Nếu được Chính phủ chấp thuận, việc chào bán 53% cổ phần tại Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn có thể mang về cho Nhà nước hàng tỷ USD.
Tổng công ty Bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương án bán cổ phần. Cụ thể, Nhà nước sẽ bán 53% cổ phần một lần duy nhất, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 89,59% xuống còn 36%. Hình thức bán đề xuất là đấu giá công khai.
Đề xuất này được đưa ra trong sự chờ đợi của giới đầu tư khi đã nhiều lần Sabeco và Bộ Công Thương lên kế hoạch bán cổ phần nhưng đều “hụt”. Nhiều ý kiến cho rằng Sabeco là một “con gà đẻ trứng vàng”, hoạt động hiệu quả bậc nhất trong số các doanh nghiệp Nhà nước mà Bộ Công Thương đang quản lý nên kế hoạch thoái vốn luôn bị “nâng lên đặt xuống”.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo của Sabeco khẳng định là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương nên dù có nhiều đại gia hỏi mua nhưng mọi kế hoạch bán cổ phần đều phải được Bộ và Chính phủ phê duyệt, bản thân doanh nghiệp không thể tự quyết. Thêm vào đó, vì là hãng bia lớn – thương hiệu lâu đời của Sài Gòn nên việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng được xem xét kỹ dựa trên nhiều tiêu chí đề ra. Vị này cho biết, Chính phủ chưa phê duyệt phương án nên chưa thể chia sẻ các tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược.
Theo phương án thoái 53% vốn, cuộc đua sở hữu Sabeco được đánh giá sẽ rất nóng bởi nhà đầu tư sẽ có quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam. Trước đó, đây luôn là khoản đầu tư được chờ đợi trên thị trường chứng khoán. Mỗi lần đại gia ngành bia số một Việt Nam này muốn bán cổ phần, lại có hàng loạt đơn vị đánh tiếng mua và sẵn sàng chi hàng tỷ USD để sở hữu cổ phần.
Cụ thể, đã có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần của Sabeco, trong đó có một số tập đoàn nước ngoài như Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), ThaiBev (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ)… Còn trong nước là Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty cổ phần tư vấn Ánh Dương, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình… Tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (Thaibev) đã từng định giá 2 tỷ USD cho 40% cổ phần của Sabeco. Tuy nhiên, qua thời gian, nhiều cuộc gặp gỡ, nhưng Sabeco vẫn chưa “gật đầu” với đại gia nào
Có nhiều điều làm nên sức hút Sabeco như thị phần, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường đồ uống có cồn của Việt Nam (46%). Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát (VBA), Việt Nam hiện xếp thứ 5 về tiêu thụ bia tại châu Á sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Với sở thích uống bia của người Việt, dự báo thị trường sẽ tăng trưởng trong những năm tới.
Năm 2015, Sabeco có doanh thu đạt 8.081 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.420 tỷ đồng, tăng gần 25%. Sản lượng tiêu thụ bia của công ty đạt 1,5 tỷ lít. Đại gia bia này đang đầu tư gần 4.500 tỷ đồng vào 12 công ty con và 14 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bia rượu, nước giải khát, thương mại, cơ khí, thủy điện, bao bì, sản xuất thủy tinh… Mạng lưới sản xuất bia của công ty phân bổ khắp các tỉnh thành. Sở hữu Sabeco, các nhà đầu tư có thể có ngay trong tay mạng phân phối trải dọc cả nước.
Tuy vậy, bản thân doanh nghiệp này cũng đang đứng trước áp lực cạnh tranh lớn. Thực tế, cả sản lượng và doanh thu của Sabeco đang đứng vị trí số một song hầu như không có sự tăng trưởng, trong khi các đối thủ ngoại khác vẫn vươn lên, như trường hợp của Heniken – thương hiệu đã vươn lên xếp số 2 về tiêu thụ bia trong năm 2015.
Cuộc chiến ngành bia ngày càng khốc liệt, các đại gia bia ngoại rất quyết liệt trong việc giành giật các điểm bán hàng thành phố lớn, tỉnh lân cận. Ngoài ra, nhiều đại gia bia ngoại cũng đang nhòm ngó thị trường top uống bia trong khu vực như Sapporo (Nhật), AB-Inbev (Mỹ), Shingha (Thái Lan),…
Mức tiêu thụ bia trong nước cũng đang có dấu hiệu chững lại. Bốn tháng đầu năm, sản lượng đạt hơn một tỷ lít. Đầu năm nay, thuế tiêu thụ đặc biệt với bia sẽ tăng lên 55%, cùng cách tính thuế tại cơ sở bán ra làm giá bia có thể tăng 5-7%. Sabeco cũng đang “đau đầu” tính toán giữa việc tăng giá bán có thể khiến sản lượng tiêu thụ giảm.
Mới đây, Công ty bia Sài Gòn – Bình Tây đã quyết định sáp nhập với Sài Gòn – Phủ Lý và Sài Gòn – Ninh Thuận để tăng sức cạnh tranh, cũng như giữ được thương hiệu truyền thống trước sự xâm lấn của nhiều hãng bia ngoại. Đây là các công ty liên kết của Sabeco. Như vậy, thị trường bia đã không còn béo bở như mấy năm trước khi các đại gia ngoại liên tục tấn công.
Cổ phần hoá đã 8 năm song Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối, Sabeco chưa niêm yết trên sàn. Theo quy định, sau cổ phần hoá tối đa một năm, công ty phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về tình trạng “trốn” niêm yết của Sabeco.
“Cách đây hơn 10 năm, Sabeco là doanh nghiệp lớn hơn nhiều so với Vinamilk, lợi nhuận Sabeco cao gần gấp đôi Vinamilk nhưng nay, lợi nhuận Vinamilk cao gần gấp 3 lần Sabeco. Sau hơn 8 năm cổ phần hóa, Sabeco tăng trưởng rất chậm dù tiềm năng phát triển là rất lớn”, VAFI so sánh và bày tỏ sự quan ngại với những quyết định điều động nhân sự chủ chốt công ty lớn mà không có kinh nghiệm.
Hiệp hội này cũng đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng đề xuất Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Sabeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán nhằm gia tăng tối đa giá trị doanh nghiệp. Bộ không nên áp dụng việc mua bán thỏa thuận nhằm tránh tiêu cực, đồng thời, tạo sân chơi cho nhiều nhà đầu tư lớn tham gia cạnh tranh giá.
Tính toán của VAFI cho thấy, số tiền đấu giá thu được từ bán vốn ngành bia (Sabeco và Habeco) có thể tới 3 tỷ đôla. Số tiền thu được sẽ để xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ùn tắc.
Bạch Dương
Theo Vnexpress