Đánh giá đây là thời điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam tuy nhiên, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho biết còn 2 khó khăn vay vốn và bất ổn vĩ mô mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Hai khó khăn đối mặt
Tại toạ đàm: “Làm ăn gì năm 2016?” do BizLIVE tổ chức ngày 12/12 tại Trung tâm hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn, Thanh Hoá, ông Huỳnh Thế Du cho biết, các chỉ số tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, chỉ số cạnh tranh cao nhất từ trước đến nay cho thấy đây là thời điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam.
Ông Du cũng nhận định, với GDP bình quân đầu người chuẩn bị cán mốc 3.000 USD, mốc bùng nổ chi tiêu và phát triển tăng trưởng cải thiện thời gian qua là thực.
Tuy nhiên, ông Du cũng cho biết, xếp hạng trên thế giới của Việt Nam vẫn còn 2 khó khăn, trục trặc nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là việc vay vốn, tiếp cận các nguồn tài trợ và bất ổn kinh tế vĩ mô liên quan trực tiếp đến nợ công.
Cụ thể, phân tích về bất ổn vĩ mô, TS. Du cho biết các vấn đề xuất phát từ chi tiêu của Nhà nước và bất ổn nợ công. Tỷ lệ đầu tư và chi tiêu công tính trên GDP của Việt Nam là gần cao nhất thế giới, chi tiêu so với thu ngân sách khoảng 25%, trong khi bình quân các nước khác khoảng 20%.
Trục trặc lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề chi tiêu và phân bổ nguồn lực. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ chi tiêu/GDP chỉ khoảng 10%, nhưng ở một số địa phương lại lên đến trên 30%.
“Vấn đề là chúng ta không có nguồn lực, nút thắt ở đây là phân bổ nguồn lực”, ông Du nói.
“Nền kinh tế quá phụ thuộc ngân hàng”
Đại diện phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco cho biết, năm 2015 vừa qua lạm phát ổn định đã giúp chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, lãi suất ngân hàng vẫn rất cao làm giảm cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo đó, bà Thuận kiến nghị nên quan tâm hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi với tỷ trọng chiếm tới 92-94% hiện nay là bộ phận quan trọng nhưng lãi suất 7-8% là cao.
Ngoài ra, đại diện Traphaco cũng cho biết, phần thu ngân sách của Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp lớn nên chưa hiệu quả mặc dù đây là một trong những trách nhiệm của doanh nghiệp.
“Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải tôn trọng pháp luật, nhưng Việt Nam hiện nay hơi tận thu”, bà Thuận nói.
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, bà Thuận cho biết doanh nghiệp cũng đang thờ ơ với hội nhập, với riêng ngành dược hiện có trên 50% là doanh nghiệp nước ngoài. Khi hội nhập, việc các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lấn sân vào nhiều thì những doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống phân phối dự phòng sẽ lại là lợi thế.
Phản hồi về khó khăn liên quan đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tín dụng/GDP trên 100% là con số khá cao.
Việt Nam vốn nền kinh tế quá phụ thuộc vào ngân hàng trong khi các quốc gia khác còn có sự hỗ trợ từ chứng khoán, trái phiếu… Ngân hàng chịu những sức ép nhất định, khi điều chỉnh chính sách tác động mạnh.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô tài chính thấp, minh bạch còn hạn chế trong khi các yếu tố minh bạch để giám sát quan trọng. Đây là yếu tố tác động, vốn ngân hàng có nhưng doanh nghiệp thiếu tiêu chí, khả năng an toàn của ngân hàng gặp khó khăn”, ông Long nói.
Cuối cùng, theo ông Long, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bản thân Ngân hàng Nhà nước mong muốn có cơ chế hiệu quả tuy nhiên các cơ chế đều đang gặp vướng mắc về pháp luật và cách thức thực hiện.
“Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đồng bộ các cơ chế thương mại nếu phù hợp các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay”, ông Long kết luận.
Nguyễn Thảo
Theo Bizlive