Khi chính thức mở cửa thị trường viễn thông mùa hè năm 2013, Myanmar được ví như một cô gái vừa trẻ lại vừa đẹp. Nhưng giờ, “cô gái Myanmar” không trẻ nữa.
Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ví von như vậy với VnEconomy, sau khi đơn vị này trúng thầu liên doanh hình thành nhà mạng di động thứ 4 tại Myanmar – một trong những thị trường nước ngoài được xem là tiềm năng nhất, dù Viettel được chấp nhận “cập bến” Myanmar muộn hơn các đối thủ nước ngoài tới gần ba năm.
Ông Dũng nói:
– Cuối tháng 5 tới, Viettel và liên danh sẽ chính thức nhận được giấy phép từ Chính phủ Myanmar và đến tháng 8, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai hạ tầng mạng lưới. Viettel sẽ xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp trên toàn Myanmar, và sẽ cố gắng nỗ lực làm rất nhanh.
Dự kiến khoảng sau một năm triển khai đầu tư hạ tầng, Viettel sẽ chính thức khai trương dịch vụ tại Myanmar.
Không còn “trẻ”, nhưng vẫn “đẹp”
Nhưng, sao mới sau chưa đầy ba năm mở cửa, mà “cô gái Myanmar” đã không còn trẻ nữa, thưa ông?
Vì trước thời điểm mở cửa, Chính phủ Myanmar cho các nhà đầu tư nước ngoài đấu thầu giấy phép viễn thông di động, tỷ lệ người dùng điện thoại di động vẫn khá thấp, chỉ dưới 10%.
Tuy nhiên, sau khi các hãng viễn thông ngoại vào đầu tư, phát triển thuê bao ào ạt, tỷ lệ người dùng hiện tại đã lên tới gần 70% rồi.
Như thế, Myanmar trong viễn thông đâu còn là cô gái trẻ, “trinh nguyên” nữa đâu.
Vậy nhưng cô gái đó vẫn “đẹp” chứ?
Myanmar vẫn là thị trường tiềm năng, bởi đất nước này vừa mới mở cửa nên kinh tế bắt đầu trong giai đoạn phát triển, có GDP tăng trưởng bình quân tới 8%/năm, và tôi nghĩ sẽ phát triển khá nhanh.
Myanmar có cơ sở hạ tầng, tiếng Anh, luật pháp, nền giáo dục… đều khá tốt để phát triển.
Nói chung, khi họ mở cửa sẽ phát triển rất nhanh, và như thế tất nhiên mình sẽ có nhiều cơ hội.
Khoảng trống thị trường còn tới 30% (tỷ lệ chưa dùng điện thoại di động – PV) có được hiểu là dư địa còn lại cho Viettel vẫn lớn?
Không, quan trọng nhất là kinh tế họ đang bắt đầu trên đà phát triển.
Làm viễn thông cũng như bán lẻ, quan trọng là người dân có khả năng chi trả hay không. Có tiền chi trả thì vẫn có cơ hội làm. Chứ nước nghèo, khả năng chi trả thấp, thì khó khăn hơn.
Như tại Peru (Viettel đang kinh doanh viễn thông tại đây – PV) thuộc Nam Mỹ khá phát triển, tỷ lệ viễn thông di động đã trên 100% , tức là số thuê bao đã nhiều hơn dân số, nhưng mình làm tốt thì vẫn có cơ hội, vì người dân giàu nên sẵn sàng chi trả, vẫn có cửa lớn.
Phân tích như trên của ông thì có nghĩa cơ hội cho Viettel tại Myanmar không đơn thuần chỉ dừng lại ở 30% số người dân chưa dùng điện thoại?
Nếu viễn thông mà chỉ có thoại và tin nhắn SMS mà 70% dân số dùng rồi, thì rất khó tìm người dùng mới.
Tuy nhiên, viễn thông thế giới bây giờ không phải như ngày xưa, một người không phải dùng một sim. Một mạng mới ra người ta bao giờ cũng thử sim mới vì nghĩ có điều gì đó mới, nếu mạng mới tốt, chất lượng tốt, phục vụ khách hàng tốt thì người ta cũng sẽ dùng sim đó làm sim chính.
