NVL gây ấn tượng mạnh nhất phiên 22/11 khi tăng kịch trần sau thông tin Novaland được Chính phủ tìm cách gỡ khó cho một số dự án. Hiệu ứng này lan ra nhiều cổ phiếu bất động sản khác.
Phiên 22/11, chỉ số VN-Index tăng 3,36 điểm, tương đương 0,3%, lên 1.113,82 điểm. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp từ đầu tuần và mức tăng đều khá nhẹ.
Tuy nhiên, sự ảm đạm chủ yếu xảy ra ở nhóm VN30. Các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ tăng khá tốt trong phiên, bằng chứng là chỉ số VNMID-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá cỡ vừa) và VNSML-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá cỡ nhỏ) tăng lần lượt 1,06% và 1,01%; trong khi đó, chỉ số VN30-Index chỉ tăng 0,11%.
NVL của nhóm bất động sản gây ấn tượng mạnh nhất thị trường khi tăng kịch trần sau thông tin Novaland được Chính phủ tìm cách gỡ khó cho một số dự án. Hiệu ứng này lan ra các cổ phiếu bất động sản khác, trong đó nổi bật là: DIG tăng 2,5%, DXG tăng 4,69%, DXS tăng 2,66%, HDC tăng 5,51%, SJS và HBC đều tăng kịch trần. Ngoại trừ bộ đôi VHM – VIC ghi nhận sắc đỏ, đa phần cổ phiếu bất động sản đều tăng điểm.
Cổ phiếu chứng khoán ngập tràn sắc xanh. Theo đó, SSI tăng 1,08%, VND tăng 0,92%, VCI tăng 3,69%, HCM tăng 2,71%, VIX tăng 1,18%, FTS tăng 2,57%, AGR tăng 1,6%, CTS tăng 2,9%, ORS tăng 3,27%.
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch thiếu sôi động khi đa phần biến động dưới 1%, ngoại trừ EIB tăng 2,96%.
Ở nhóm sản xuất, các cổ phiếu vốn hoá trên trung bình diễn biến tương đối khả quan, trong khi các cổ phiếu vốn hoá dưới trung bình phân hoá hơn. Nhìn chung, biên độ dao động khá nhỏ.
Cổ phiếu năng lượng và hàng không phân hoá: POW giảm 0,43%, GAS đứng giá tham chiếu trong khi PGV và PLX lần lượt có thêm 2,76% và 0,74% giá trị; VJC tăng 1,5% còn HVN đứng giá tham chiếu.
Ở nhóm bán lẻ, MWG tiếp tục chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại và giảm 2,69%. Các cổ phiếu bán lẻ còn lại như PNJ, FRT, DGW dao động quanh mốc tham chiếu.
Toàn sàn HoSE có 263 mã tăng giá, 93 mã đứng giá tham chiếu và 220 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh ở mức khá, đạt 17.355 tỷ đồng.
Thanh Long / Vietnamfinance