh có thể trở thành cầu thủ đầu tiên vô địch ba giải đấu lớn nhất châu Âu hoặc san bằng kỷ lục giành Champions League tại ba CLB khác nhau của Clarence Seedorf. Và nếu tiếp tục giành Quả Bóng Vàng, Ronaldo sẽ tiếp nối bước chân những huyền thoại của Juventus như Michel Platini, Zinedine Zidane hay Pavel Nedved.
Đó có lẽ là những cột mốc mà Ronaldo đã nghĩ tới khi quyết định tạm biệt Real Madrid. Tại thủ đô Tây Ban Nha, anh đã có đủ mọi danh hiệu và xây vững chắc vị trí trong ngôi đền những huyền thoại. Ronaldo ra đi trên đỉnh cao với chức vô địch Champions League, trước khi bị xem là “vật cản” và phải ra đi như những Raul, Casillas từng nếm trải.
Chủ tịch Florentino Perez từng khẳng định “Ronaldo là cầu thủ hay nhất lịch sử Real Madrid, ngang hàng với Di Stefano”. Trong chín năm tại Bernabeu, anh đã giành mọi vinh quang có thể có và trở thành chân sút tốt nhất lịch sử CLB. Nhưng trong những tình huống Real Madrid và cá nhân Ronaldo chơi tệ, nhiều Madridista không ngần ngại huýt sáo la ó. Khoảnh khắc mà Ronaldo thừa nhận anh “phải lòng” Juventus là khi cả sân Allianz Stadium đứng dậy vỗ tay sau pha ngả bàn đèn tuyệt đẹp vào lưới Buffon. Đó là một sự thừa nhận tuyệt đối cho cầu thủ vừa trực tiếp đâm một nhát chí tử vào giấc mộng Champions League của đội bóng họ yêu thích.
Ronaldo chắp tay ra dấu cảm ơn cổ động viên Juventus, và sau đó, người đại diện Jorge Mendes trực tiếp liên hệ với giám đốc Fabio Paratici để cho biết “Cristiano rất cảm kích và mong muốn sẽ tới Juventus một ngày nào đó”. Khi còn ở Sporting Lisbon, Juventus từng suýt mua được Ronaldo năm anh 18 tuổi. Hợp đồng đã được thảo sẵn, nhưng thương vụ đổ bể vào phút chót khi tiền đạo Marcelo Salas không chấp nhận bị Juventus đem đổi lấy Ronaldo.
15 năm sau, mối lương duyên ngày nào mới được nối lại. Độ tuổi 33 trong thể thao là cao, nhưng vẫn có những ngoại lệ như LeBron James của bóng rổ, Tom Brady của bóng bầu dục hay Roger Federer của quần vợt. Những siêu sao kể trên đều là những vận động viên giàu khát khao chinh phục, đề cao ý thức chuyên nghiệp và sự tập luyện. Về ý chí kỷ luật và sự chuyên nghiệp, hiếm ai trong thế giới bóng đá có thể sánh ngang Cristiano Ronaldo.
Từ ngày trẻ tại Man Utd, Ronaldo đã chăm chỉ luyện tập hơn mức được yêu cầu trong cả phòng gym lẫn sân tập. Anh thường xuyên là người đầu tiên tới sân và cuối cùng rời sân. Phil Neville cho biết “từng mét cỏ trên sân tập đều đã in dấu chân của Ronaldo”. Tới Real Madrid, anh tiếp tục đề cao lối sống lành mạnh, kỷ luật để nối dài sự nghiệp đỉnh cao.
Cựu HLV Real Madrid là Carlo Ancelotti từng chia sẻ với tờ Daily Mail: “Bộ phim tài liệu về Ronaldo khá hay, nhưng không nói lên đủ rằng cậu ấy chuyên nghiệp đến nhường nào. Có những lúc chúng tôi trở về bằng chuyến bay muộn sau một trận đấu tại châu Âu. Dù có là ba giờ sáng, Ronaldo cũng sẽ không về thẳng nhà. Thay vào đó, cậu ấy sẽ tới sân tập, ngâm mình trong nước đá để hồi phục cơ bắp”. Đó là nguyên nhân mà Ronaldo từng tự tin tuyên bố: “Tôi có thể 33 tuổi, nhưng về mặt sinh học, tôi mới chỉ 23 tuổi!”.
Juventus là nơi những cầu thủ trên 30 tuổi như Pirlo, Buffon hay Alves từng chơi bóng với phong độ hàng đầu, do vậy sự nghiệp đỉnh cao của Ronaldo có thể nối dài. Đó cũng là lời khuyên của Patrice Evra – cựu đồng đội của Ronaldo tại Man Utd – gửi tới anh thông qua Instagram cá nhân: “Nếu Cristiano muốn chơi bóng tới năm 2050, cậu ấy cần tới Juve. Không phải đội nào khác cả, đơn giản vậy thôi. Nhờ Juventus mà sau khi rời Man Utd, tôi có thể tiếp tục chạy và giành chiến thắng. Sẽ có nhiều đánh đổi, bởi tại Juventus, cậu sẽ phải làm việc thật sự chăm chỉ, sẽ chẳng có kỳ nghỉ nào cả. Nhưng đổi lại, cậu sẽ tới World Cup 2022 với tư cách nhân vật chính chứ không phải làm cảnh”.
Theo Facebooker Shigeki – một trong những cổ động viên lâu năm của Juventus tại Việt Nam – thì tại một đội bóng đề cao văn hóa lao động như Juventus thì một tấm gương về tập luyện, chăm chỉ và chuyên nghiệp như Ronaldo sẽ luôn được chào đón. CR7 là một cầu thủ không bao giờ tự thỏa mãn với bản thân và luôn phấn đấu để trở nên xuất chúng hơn. Trong khi đó, khẩu hiệu của Juve là “Fino Alla Fine” (Cho tới tận phút cuối cùng).
Một cầu thủ luôn bùng cháy khát khao, không biết bỏ cuộc chinh phục cập bến một đội bóng với phương châm “Cháy tới cùng”. Đối với Cristiano Ronaldo, mọi ngả đường đều dẫn tới thành Turin.
Thịnh Joey/VNE