CEO của Uber, Travis Kalanick, đang phải đau đầu với sự “hung hăng” trong văn hóa làm việc của Uber mà ông vô tình xây dựng, bao gồm nhiều vụ quấy rồi tình dục, làm nhục nhân viên.
Khi một nhân viên mới gia nhập Uber, họ sẽ phải tuân theo 14 giá trị cốt lõi của công ty, trong đó có “sẵn sàng mạo hiểm”, “theo sát khách hàng”, “luôn luôn bận rộn”. Hãng nhấn mạnh việc trọng dụng nhân tài với lý tưởng những người giỏi nhất sẽ vươn lên dẫn đầu nhờ nỗ lực của họ, cho dù có phải dẫm lên chân những người kém nỗ lực hơn.
Những giá trị đó đã trở thành bệ phóng đưa Uber trở thành một trong những điển hình thành công nhất tại Thung lũng Silicon. Công ty hiện được định giá gần 70 tỷ USD bởi các nhà đầu tư và hoạt động tại hơn 70 quốc gia.
Tuy nhiên, việc tập trung thúc đẩy năng suất lao động của nhân viên tới mức tốt nhất có thể cũng khiến nảy sinh môi trường làm việc mà cả nhân viên và cựu nhân viên Uber miêu tả là “cạnh tranh vô cùng khốc liệt”, nơi nhân viên cùng một công ty đối đầu với nhau và mọi người làm mọi cách để vươn lên dẫn đầu.
Tờ The New York Times danh tiếng đã phỏng vấn hàng chục nhân viên cũ và mới của Uber, phân tích email, hội thoại nội bộ của Uber để vẽ lên một bức tranh về môi trường làm việc kỳ lạ ở công ty này. Trong số những cáo buộc nghiêm trọng nhất từ nhân viên, nhân chứng hoặc nạn nhân và những người yêu cầu giấu tên khác vì sợ bị trả thù, nổi bật có những vụ việc như một quản lý cấp cao Uber “sờ soạng” ngực một nữ cấp dưới tại Las Vegas, một giám đốc miệt thị một cấp dưới đồng tính trong một cuộc họp hay một quản lý khác dọa sẽ dùng gậy bóng chày đập đầu những nhân viên yếu kém.
Những câu chuyện về văn hóa làm việc tại Uber vẫn chỉ là tin đồn cho đến hôm 19/2 vừa qua, nữ kỹ sư Susan Fowler, người vừa rời Uber hồi tháng 12/2016, đã đăng tải một bài viết về quãng thời gian cô làm việc ở công ty. Cô miêu tả chi tiết hàng loạt những vụ quấy rối tình dục và đối xử phân biệt của các quản lý tại Uber, những hành vi mà theo cô đã bị phòng nhân lực của Uber làm ngơ. Cô cho hay văn hóa làm việc này đã được nhen nhóm và dung dưỡng bởi những nhân viên cấp cao trong công ty.
“Dường như mọi quản lý ở Uber đều đang đối đầu với các đồng sự và tìm mọi cách để triệt hạ sếp trực tiếp của mình nhằm chiếm quyền họ”, Fowler viết. “Họ làm mọi thứ một cách công khai, họ khoe khoang trong những buổi họp, trong những báo cáo trực tiếp”.
Bài viết của Fowler đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi gay gắt về môi trường làm việc của phụ nữ tại Thung lũng Silicon và cho một cuộc khủng hoảng nội bộ Uber. Người đứng đầu công ty, Travis Kalanick, đã phải mở một cuộc điều tra nội bộ để làm rõ những cáo buộc và mời các cơ quan chức năng vào cuộc.
Ngay trong ngày 21/2, CEO Kalanick cũng tổ chức một cuộc họp toàn thể công ty trong vòng 90 phút. Tại đây, ông và các lãnh đạo Uber đã bị bủa vây bởi hàng chục câu hỏi và khiếu nại từ nhân viên về những vụ việc tương tự như trong bài viết của nữ kỹ sư Fowler và yêu cầu những thay đổi về môi trường làm việc.