Thậm chí cả khi 100% số dân dùng rồi thì vẫn có cửa cho nhà mạng mới, vẫn có cửa cho sim thứ hai, thứ ba, vì đây là xu hướng tất yếu, nhất là khi bây giờ chuyển sang 3G, 4G thì càng dễ thu hút người dùng mới, với các ứng dụng, các trải nghiệm mới.
Tóm lại, trong túi khách hàng sẽ có hai đến ba sim, vấn đề là anh nào tạo ra ARPU (tỷ lệ doanh thu trên một thuê bao – PV) nhiều nhất cho mình. Điều đó thuộc về vấn đề kinh doanh.
Hai nhà mạng quốc tế là Telenor ASA của Na Uy và Ooredoo cuả Qatar đã thắng thầu hàng chục hãng viễn thông trên thế giới trong đó có Viettel năm 2013, để trở thành hai nhà viễn thông nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Myanmar, và họ cũng đã đang phát triển rất nhanh với hàng triệu thuê bao. Liệu đây có là rào cản lớn của Viettel?
Đúng là nếu mình vào cách đây hai ba năm trước thì cơ hội và lợi thế lớn hơn rất nhiều, bây giờ cũng đã bắt đầu khó khăn rồi.
Dù vậy, như tôi đã nói ở trên, do kinh tế bắt đầu trong giai đoạn phát triển, người dân dùng nhiều sim… nên thách thức hay rào cản cũng không phải là quá lớn. Với kinh nghiệm của Viettel tại những thị trường tương đương, thì chúng tôi thấy mình còn vô vàn cơ hội.
Nếu so với tất cả các nước mà Viettel đã đầu tư và kinh doanh, xét ở thời điểm nhận giấy phép đầu tư cũng như thời điểm khai trương dịch vụ vào khoảng tháng 8/2017 tại Myanmar, thì nước này có được xem là thị trường tiềm năng nhất không?
Thuận lợi nhất vẫn là Campuchia và Lào, vì lúc mình vào độ xâm nhập thị trường cũng chưa nhiều, còn khá thấp.
Tuy nhiên tôi nghĩ cơ hội thành công tại Myanmar cũng ngang ngửa với Campuchia – thị trường đang thành công nhất của Viettel.
Hiện tại, mạng quốc doanh MPT tại Myanmar đang chiếm thị phần lớn nhất với 18 triệu thuê bao, Telenor có 12 triệu thuê bao, còn Ooredoo khoảng 5,8 triệu thuê bao. Vậy, Viettel sẽ mang những lợi thế gì đến Myanmar? Và mục tiêu trong ba năm tới của các ông tại Myanmar là như thế nào?
Quan trọng đầu tiên là mạng lưới. Quan điểm của Viettel từ trước đến giờ là bắt đầu khai trương thì mạng lưới phải tốt hơn cái anh tốt nhất ở đó.
Như, mạng Telenor tại Myanmar hiện có hơn 4.000 trạm, thì mình đưa ra mục tiêu tháng 8 năm sau, nếu họ có khoảng 4.500-4.600 thì mình phải có 5.000 trạm, vùng phủ sóng phải tốt hơn.
Thứ hai là Viettel chủ yếu làm cáp quang chứ không phải là viba, viba chỉ rất ít, vì xu thế là băng rộng. Viettel xác định ở đó lâu dài nên phải làm cáp quang và băng thông rộng.
Bên cạnh đó là các chiến lược kinh doanh, tôi xin không đề cập chi tiết.
Về mục tiêu thì nguyên tắc của Viettel làm gì thì làm, ít nhất phải chiếm được 30% dân số, chỉ như thế mới thành công. Kết quả này phải mất khoảng 3 – 4 năm.
Được chọn vì có nghề
Myanmar là thị trường khá đặc thù so với các thị trường mà Viettel đã kinh doanh vì mới bắt đầu mở cửa. Việc xúc tiến đầu tư, cách thức đấu thầu vào đây có gì khác biệt không, thưa ông?
Thực ra việc xúc tiến đầu tư vào bất cứ nước nào, đặc biệt là những các nước đang phát triển bao giờ cũng phải có nền tảng quan hệ và hiểu biết nhất định. Giả sử mình sang đấy thì phải biết tổ chức của họ ra sao, văn hóa của họ thế nào, thế mới có người ủng hộ, giúp đỡ mình.
