Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.
Nội dung này được nêu trong Công điện số 55 của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.
Công điện nêu rõ thời gian vừa qua, Bộ Công an, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, điều tra các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả với quy mô lớn, trong thời gian dài, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả, đảm bảo sự an toàn và quyền lợi cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ việc, vụ án đã được phát hiện; phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để bỏ lọt các trường hợp vi phạm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả.
Bộ Y tế siết chặt quản lý sản xuất kinh doanh dược, thực phẩm, mỹ phẩm; đồng thời phối hợp Bộ, ngành, địa phương rà soát vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung theo cấp thẩm quyền.
Ba Bộ Công thương, Tài chính và Quốc phòng kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối tại các kênh bán lẻ, đại lý, sàn thương mại điện tử. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hoạt động quảng cáo báo chí, môi trường mạng và nền tảng mạng xã hội hay xuất bản phẩm liên quan đến các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả trên. Những quảng cáo thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói chung cũng được tăng cường kiểm tra để đảm bảo đúng quy định.
Các địa phương tổng kiểm tra cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn, trên mạng, kể cả hoạt động quảng cáo. Địa phương cũng khẩn trương thu hồi các loại hàng giả trên, giảm tác hại cho người dân.
Hồi đầu tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “lừa dối khách hàng” xảy ra tại Công ty cổ phần Asia Life, Công ty cổ phần tập đoàn Chị em Rọt và một số công ty xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đaklak. Trong số 5 bị can bị khởi tố, có Hằng Du Mục và Quang Linh Vlog.

Cơ quan điều tra đã xác định sản phẩm thực phẩm bổ sung thường được gọi là kẹo Kera do Công ty Asia Life sản xuất là hàng giả. Từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, Công ty Asia Life sản xuất hơn 160.000 hộp cho Công ty cổ phần Tập đoàn Chị em Rọt, trong đó đã có 135.000 hôp kẹo Kera đã được bán ra thị trường. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện sản phẩm này còn chứa hơn hơn 33% là chất Sobiton – nguyên liệu sử dụng làm thuốc xổ.
Mới đây, Bộ Công an cũng vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Tại các địa phương, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc và bắt giữ 14 người. Hay như vụ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả bị thu giữ tại Phú Thọ. Một số sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh cũng bị phát hiện là giả…
Tuệ Lâm / Vietnamfinance.vn