Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, trong sự lo âu đang lớn dần về hiện tại và cả tương lai của một liên minh vốn là hình mẫu của cả thế giới.
Ngày 16/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lên tiếng kêu gọi Mỹ bắt giữ hoặc trục xuất giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống tại bang Pennsylvania (Mỹ). Giáo sĩ Gulen đang là tâm điểm của những lời cáo buộc từ Ankara cho vụ đảo chính hụt đêm 15/7, dẫn tới cuộc bạo loạn và làm chết 265 người.
Vụ việc ở Thổ Nhĩ Kỳ là chi tiết mới nhất khắc họa cuộc khủng hoảng trầm trọng trên toàn châu Âu, với những mối lo lớn về an ninh và ngoại giao.
Binh biến, khủng bố và chết chóc
Trong phát biểu sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng chưa nhận được đề nghị chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sẽ cân nhắc yêu cầu này nếu có đủ chứng cứ buộc tội giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen. Mặc dù vậy, ông Kerry vẫn khẳng định với người đồng cấp bên phía Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điện đàm rằng: “Những bóng gió hoặc chỉ trích công khai về vai trò của Mỹ trong cuộc đảo chính thất bại kia là hoàn toàn sai trái và làm hại mối quan hệ song phương giữa hai bên”.
Không ai biết chính xác lý do của cuộc đảo chính vừa qua, nhưng một lần nữa đây là dấu hiệu cho thấy EU còn nhiều việc phải làm. Các ngoại trưởng khối này sẽ có cuộc họp vào ngày 18/7, trong đó vấn đề thỏa thuận nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là tâm điểm, và họ đang xem xét cái gọi là dân chủ trong chính quyền của Tổng thống Erdogan.
“Đây không phải vấn đề ủng hộ Erdogan hay không, mà là ủng hộ luật pháp và dân chủ”, Reuters ngày 17/7 dẫn lời một quan chức cấp cao của EU.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được nhiều ưu đãi từ EU, bao gồm việc xem xét tư cách thành viên, miễn thị thực cho công dân nước này khi di chuyển tới khu vực Schengen ở châu Âu. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm một bức tường ngăn dòng người tị nạn từ Syria đổ về châu Âu theo một thỏa thuận “lịch sử” từ tháng 3 năm nay.
Cuộc binh biến ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra chỉ một ngày sau vụ khủng bố tại thành phố Nice của Pháp, khiến ít nhất 84 người thiệt mạng. Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công bằng xe tải và xả súng kể trên. Nó tiếp tục nhấn mạnh mối lo an ninh mấu chốt mà châu Âu phải gánh chịu lúc này: cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố.
Các chiến dịch chống IS ở Syria và Iraq cũng như bất ổn chính trị ở Syria nói riêng là nguyên nhân chủ yếu cho làn sóng người di cư và tị nạn tràn sang châu Âu. Từ đó, các tay súng IS len lỏi vào lục địa già, cộng với những đợt tuyên truyền trên mạng và bất đồng quan điểm từ sự kỳ thị của dân châu Âu, đã tạo ra một vòng xoáy không lối thoát. Khủng bố diễn ra, lòng người oán hận, dẫn tới khủng bố và căm ghét ngày càng đào sâu.
Vụ đảo chính ở Istanbul và Ankara đã khiến nhiều chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ gián đoạn, trong khi các cơ sở không quân chủ lực như Incirlik ở miền nam nước này, nơi Mỹ đóng quân để diệt IS đã bị phong tỏa. Cuộc chiến càng khó khăn hơn.
Châu Âu run rẩy và nhượng bộ?
Vấn đề nhập cư và chống khủng bố cũng đã gián tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng tồi tệ mà EU phải đối mặt trong năm nay, đặc biệt là sau khi phần lớn người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời liên minh này (Brexit).
Boris Johnson, lãnh đạo phe Brexit đã được chọn làm ngoại trưởng trong nội các mới của Thủ tướng Anh Theresa May. Johnson là người khoét sâu vào sự chia rẽ giữa Anh và EU, trong đó có cả các khoản đóng góp mỗi năm của London và Brussels, và vấn đề phân bổ đón nhận người nhập cư.
Vụ Brexit đã ảnh hưởng tới tài chính toàn cầu, và cũng dấy lên mối lo lớn về an ninh. Trong một cuộc họp ở Ba Lan ngày 8/7, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg đã trấn an về mối lo suy yếu của khối. Ông nói rằng Anh, nước sở hữu vũ khí hạt nhân, vẫn đóng vai trò chủ chốt trong NATO bất kể Brexit.
Tình hình của Anh và Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên NATO) đã đặt ra thách thức cho tổ chức này, trong bối cảnh mối quan hệ giữa họ và Nga vẫn đang ở mức căng thẳng nhất từ sau Thế chiến II.
Trước quá nhiều mối lo xảy đến cùng lúc, EU ít nhiều xuất hiện dấu hiệu nhượng bộ trong thời gian gần đây.
Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “gợi ý” về một mối quan hệ lành mạnh hơn giữa Nga và EU. Và mặc dù việc trừng phạt Nga được gia hạn thêm 6 tháng tới đầu năm 2017, không ít ý kiến kêu gọi Brussels nên tái lập quan hệ với Moscow, như gợi ý của Thủ tướng Áo Sebastian Kurz trong một cuộc thảo luận trên đài quốc gia ORF TV ngày 19/6. Trong một bài viết ngày 28/6, tạp chí Fortune (Mỹ) còn đưa ra một trường hợp khó tin: phải chăng Brexit là thời cơ để Nga… gia nhập EU?
Khi phải đối diện với cuộc khủng hoảng, EU cũng cân nhắc việc Nga chính là đối tác thương mại lớn thứ tư của họ, với kim ngạch thương mại cộng chung của hai bên là 209 tỷ euro trong năm 2015, theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC).
Những bất ổn nội bộ và viễn cảnh nước Anh “ra đi” phần nào khiến tiếng nói của EU đang giảm sút giá trị. Tuy nhiên, Brussels rõ ràng đang trong tình huống tiến thoái lưỡng nan, và hòa hoãn là xu thế bắt buộc trong thời gian này.
Thái Bảo
Theo Zing