Nhiều ngân hàng đang lặng lẽ tung ra các chương trình huy động vốn với lãi suất cao, có thể dấy lên cuộc đua lãi suất trong thời gian tới
Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết đầu tháng 1-2016, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,5%-5,4%/năm; 5,4%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-7,2%/năm. Tuy nhiên, một số NH thương mại lại có chiêu thức huy động tiền gửi từ 6 tháng trở xuống với lãi suất thực tế cao hơn lãi suất do mình công bố.
Lách quy định
Ngày 27-1, chúng tôi đến NH A. (hội sở tại TP HCM) để tìm hiểu lãi suất tiền gửi. “Anh gửi bao nhiêu?” – nhân viên NH A. hỏi rồi tư vấn: Có thể gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 7,27%/năm. Tuy nhiên, sổ tiết kiệm chỉ thể hiện lãi suất 6,4%/năm (mức lãi suất NH này công bố), phần lãi suất còn lại 0,87% sẽ được chi trả cho người gửi bằng tiền mặt tại thời điểm mở sổ tiết kiệm.
Tôi hỏi tiếp, nếu mở sổ tiết kiệm 500 triệu đồng thì nhận trước bao nhiêu tiền mặt? Nhân viên NH nhập thông tin vào máy tính rồi chỉ vào màn hình con số 2,1 triệu đồng.
“Nếu gửi tiếp số tiền vừa nhận được vào sổ tiết kiệm đã mở, lãi suất được tính theo cách nào?”, nhân viên NH trả lời: “Khách hàng phải mở thêm sổ tiết kiệm khác, lãi suất cũng như sổ tiết kiệm 500 triệu đồng và chỉ áp dụng đến ngày 30-1. Anh nên gửi nhanh kẻo lỡ dịp hưởng được lãi suất cao”.
Lãnh đạo một số NH tại TP HCM cho biết mức lãi suất tiền gửi trên 7%/năm được nhiều NH áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Do đó, vào dịp giáp Tết (thời điểm khách hàng rút tiền nhiều), NH nào huy động vốn kỳ hạn 6 tháng với lãi suất ngang bằng kỳ hạn 12 tháng của NH khác, chứng tỏ NH đó đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Mặt khác, việc NH trả trước lãi suất bằng tiền mặt, sổ tiết kiệm không ghi đúng lãi suất mà khách hàng nhận được là cách lách quy định. Hiện có không ít doanh nghiệp lớn vay được cả ngàn tỉ đồng từ các NH lớn với lãi suất 4,5%-5%/năm rồi dùng một phần số tiền vay gửi vào NH khác để sinh lời.
Tuy các NH cạnh tranh lãi suất có lợi cho người gửi tiền nhưng giới phân tích cho rằng tình trạng này sẽ làm cho dòng tiền quanh quẩn giữa các NH.
Lãi suất chạm trần cộng với trúng thưởng
Tại NH T. (hội sở ở Hà Nội), chị Trần Thị Minh – một khách hàng gửi tiết kiệm – cho biết vừa bán căn nhà 2 tỉ đồng và đã gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng, lãi suất 5,5%/năm. Còn gửi kỳ hạn 5 tháng, lãi suất cũng 5,5%/năm nhưng NH cho người gửi bốc thăm tại chỗ, trúng ngay quà tặng hoặc phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng.
NH S. (hội sở ở quận 5, TP HCM) huy động vốn với nhiều kỳ hạn hết sức lạ lẫm. Đơn cử, kỳ hạn 31 ngày, lãi suất 5,3%/năm; kỳ hạn 39 ngày, lãi suất 5,35%/năm; kỳ hạn 45 ngày, lãi suất 5,4%/năm; kỳ hạn 5 tháng, lãi suất 5,5%/năm. Riêng khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 6,9%/năm thì cứ 30 triệu đồng sẽ nhận được mã số tham dự quay số trúng thưởng với giải khuyến khích 2 triệu đồng hoặc 1 kg vàng vào ngày 12-3.
Tại NH V. (hội sở tại Hà Nội), chúng tôi cũng được nhân viên tư vấn lãi suất kỳ hạn 3 tháng và 4 tháng đều ở mức 5,3%/năm kèm theo điều kiện số tiền gửi phải từ 5 tỉ đồng đến trên 10 tỉ đồng và cứ 10 triệu đồng tiền gửi kỳ hạn 3 hoặc 4 tháng, khách hàng nhận được 3-4 mã số, có thể trúng thưởng 1 chỉ vàng mỗi tuần.
Theo quy định của NH Nhà nước, trần lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được thả nổi. Thế nhưng, những người trong ngành cho biết các NH thương mại đưa ra huy động vốn kỳ hạn 3-5 tháng với lãi suất chạm trần cộng với khuyến mãi, quay số trúng thưởng, người gửi có thể hưởng lãi suất vượt trần.
Tiềm ẩn nguy cơ
Trước hiện tượng NH huy động vốn với lãi suất cao, mới đây, NH Nhà nước đã có văn bản yêu cầu NH thương mại không được áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất; nghiêm cấm NH thương mại cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2016, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NH Nhà nước, cũng cảnh báo các NH thương mại về những yếu tố tiềm ẩn cuộc đua lãi suất. Theo ông Thanh, trong năm 2016, NH Nhà nước sẽ siết chặt cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản bởi nhiều NH quá tập trung cho vay dự án lớn nhằm đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Khi khách hàng rút tiền dồn dập, những NH này dễ gặp khó khăn, buộc phải huy động vốn với lãi suất cao làm xáo trộn thị trường.
Tổng giám đốc một NH tại Hà Nội cũng lo ngại một số NH dồn hết vốn cho doanh nghiệp bất động sản thân quen. Đến lúc nào đó, những NH này sẽ hụt vốn và phải tăng lãi suất để huy động tiền gửi kéo theo việc đua tăng lãi suất.
Năm 2016, lãi suất có thể tăng 0,6%-1%
Báo cáo năm 2015, triển vọng năm 2016 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo mặt bằng lãi suất năm 2016 sẽ tăng thêm 0,6%-1%/năm. Theo BVSC, có 3 lý do khiến lãi suất tăng. Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng mạnh trong năm 2015 sẽ buộc các NH phải điều chỉnh tăng lãi suất huy động để có thể thu xếp đủ vốn vay cho năm 2016. Thứ hai, lạm phát sẽ được điều chỉnh dần theo kỳ vọng 5%-7% cho giai đoạn 2016-2020 và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa. Thứ ba, NH Nhà nước cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VNĐ so với USD và việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự kiến điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% trong năm 2016 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VNĐ.
Thy Thơ
Theo Người Lao Động