Họ phát thầu lần vừa rồi gần tương tự thầu lần trước mình tham gia. Họ đưa ra một số điều kiện như triển khai mạng lưới, dịch vụ cung cấp, vùng phủ…, ngoài ra phải trình bày kế hoạch sản xuất kinh doanh khi nhận được giấy phép và trong điều kiện giấy phép thứ tư. Sau khi dự thầu xong thì họ phỏng vấn bằng lời, rồi mình bảo vệ xong thì họ chấm điểm và công bố thắng thầu.
Nói thì ngắn gọn vậy chứ để vào được Myanmar cũng là một sự kỳ công của Viettel.
Chúng tôi từng đến đây 10 năm rồi, đã mở văn phòng đại diện rất sớm và còn cử hai nhân viên sang đó học tiếng bản địa với mục đích để nắm thông tin và tạo mối quan hệ, tìm hiểu văn hoá của Myanmar. Trong 10 năm đó mình đã tìm các cơ hội để xin giấy phép, làm việc với nhiều đối tác.
Tuy niên, quan điểm của họ làm gì cũng phải đấu thầu nên làm rất cẩn thận. Tới tận năm 2013, Viettel tham gia thầu nhưng chưa thành công vì các đối thủ bỏ thầu quá cao. Và tới vừa rồi Viettel cùng liên doanh mới trúng thầu giấy phép còn lại cuối cùng tại Myanmar.
Nhưng việc chỉ sở hữu 49% trong liên doanh, điều đó đồng nghĩa với việc Viettel sẽ không có quyền quyết định cao nhất. Điều này có là khó khăn đối với các ông?
Đúng là một trong những khó khăn lớn nhất của Viettel là không được tự chủ 100% mà chỉ được nắm giữ 49%. Tuy nhiên, Viettel vẫn giữ cổ phần cao nhất, vì hai đối tác bản địa thì một giữ 28% và một là 23%.
Viettel chỉ đóng tiền 49% nhưng quyền điều hành thì theo quy định hợp đồng liên doanh mình ký kết. Ví dụ có thể đàm phán để Viettel điều hành ba năm đầu, đủ thành công rồi thì nhường lại chẳng hạn.
Chắc là họ sẽ đồng ý thôi vì họ không có nhiều kinh nghiệm về viễn thông. Họ chọn Viettel vì có nghề chứ không chọn vì có tiền. Trong vòng một năm để xây dựng khoảng 5.000 trạm BTS là rất thách thức.
Cách thức góp vốn trong liên doanh của đối tác là như thế nào thưa ông? Họ có góp vốn bằng các giá trị hiện vật tại chỗ như đất đai, giấy phép… như các doanh nghiệp Việt Nam đã từng góp trong các liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài thời kỳ chúng ta mới mở cửa không?
Đâu đó họ cũng có quan điểm như vậy. Myanmar đang mở cửa, nhưng tôi nghĩ khoảng một thời gian nữa mới mở cửa hoàn toàn. Bây giờ bên đó, các công ty nội địa vay tiền USD rất khó. Những cái gì là ngoại tệ thì mình cố gắng đảm bảo, còn những gì tiêu bằng nội tệ, hạ tầng cơ sở thì có thể đối tác sẽ lo.
Vậy thì về số vốn trong cam kết liên doanh, Viettel dự kiến sẽ giải ngân như thế nào?
Thường là trong vòng ba năm. Tuy nhiên, trong hai năm đầu, việc giải ngân gần như cơ bản đã bỏ hết, vì chiến lược đầu tư của mình là đầu tư hạ tầng trước, kinh doanh sau.
Với chiến lược đầu tư đến đâu kinh doanh đến đó chỉ làm khi độc quyền, thị trường còn mênh mông. Còn mình vào sau, khi thị trường đã đầy rồi thì chỉ có thu hút người dùng thông qua chất lượng dịch vụ, vì thế mạng lưới và hạ tầng phải rất tốt đã.
Dù vậy, không phải lúc nào Viettel cũng mang hết tiền túi của mình sang đầu tư, mà chúng tôi bằng uy tín của mình có thể vay ngân hàng, huy động thiết bị từ đối tác… làm sao có lợi nhất, hiệu quả nhất cho mình thì làm.
Mạnh Chung
Theo Vneconomy