“Thay vì rút tiền hoặc chờ đợi để rút được tiền từ các máy ATM, người dân nên đến với các điểm/quầy giao dịch của ngân hàng để được phục vụ một cách tốt nhất, thuận tiện nhất”, đó là khuyến nghị của ông Huỳnh Song Hào – Giám đốc Khối bản lẻ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Theo ông Hào, trong những ngày gần đây, một số máy ATM của nhiều ngân hàng trong đó có Vietcombank, đặc biệt là những điểm đặt tại khu vực đông dân cư; khu vực đô thị lớn cũng như tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã xảy ra những vấn đề trục trặc.
Nguyên nhân là do lượng giao dịch tăng đột biến. Trung bình một máy trước đây tiếp quỹ 1 lần/ngày nay phát sinh lên 2 thậm chí đến 4 lần, đồng nghĩa với việc một máy trước đây nạp 1-1,5 tỷ/ ngày nay có máy phải nạp từ 2- 4 tỷ/ ngày. Lượng giao dịch tăng đột biến, trung bình một máy ATM xử lý 400 giao dịch/ngày, có nhiều máy phải xử lý đến 600 giao dịch/ngày, tương đương khoảng hơn 2 phút/giao dịch.
Tuy nhiên “giới hạn đỏ” cũng chỉ đạt được đến một mức độ nhất định, quá giới hạn cho phép, về mặt kỹ thuật, các chi tiết/bộ phận của máy không thể cáng được dẫn đến việc xảy ra sự cố. Máy quá tải, quá tần suất, có thể dẫn đến tình trạng mà chúng tôi hay dùng cụm từ nhân cách hóa gọi là “kiệt lực”.
Tỷ lệ trục trặc máy sẽ xảy ra nhiều hơn bình thường khiến cho các đối tác thực hiện công tác bảo trì máy cho các ngân hàng cũng phải căng người lên. Rồi vấn đề tắc đường cũng làm cho nhiều máy “ốm” nhưng không được “chữa trị” kịp thời.
Từ khi có máy ATM thì ngoài đội bảo trì này còn có các cán bộ làm công tác tiếp quỹ ATM, vận hành ATM là thành phần bổ sung cho đội quân luôn bị hưởng những cái Tết không trọn vẹn vì phải trực xuyên Tết.
Với gần 20.000 máy ATM của hệ thống ngân hàng trên toàn quốc thì mỗi ngày hàng chục ngàn tỷ phải được chuyển đi và nạp vào máy đồng thời cũng có hàng chục ngàn tỷ khác phải được kiểm đếm sẵn để phục vụ lần nạp tiếp theo. Một lượng lớn nhân sự của hệ thống ngân hàng đã phải gồng mình trong dịp này cùng với các đối tác tham gia vận hành. Số lượng người mà đứng chờ rút tiền tại các cây ATM dài thêm bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ nhân viên này phải tận tụy và căng sức bấy nhiêu.
Theo con số thống kê cho thấy lượng người rút tiền mặt để về quê ăn Tết tăng gấp hàng chục lần, thậm chí có điểm cả trăm lần cũng khiến cho việc đáp ứng của các máy ATM bị quá tải trầm trọng. Bên cạnh đó, vấn đề giao thông tại các khu đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với lượng người lưu thông tăng đột biến cũng là một nguyên nhân khiến cho việc tiếp quỹ/đưa tiền tới các máy ATM bị chậm chễ, gián đoạn.
Một vấn đề nữa là lường trước tình huống này, tại một số tỉnh, nhằm đáp ứng việc có tiền mặt để chi tiêu trong dịp Tết, thay vì trả lương qua tài khoản, Vietcombank phối hợp với doanh nghiệp triển khai thanh toán lương trực tiếp cho công nhân của một số các công ty tại các khu công nghiêp.
Đây là một cách làm mang tính tình huống, không phải thường xuyên giúp giảm tải cho ATM vì vậy không nên cho rằng đó là việc đi ngược lại chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
“Tôi cũng xin thông tin thêm rằng đa số chủ thẻ hiện nay không để số dư lớn trên tài khoản kết nối với thẻ mà vẫn có xu hướng rút tiền mặt ngay khi nhận lương, giao dịch rút tiền mặt chiếm tới gần 90% . Vậy là từ năm 2002 đến nay, sau hơn 10 năm phát triển, nói đến ATM chúng ta vẫn loay hoay với câu chuyện rút tiền mặt. Rất nhiều các dịch vụ không dùng tiền mặt gắn với hệ thống ATM dường như đã bị lãng quên trong khi mục đích phát triển ATM là kênh giao dịch tự động cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến TK cá nhân và phòng hờ những lúc nhỡ nhàng phải rút tiền mặt, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng được phát triển. Chứ không phải chỉ đơn thuần là rút tiền mặt như hiện nay”, ông Hào cho biết.
Đặng Khôi
Theo Đầu Tư Chứng Khoán