EVN bị lỗ tổng cộng hơn 26.200 tỷ đồng và đang đối diện nguy cơ mất cân đối tài chính, giá điện dự kiến cũng sẽ sớm được điều chỉnh…
EVN đối diện nguy cơ mất cân đối tài chính.
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tổng chi phí khâu phát điện năm 2022 của EVN là 412.243 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.698,45 đồng/kWh.
So với năm 2021, chi phí khâu phát điện năm 2022 tăng 72.855,58 tỷ đồng. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 16.854,57 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 69,44 đồng/kWh.
Theo Cục Điều tiết điện lực, năm 2021, tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 265,75 tỷ đồng. Năm 2022, tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo chưa nối lưới điện quốc gia là 387,55 tỷ đồng. Tổng khoản tiền bù giá cho các xã huyện, đảo trong hai năm 2021-2022 lên tới hơn 653,2 tỷ đồng.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN cho thấy, tập đoàn bị lỗ 36.294,15 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện (bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) năm 2022 của EVN lỗ 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
“Theo kết quả kiểm tra, còn nhiều khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022. Trong đó, chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2022 lên tới hơn 14.723 tỷ đồng”, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết.
Trước câu hỏi về khả năng tăng giá điện thời gian tới, ông Trần Việt Hoà – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định: “Chúng tôi đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định”.
Ông Hoà cho biết, theo quy định, cơ chế bán lẻ điện bình quân sẽ được căn cứ vào thông số đầu vào, nếu thông số này thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân 3% trở lên, thì giá điện sẽ được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm, giá điện sẽ giảm”.
Do giá điện tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế vĩ mô, cho nên quyết định 24, các phương án phải báo cáo Thủ tướng xem xét, tuỳ theo mức điều chỉnh sẽ tuỳ thuộc thẩm quyền, nếu tăng giá điện bán lẻ dưới 5% sẽ thuộc thẩm quyền của EVN, Bộ Công Thương, từ 5% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và từ trên 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
“Thời gian qua, tập đoàn EVN đã xây dựng phương án điều chỉnh giá điện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phối hợp đơn vị liên quan, rà soát phương án mà EVN xây dựng, chúng tôi đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định”, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Kỳ Thư / Vietnamfinance