CEO của Uber đã xin lỗi toàn thể nhân viên vì đã để văn hóa làm việc tới mức tệ hại như vậy. “Tôi hứa với các bạn rằng tôi sẽ cải thiện tình hình từng ngày”, Kalanick nói với nhân viên. “Tôi có quyền hạn và quyết tâm để xử lý vấn đề này tận gốc”. Nhiều nhân viên đã đánh giá cao phản ứng nhanh của lãnh đạo.
Là CEO của Uber, Kalanick là người hình thành nên tính cách doanh nghiệp của Uber. Công ty này nổi tiếng với những cáo buộc coi thường phát luật tại các quốc gia hoạt động, chỉ trích các đối thủ cạnh tranh trực tiếp để mở rộng càng nhanh càng tốt, điều đó phản ánh rõ nét trong văn hóa làm việc tại Uber.
Đã có ít nhất hai cựu nhân viên Uber từng báo cho Thuan Pham, giám đốc kỹ thuật của Uber về những hành vi quấy rối của các quản lý và đồng nghiệp vào năm 2016, một trong số đó còn gửi email cho Kalanick.
Theo tờ The Times Uber cũng đã dính tới ít nhất ba vụ kiện tại hai quốc gia do các quản lý quấy tối tình dục và xúc phạm nhân viên cũng như rất nhiều nhân viên đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý để kiện công ty này.
Liane Hornsey, Trưởng bộ phận nhân sự của Uber, cho hay: “chúng tôi đang nỗ lực để khắc phục những vấn đề trong quá khứ và xây dựng một văn hóa làm việc tốt hơn cho mọi nhân viên”.
Văn hóa “hung hăng” của Uber bắt đầu từ khi hãng mới được thành lập năm 2009, năm mà ứng dụng Uber ra đời và tạo nên văn hóa taxi mới, thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp taxi.
Để phát triển một cách nhanh chóng, Uber đẩy mạnh phân cấp cấu trúc, nhấn mạnh quyền tự chủ của các văn phòng khu vực. Quản lý khu vực được khuyến khích “được là chính mình”, một trong những giá trị cốt lõi của Uber, và được trao quyền để đưa ra quyết định mà không cần có sự giám sát từ trụ sở ở San Francisco của công ty. Ưu tiên hàng đầu được đưa ra là đạt mục tiêu tăng trưởng và mục tiêu doanh thu.
Dù đang thống trị thị trường Mỹ, tăng trưởng nhanh chóng tại các thị trường mới khác như Nam Mỹ, Ấn Độ, sự phát triển bùng nổ đang khiến nội bộ hãng trả giá. Càng thuê thêm nhiều nhân viên, vấn đề nội bộ của Uber càng nhức nhối. Theo nhiều nhân viên của hãng, cách duy nhất để thăng tiến là “dẫm lên người khác”.
Vấn đề của những người như cô Fowler thường bị phòng nhân lực phớt lờ. Những quản lý cấp cao thường được bao che vì “họ rất quan trọng với vận mệnh của công ty”. Thường những quản lý có vấn đề không bị đuổi việc mà chỉ bị luân chuyển sang vùng khác.
Nhóm quản lý cấp cao mang tên nhóm A, gồm những người thân cận với Kalanik thường xuyên được bao che dù sai phạm.
Văn hóa “hung hăng” của Uber đôi khi còn lan ra ngoài những hoạt động nội bộ. Trong cuộc gặp mặt Uber toàn cầu tại Las Vegas cuối năm 2015, nhiều nhân chứng cho hay nhiều nhân viên Uber đã dùng ma túy, một quản lý cấp cao đã sờ soạng nhiều nhân viên nữ.
Từ sau bài viết của nữ kỹ sư Fowler, một vài nhân viên Uber đã nói họ đang cân nhắc rời công ty, một vài người đang đợi tới khi nhận được bồi thường từ công ty. Vài nhân viên khác cũng khẳng định đang ứng tuyển tại các đối thủ cạnh thủ của Uber.
Dù vậy, vẫn nhiều nhân viên nói họ hy vọng Uber sẽ thay đổi. Kalanick đã hứa sẽ sát sao hơn tới tình hình của những nhân viên nữ và nhân viên thiểu số tại Uber. Công ty cũng hứa sẽ thay đổi cách tuyển dụng quản lý, không tuyển “những tên khốn thông minh” nữa.
Ngô Minh (Theo The New York Times)