Các sản phẩm diesel và nhiên liệu bay không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập do chịu thuế cao là lý do được Tập đoàn Dầu khí đưa ra khi báo cáo về tình hình khó khăn tại nhà máy lọc dầu quy mô 5 tỷ USD.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) vừa có văn bản gửi Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, việc ký kết các hợp đồng dài hạn tiêu thụ sản phẩm xăng dầu năm 2016 của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị trực tiếp quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất) cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Trước đó, theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu diesel, xăng cho máy bay (Jet A1) từ các nước trong khu vực đã giảm từ 20% về 10%. Trong khi đó, các mức thuế đối với các sản phẩm của Dung Quất vẫn giữ nguyên 20%, dẫn đến khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
“Giá bán đối với dầu diesel, Jet A1 của Dung Quất vẫn không thể cạnh tranh so với nguồn hàng nhập khẩu”, PetroVietnam khẳng định.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá dầu thế giới lao dốc, thuế nhập khẩu giảm, nhiều đầu mối xăng dầu trong nước chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn 2-3 tháng, giảm khối lượng mua. Ngay như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), khách hàng lớn nhất của PetroVietnam cũng chỉ đồng ký ký hợp đồng 2 tháng đầu năm và giảm khối lượng mua dầu diesel từ 120.000 m3 xuống còn 80.000 m3 một tháng. nhằm chờ đợi các động thái tiếp theo.
Việc khách hàng giảm khối lượng tiêu thụ và chỉ giao dịch trong ngắn hạn gây nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến kế hoạch mua dầu thô, phương án tiêu thụ sản phẩm cũng như mục tiêu đảm bảo an toàn vận hành của nhà máy.
Không chỉ vậy, ông lớn dầu khí này còn cho rằng theo Thông tư 20 của Bộ Tài Chính ban hành ngày 16/12/2015 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA Việt Nam – Hàn Quốc, thuế nhập khẩu với sản phẩm xăng từ Hàn Quốc sẽ cũng được áp dụng là 10%, trong khi thuế với các sản phẩm mua từ Dung Quất vẫn là 20%.
Theo văn bản được Phó tổng giám đốc PetroVietnam – Nguyễn Sinh Khang ký, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay, xăng dầu chiếm hơn 90% (trong đó 50% là diesel và Jet A1) nên việc thuế suất cao hơn thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước sẽ khiến Lọc hóa dầu Bình Sơn gặp khó.
“Nếu mặt hàng diesel không tiêu thụ được thì Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ không thể duy trì công suất ổn định, bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới”, lãnh đạo PetroVietnam cảnh báo.
Do vậy, tập đoàn này đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu với dầu diesel, Jet A1 nhằm đảm bảo sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, giúp ổn định sản xuất, vận hành liên tục của nhà máy.
Trước đó trong năm 2015, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng từng “dọa” đóng cửa khi áp dụng biểu thuế ưu đãi ATIGA. Sau đó, Bộ Tài Chính đã quyết định giảm thuế đối với các sản phẩm xăng dầu từ Dung Quất xuống 20% ngang với các nước ASEAN.
Mặc dù nhiều lần kêu khó song trong năm 2015, Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 95.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 6.000 tỷ đồng. Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD bắt đầu vận hành từ năm 2009. Giữa năm 2015, dự án được đầu tư mở rộng thêm 1,82 tỷ USD nhằm nâng công suất lên 8,5 triệu tấn một năm, dự kiến hoàn thành năm 2021. Như vậy, tổng đầu tư của dự án lên tới gần 5 tỷ USD.
Bạch Dương
Theo Vnexpress