Hiện mới chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khiến nhiều người lo ngại những bệnh nhân này không có tiền theo đuổi điều trị, hàng nghìn người sẽ bỏ thuốc, kéo theo nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng rất lớn.
Mỗi năm Việt Nam thêm 12.000 người nhiễm HIV
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đã có khoảng 78 triệu người nhiễm HIV trên thế giới, trong đó ước tính 50% đã tử vong. Tại Việt Nam, tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là khoảng 227.000 trường hợp với trung bình 12.000 – 14.000 ca nhiễm mới mỗi năm và đã có khoảng 75.000 người tử vong do AIDS được báo cáo kể từ đầu vụ dịch đến nay. Đại dịch HIV có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Trên thực tế, dù không gây tử vong ngay khi nhiễm bệnh, nhưng HIV không thể bị tiêu diệt, người nhiễm HIV là nhiễm suốt đời, khả năng lây lan lớn, thời gian ủ bệnh dài và không có dấu hiệu nên khó phát hiện để phòng tránh, khi dấu hiệu bệnh phát ra ngoài thì đã chuyển sang giai đoạn bệnh nặng, khiến việc kiểm soát, dự phòng và điều trị phức tạp hơn rất nhiều.
Tại các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tử vong ở các bệnh nhân. Theo báo cáo Bộ Y tế năm 2014, số ca tử vong do HIV/AIDS là 2.299 ca, gấp gần 230 lần mức trung bình của một bệnh truyền nhiễm (10 ca tử vong/bệnh trong tổng số 28 bệnh).
Như vậy, mặc dù trong thời gian qua Việt Nam đã khống chế không để dịch HIV/AIDS gia tăng nhưng mới chỉ là giảm về xu hướng, trong khi lũy tích số người nhiễm HIV còn sống vẫn tiếp tục tăng cao cho nên có thể nói dịch HIV/AIDS vẫn là một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đối với nhân loại và công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn cần sự ưu tiên hàng đầu.
Chỉ có khoảng 30% số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, từ tháng 3/2016 nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới, trong khi đó mỗi năm Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân nhiễm HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Đến hết năm 2017 khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn.
Như vậy, sau giai đoạn này, hàng loạt các dịch vụ miễn phí trước kia (do được tài trợ) như xét nghiệm HIV, thuốc ARV, thuốc cơ hội… sẽ do BHYT thanh toán. Bệnh nhân HIV có BHYT sẽ được BHYT thanh toán tiền điều trị ARV, đồng thời cũng phải đồng chi trả tiền thuốc và xét nghiệm theo quy định. Còn bệnh nhân HI/AIDS không có thẻ BHYT sẽ phải tự bỏ toàn bộ chi phí điều trị.
Đối với người nhiễm HIV/AIDS, việc điều trị bằng thuốc ARV phải được tuân thủ suốt đời và ảnh hưởng trực tiếp tới sự sống còn. Bởi vì, nếu người nhiễm HIV đang dùng phác đồ bậc 1 mà không tuân thủ điều trị thì sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và buộc phải chuyển sang phác đồ bậc 2, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ chịu tác dụng phụ của thuốc và áp lực lớn hơn về tài chính. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất cao và chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội rất tốn kém. Cho nên, nếu không tham gia BHYT thì bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ sẽ phải chịu nhiều gánh nặng về kinh tế.
Theo đó, nếu bệnh nhân vì chi phí y tế mà bỏ điều trị sẽ là nguy cơ lớn trong cộng đồng. TS Long cho biết, Việt Nam xác định BHYT là giải pháp đảm bảo bền vững trong điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Do vậy, điều cần thiết là tăng cường truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận.
Thực tế này cho thấy, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT thì bản thân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ cần ý thức và thấy rõ những lợi ích mà BHYT mang lại.
Quyền lợi của người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 15/2015/TT-BYT, người tham gia BHYT nhiễm HIV khi khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS và người tham gia BHYT khi sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS được hưởng quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định của pháp luật về BHYT, được quỹ BHYT chi trả:
a) Thuốc (bao gồm cả thuốc ARV), hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT;
b) Xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả;
c) Kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV;
d) Khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc ARV và các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS khác đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV;
đ) Xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh (trừ chi phí xét nghiệm HIV đối với người hiến bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn);
e) Xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách nhà nước chi trả);
g) Điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Để bảo đảm việc điều trị bệnh thường xuyên và liên tục trong trường hợp không được cấp phát thuốc miễn phí như trước đây, người bị nhiễm HIV/AIDS nên tham gia BHYT và sử dụng thẻ trong các lần đi khám chữa bệnh.
Kim Thảo
Theo Vnmedia