Theo NATO, lực lượng không quân Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân giả định chống lại Thụy Điển trong cuộc tập trận vào năm 2013.
“Nhằm củng cố sức mạnh quân sự, mức độ đầu tư của Nga trong cuộc diễn tập quân sự đạt đến đỉnh cao kể từ Chiến tranh lạnh”, Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, đã viết trong báo cáo thường niên năm 2015.
“Trong ba năm qua, Nga đã tiến hành ít nhất 18 trận diễn tập quy mô lớn, một số trận có hơn 100.000 binh sĩ tham gia. Những bài diễn tập này bao gồm các cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng với đồng minh NATO và các đối tác, trong đó có mô phỏng cuộc tấn công vào Thụy Điển vào tháng 3/2013,” vị này nói thêm.
Vụ việc gây tranh cãi ở Thụy Điển vào thời điểm đó vì quân đội Thụy Điển đã không kịp chuẩn bị trước và phải dựa vào máy bay phản lực của không quân Đan Mạch có nhiệm vụ Cảnh vệ vùng trời Baltic. NATO từ chối bình luận thêm về vụ việc này.
Dàn xếp khuấy động Baltic
Bộ Quốc phòng Nga đã không công khai phản ứng trước báo cáo trên. Nhưng một trong những vị tướng về hưu nói với tờ Telegraph rằng báo cáo này là “được dàn xếp để khuấy động các nước Baltic”.
“Tuyên bố về một cuộc tấn công hạt nhân với Thụy Điển chẳng khác nào một sự khiêu khích,” Evgenny Buzhinsky, một tướng lĩnh về hưu hiện đang phụ trách trung tâm phân tích PIR tại Moscow cho biết.
Một số nhà phân tích dự đoán rằng Nga sẽ sử dụng việc bảo vệ những người thiểu số như một cái cớ để sáp nhập. Hầu hết các mối quan tâm tập trung vào các nước vùng Baltic của Estonia, Latvia và Lithuania, ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, chung đường biên giới với Nga và là nơi ở của các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga.
Một báo cáo mới đây của tập đoàn RAND kết luận rằng ngay cả khi bị đề phòng từ trước, Nga chỉ cần 60 giờ để san bằng cả ba nước Baltic. Tuy nhiên, Tướng Buzhinsky bác bỏ những lo ngại trên là không có cơ sở, và việc đe dọa các nước Baltic sẽ không mang lại lợi ích chiến lược với Nga và các dân tộc thiểu số nói tiếng Nga không quan tâm đến việc “bảo vệ” quân sự.
Cho biết về vấn đề này, Quốc hội Nga gọi những thông tin trong báo cáo của ông Stoltenberg là một nỗ lực nhằm phỉ báng các thành công của Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế và để biện minh cho việc NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa gần biên giới với Nga.
Theo ghi nhận của tờ báo Thụy Điển Dagens Nyheter, trong báo cáo thường niên của NATO mới đây không có bất kỳ thông tin chi tiết nào về các cuộc “tập trận – tấn công hạt nhân nhắm vào Thụy Điển” trong năm 2015 mà chỉ nói chung chung rằng Nga có phát triển hoạt động quân sự tại khu vực này.
Phòng còn hơn không?
Trong khi đó, tờ The Local ở Thụy Điển mới đây dẫn các tài liệu quân sự rò rỉ cho biết quân đội nước này đang âm thầm chuẩn bị một cuộc chiến tranh trong vài năm tới.
Cụ thể, Tham mưu trưởng lục quân Thụy Điển – thiếu tướng Anders Brannstrom đã đưa ra cảnh báo về khả năng Thụy Điển phải tham chiến trong tài liệu nội bộ sẽ được phát cho những người tham gia hội nghị thường niên của quân đội tại thành phố Boden vào tuần này. Tại sự kiện, giới chức chính phủ, các quan chức cấp cao trong quân đội và các học giả Thụy Điển… sẽ cùng tham gia thảo luận sự phát triển trong tương lai của quân đội.
“Dựa trên tình hình an ninh toàn cầu hiện nay và căn cứ theo các quyết định chiến lược, có thể kết luận rằng chúng ta có thể rơi vào một cuộc chiến tranh trong vài năm tới. Đối với quân đội chúng ta hiện nay, bằng mọi nguồn lực có được, chúng ta phải thực thi các quyết định chính trị”, ông Brannstrom viết trong tài liệu được đăng tải trên tờ báo địa phương Expressen ngày 27/1. Vị tướng Thụy Điển còn nhấn mạnh thêm quân đội nước này phải “có khả năng chiến đấu chống lại đối thủ mạnh”.
Mối quan hệ giữa Thụy Điển và Nga trở nên căng thẳng trong vài năm gần đây, trong nhiều lĩnh vực.
Chẳng hạn về việc Crimea và Sevastopol đã trở thành lãnh thổ của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3/2014, trong đó phần lớn người dân đã bỏ phiếu ủng hộ việc sáp nhập vào Nga.
Moscow khẳng định việc tổ chức cuộc trưng cầu ở Crimea là phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Tuy nhiên Thụy Điển vẫn tích cực ủng hộ Kiev trong việc coi Crimea là một phần lãnh thổ của Ukraine.
Thu Hoài (Tổng hợp)
Theo Đất Việt