Lãi suất huy động mấy ngày qua được các ngân hàng điều chỉnh tăng với biên độ 0,2-0,8%, trong đó tập trung chủ yếu kỳ hạn ngắn.
Từ 23/12, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn. Trong đó, kỳ hạn 1-2 tháng đều lên mức 4,8% lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn 3, 4 và 5 tháng đều tăng lần lượt lên 5,2%, 5,25% và 5,3% một năm, cao hơn 0,2% so với biểu niêm yết đầu tháng 12.
Tương tự, “ông lớn” BIDV cũng mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,8% ở các kỳ 1-3 tháng. Theo đó, kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%, 2 tháng từ 4,3% lên 5% và 3 tháng lên 5,2, tức tăng 0,5% so với mức niêm yết cũ.
Trước đó, các ngân hàng như VPBank, VietCapitalBank, Saigonbank… cũng có động thái tăng lãi suất huy động. Tại VPBank, lãi suất tăng thêm khoảng 0,5% tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng. Riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng mạnh lên 6,4% một năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các ngân hàng khác (5,4-5,6%).
Trên thị trường liên ngân hàng, trong hai tuần đầu tháng 12/2015, lãi suất đã tăng khoảng 0,91-1,3% ở các kỳ hạn qua đêm đến một tháng. Thanh khoản của hệ thống có phần căng thẳng, thể hiện bằng mức lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh. Theo đó, trong 2 tuần gần đây, lãi qua đêm đã tăng từ mức 3,2% một năm lên mức 4,6% mỗi năm. Lãi suất một tháng ở mức 4,86% một năm.
Tuy nhiên, nhìn nhận về việc tăng lãi suất đầu vào, ông Lê Thành Trung – Phó tổng Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) cho rằng đây chỉ là động thái để cân đối lại nguồn vốn của một vài nhà băng chứ không phải là xu hướng chung của ngành ngân hàng.
Theo ông Trung, tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn vốn phục vụ cho vay.
Ngoài ra, việc tín dụng tăng nhanh hơn huy động cũng là một áp lực để các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn. Trong cuộc họp họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng năm 2015 diễn ra sáng 24/12, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, huy động vốn đến nay tăng 13,59% trong khi tín dụng tăng trưởng 17,17% so với đầu năm. Ngân hàng Nhà nước ước cả năm tín dụng có thể tăng trưởng 18-20%.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, hiện nay mặt bằng lãi suất có xu hướng gia tăng, mặc dù chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân đi vay và để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Chính vì thế, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm thời gian tới.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng phân tích, năm 2015 lạm phát tuy 1%, nhưng năm 2016 không thể chủ quan. Bởi theo IMF, xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước trên thế giới không phản ánh sự giảm phát của nền kinh tế. Theo bà Hồng, tại Việt Nam, lạm phát năm 2015 thấp một phần do tác động bởi yếu tố giá cả trên thị trường hàng hóa giảm, nhất là giá dầu. Giá dầu hiện tại có thể nói gần đáy, nếu tăng trở lại, sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
“Năm 2016, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý như chi phí kinh tế, Nhà nước, giáo dục… nếu điều hành không có sự phối hợp chặt chẽ, đúng thời điểm hợp lý, lạm phát sẽ không thể duy trì thấp như trong năm 2015”, bà Hồng phân tích.
Theo ông Lê Thành Trung, lãi suất thực ra là giá cả nên thuận mua thì vừa bán. Chính sách tín dụng bao giờ cũng phải đảm bảo vừa mở rộng nhưng phải đi đôi với an toàn. Bởi nếu mở rộng tín dụng đại trà (hạ thấp lãi suất) mà lại không phòng ngừa rủi ro thì lúc đó cả khách hàng và ngân hàng đều chết. “Vì vậy yếu tố an toàn là khá quan trọng, tức là phải chặt chẽ và thắt chặt hơn về điều kiện để làm sao có thể đưa ra mức giá cho vay hợp lý nhất mà lại ít bị rủi ro”, ông nói.
Lệ Chi
Theo Vnexpress