Lộ trình đưa Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực có 4 giai đoạn. Trong đó, hướng đến Trung tâm tài chính quy mô khu vực và trung tâm fintech của quốc gia khu vực vào năm 2045.
UBND TP. Đà Nẵng vừa có báo cáo tình hình xây dựng Đề án xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực gửi HĐND thành phố này, chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới.
Mô hình Trung tâm tài chính TP. Đà Nẵng gồm 3 cấu phần. Trong đó, trung tâm tài chính offshore sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư quốc tế để thành lập các định chế tài chính và tổ chức thị trường cung cấp các dịch vụ offshore tài chính mang tính tích hợp dịch vụ trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nước và khu vực.
Trung tâm fintech sẽ ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính theo cơ chế cấp phép đặc thù của trung tâm tài chính, kết nối dịch vụ fintech và tài trợ các startups trong các lĩnh vực kinh doanh khác. Ngoài ra còn có các hoạt động phụ trợ phục vụ cho hoạt động tài chính trong trung tâm tài chính và các dịch vụ tiện ích khác.
TP. Đà Nẵng cũng đã đưa ra lộ trình cho Đề án xây dựng Trung tâm tài chính.
Cụ thể, giai đoạn 2022 – 2023, thành phố hoàn thiện Đề án trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực”; Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành Nghị quyết về phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Giai đoạn 2023 – 2024, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng (bao gồm lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch phân khu trung tâm tài chính, quy hoạch chi tiết…). Đồng thời, đề xuất cơ chế thành lập Hội đồng phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.
Giai đoạn 2024 – 2030, tập trung hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng bao gồm: hạ tầng cứng như văn phòng, khu phức hợp… và hạ tầng mềm như hạ tầng tài chính, công nghệ thông tin…). Song song là thu hút các định chế tài chính quốc tế và các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng trên thế giới triển khai
Giai đoạn sau 2030, sẽ chuyển đổi mô hình Trung tâm tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính trong nước và một số quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hướng đến trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực và Trung tâm fintech của quốc gia khu vực vào năm 2045.
Đề án đề xuất 11 cơ chế chính sách, ưu đãi đặc thù.
Về cơ chế khuyến khích, sẽ ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng; ưu đãi dành cho tổ chức kinh tế thành lập trong trung tâm tài chính và ưu đãi về thuế.
Về thị trường tài chính, có chính sách phát triển thị trường vốn, có cơ chế huy động vốn của các tổ chức trong nước thông qua Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Về tiền tệ, ngân hàng sẽ khuyến khích các tổ chức tín dụng thành lập chi nhánh riêng, cung cấp dịch vụ ngoại hối cho người không cư trú và các tổ chức kinh tế tại các trung tâm tài chính khác; chính sách ngoại hối; chính sách phát triển công nghệ tài chính (fintech)….
Về cơ sở hạ tầng, sẽ xây dựng chính sách các dịch vụ phụ trợ và tiện ích. Ngoài ra còn có chính sách xuất nhập cảnh, chính sách giải quyết tranh chấp.
Khánh Hồng / Vietnamfinance